Điểm chung giữa thất bại của tuyển Việt Nam và MU

Với cùng sơ đồ 5-3-2, ĐT Việt Nam và Man United đều đã gặp nhiều vấn đề. Kết cục là cả hai đều phải nhận thất bại khi không thể thông suốt chiến thuật.

Sự tương đồng giữa trận đấu trong khuôn khổ Vòng loại thứ ba World Cup 2022 với derby Manchester ngày 06/11 là khá dễ để nhận ra, khi cả hai đội chủ nhà - Việt Nam và Manchester United - đều nhập cuộc với sơ đồ 5-3-2.

Điểm yếu lịch sử của sơ đồ 5-3-2

Sơ đồ 5-3-2 từng phổ biến ở thập niên 1980 và 1990, gắn liền với những nhà cầm quân như Carlos Bilardo, Ciro Blazevic, Sepp Piontek. Thế nhưng, về cuối thập niên 1990 và bước sang thập niên 2000, các mẫu sơ đồ như 4-4-2 và 4-2-3-1 đã dần chiếm thế thượng phong.

Khác biệt lớn nhất khiến cho sơ đồ 5-3-2 bị thua thiệt so với 4-4-2 hay 4-2-3-1 là ở hai cánh. Mẫu sơ đồ 4 hậu vệ thường có 1 tiền vệ và 1 hậu vệ mỗi bên biên, trong khi đó mẫu sơ đồ 3 trung vệ lại chỉ có 1 người duy nhất.

 Điểm yếu phòng ngự biên của mẫu sơ đồ 3 trung vệ.

Điểm yếu phòng ngự biên của mẫu sơ đồ 3 trung vệ.

Sau rất nhiều thay đổi của bóng đá hiện đại, với dạng sơ đồ 3 trung vệ lại trở nên phổ biến hơn, đặc biệt khi nó được áp dụng tại 50% (12/24) các đội tại Vòng chung kết Euro 2020.

Khác biệt lớn nhất so với 30 năm về trước là việc cả khối đội hình giờ đã gần nhau hơn rất nhiều. Ở mọi khu vực trên sân, cả ba tuyến hậu vệ - tiền vệ - tiền đạo đều phải cùng nhau tấn công, cùng nhau phòng ngự, không còn "chia khu" một cách cổ điển nữa.

Có nghĩa là, tại biên, khi phòng thủ, các tiền vệ, tiền đạo cũng có thể di chuyển sang và hỗ trợ cho hậu vệ biên. Bóng đá hiện đại khác biệt ở chỗ các cầu thủ có thể chạy nhiều hơn, phụ trách các khu vực rộng hơn.

Thế nhưng, khi không nắm chắc được điều đó, khi các cầu thủ không được giao nhiệm vụ rõ ràng, hoặc nếu hệ thống của đội vận hành không nâng cao các yêu cầu về cự ly, họ sẽ dễ dàng gặp vấn đề của lịch sử.

"Máy đập nhịp" Morita

Chiến thuật được HLV Hajime Moriyasu áp dụng cho ĐT Nhật Bản ở trận đấu này tương đồng với cách chơi trong 2 trận đấu tháng 10. Sơ đồ 4-3-3 được tiếp tục áp dụng, với kỳ vọng rằng nó sẽ giải quyết tốt hơn bài toán về triển khai tấn công có phần bế tắc của Nhật.

4-3-3 của ông Moriyasu không hề bình thường, mà có sự bất đối xứng trong vai trò và nhiệm vụ các cá nhân hai cánh. Ví dụ, tiền đạo trái Takumi Minamino được phép bó vào bên trong và chơi như một tiền vệ tấn công, trong khi tiền đạo phải Junya Ito thì chơi khá cổ điển, đứng rộng ở cánh đối diện.

Tiền vệ trung tâm lệch trái Hidemasa Morita thì thường chơi thấp hơn, lùi sâu để nhận bóng từ trung vệ ở khu vực bên trái, còn Ao Tanaka lệch phải lại thường xuyên đẩy lên rất cao. Hậu vệ biên phải chơi rất cổ điển, trong khi đó hậu vệ trái Yuto Nagatomo thì gần như bao trọn hành lang và luôn đứng rất cao.

 Bản đồ vị trí trung bình cho thấy chiến thuật bất đối xứng của Nhật Bản.

Bản đồ vị trí trung bình cho thấy chiến thuật bất đối xứng của Nhật Bản.

Hệ thống này tạo điều kiện phù hợp nhất cho kỹ năng của từng cá nhân như Minamino, Ito, Tanaka và cả một cái tên mà khán giả Việt Nam ít để ý - Morita.

Năm nay 26 tuổi, Morita trưởng thành từ bóng đá học đường. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ryutsu Keiza vào năm 2017, anh bắt đầu thi đấu cho Kawasaki Frontale và đã chuyển tới CLB Santa Cruz tại Bồ Đào Nha thi đấu từ mùa giải 2020-21 tới nay.

Trước ĐT Việt Nam, Morita đã chơi hoàn hảo. Vai trò của anh là hỗ trợ luân chuyển bóng ở tuyến dưới, tạo điều kiện cho Minamino và Nagatomo khai thác cánh trái bằng cách hoạt động ở khu vực thấp hơn. Trong điều kiện Wataru Endo luôn phải nhận bóng ở không gian hẹp chính giữa sân, chính Morita mới là "nhạc trưởng" của Nhật.

 Khu vực hoạt động độc đáo của Morita.

Khu vực hoạt động độc đáo của Morita.

Khu vực hoạt động này có phần tương đồng với những cái tên như Angel Di Maria, Isco hay Toni Kroos tại Real Madrid để "giải phóng" cho Cristiano Ronaldo - tiền đạo trái bó vào trung lộ - cũng như chân chạy cánh Marcelo.

Morita là người chuyền bóng nhiều nhất của Nhật Bản trong trận đấu này với 62 lần. Trong top 5 cặp cầu thủ chuyền cho nhau nhiều nhất, anh xuất hiện 2 lần khi nhận 18 đường chuyền từ Endo và 17 đường chuyền từ Tomiyasu.

Khu vực hoạt động của Morita khai thác đúng vào điểm yếu của ĐT Việt Nam. Tiền vệ này luôn trong trạng thái khá thoải mái, bởi bộ ba tiền vệ Hoàng Đức - Tuấn Anh - Quang Hải không thể bao phủ hết không gian về chiều ngang.

Ví dụ xuất hiện ngay từ những phút đầu trận:

 Morita thoải mái hoạt động.

Morita thoải mái hoạt động.

Ở hai biên, Ito và Nagatomo đã "án ngữ" biên, thế nên Hồng Duy và Văn Thanh không thể dâng lên áp sát các cầu thủ khác. Khi đưa bóng ra biên phải, trên cùng một hàng ngang, Nhật Bản có hậu vệ phải Yamane và 3 tiền vệ thì Việt Nam chỉ có Hoàng Đức, Tuấn Anh và Quang Hải. Chỉ bằng vài đường chuyền ngang căn bản, Nhật dễ dàng luân chuyển bóng qua cho Morita luôn thoải mái.

 Hoàng Đức, Tuấn Anh, Quang Hải phải bao một không gian quá lớn.

Hoàng Đức, Tuấn Anh, Quang Hải phải bao một không gian quá lớn.

Đây là lý do vì sao Nhật Bản có thể dễ dàng và thoải mái luân chuyển bóng. Các pha di chuyển áp sát của Việt Nam thường luôn chậm hơn họ nửa nhịp, ngoài ra hai tiền đạo cũng ít đóng góp cho công tác phòng ngự nên Nhật cầm bóng rất ổn định ở giữa sân.

Tương đồng với Man United

Ở điểm này, rất dễ để liên tưởng tới trận derby Manchester vào đầu tháng 11 vừa qua. Ở đó, cũng là một sơ đồ 5-3-2 đối đầu với một sơ đồ 4-3-3, và vấn đề gần như trùng hợp.

 Man United cũng không thể khống chế nổi khu vực trung tuyến.

Man United cũng không thể khống chế nổi khu vực trung tuyến.

Khác biệt nằm ở khu vực bóng lăn gần với khung thành hơn, nhưng về mặt cơ cấu thì Man City cũng khai thác triệt để sơ đồ 5-3-2 với phong thái phòng thủ cổ điển của Man United bằng những vai trò tương tự: Phil Foden chốt cao bên cánh trái (như Nagatomo), Ilkay Guendogan lấp ló phía trong (như Minamino) và cầu thủ cầm trịch lối chơi Joao Cancelo thì nhận bóng thường xuyên ở khoảng không gian phía dưới (như Morita).

Cũng tương tự như ĐT Việt Nam, 3 tiền vệ của Man United đã phải bao một khoảng không gian quá rộng ở trung tuyến. Họ cũng ít nhận được sự hỗ trợ của 2 tiền đạo.

Họ cũng phải chiến đấu trên cơ sở là một khối đội hình không co chặt và không di chuyển đồng bộ để tạo áp lực, dễ nhận thấy qua những pha Bruno Fernandes trách móc và thậm chí hướng dẫn cho hàng phòng ngự dâng lên theo khối áp lực mà các cầu thủ phía trên đang cố gắng tạo ra.

Dĩ nhiên, cũng như tình cảnh Man United - Man City thì ĐT Việt Nam cũng có thể đưa ra lý do tương tự cho thất bại: thua kém về mặt trình độ cá nhân. Quả thực so với các trận đấu khác, dù cảm giác ít phải nhận nguy hiểm rình rập hơn, nhưng phần lớn người xem đều có thể thấy rõ cách biệt quá lớn về đẳng cấp và trình độ kỹ thuật nơi cầu thủ Nhật Bản.

Khi không thể so về cá nhân và không giải được bài toán chiến thuật trên sân, kết quả là không đáng ngạc nhiên.

 Tuyển Việt Nam sẽ chơi 3 trong số 5 trận còn lại của lượt về trên sân nhà. Đồ họa: Minh Phúc.

Tuyển Việt Nam sẽ chơi 3 trong số 5 trận còn lại của lượt về trên sân nhà. Đồ họa: Minh Phúc.

Lần đầu xem bóng đá ở sân Mỹ Đình Đỗ Nguyễn Phương Thảo có trải nghiệm đáng nhớ khi vào sân Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển Việt Nam đấu Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022.

Dũng Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-chung-giua-that-bai-cua-tuyen-viet-nam-va-mu-post1276983.html