Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu.

(KTSG Online) – Trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các sở y tế về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc uống phòng dịch bạch hầu cho học sinh. Ảnh: TTXVN

Nhân viên y tế cấp phát thuốc uống phòng dịch bạch hầu cho học sinh. Ảnh: TTXVN

Theo đó, cơ quan này đề nghị các đơn vị khẩn trương tập huấn, nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu trong quyết định số 2957/QĐ-BYT cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh.

Văn bản của bộ nêu rõ khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu, các cơ sở điều trị cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán. Cùng với đó, nhân viên y tế lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn để định hướng điều trị.

Ngoài ra, các sở y tế cần chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn, tăng cường truyền thông trong bệnh viện nhằm nhận biết các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp, Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong, Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong tại Nghệ An.

Một số biện pháp phòng bệnh bạch hầu: rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn, tiêm vaccine bạch hầu. Với người đã tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh, cần xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày, uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dich-bach-hau-dien-bien-phuc-tap-bo-y-te-chi-dao-khan/