Địa Trung Hải dậy sóng

Căng thẳng giữa Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang tại vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cảnh báo sẽ xảy ra xung đột ở cấp độ chiến tranh nếu cả hai bên không hành xử với nhau bằng 'cái đầu lạnh'.

Ảnh minh họa. Nguồn: Yoruk Isik / Reuters.

“Ngoại giao pháo hạm”

Quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “nóng lên” hơn bao giờ hết khi hai nước liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau trên đấu trường ngoại giao. Theo đó, kể từ ngày 10/8, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất tới vùng biển tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí tại đây. Trước động thái này, Hy Lạp đã triển khai một số tàu chiến liên tục giám sát các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển tranh chấp.

Đến ngày 12/8, một vụ va chạm xảy ra giữa tàu khu trục của hai nước (đều là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến cho căng thẳng giữa Athens và Ankara tiếp tục leo thang. Nhiều chuyên gia cho rằng cả Hy Lạp và Thổ Nhỹ Kỳ đang đối đầu với nhau bằng “ngoại giao pháo hạm”.

Vụ việc càng đẩy lên cao khi từ ngày 25/8, lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp cùng các quốc gia như Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Cộng hòa Síp tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung trong 3 ngày ở phía Đông Nam đảo Crete. Động thái này của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp tục thực hiện hoạt động thăm dò địa chất trên vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải.

Trong bài phát biểu ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Hy Lạp một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề này và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa nước láng giềng bằng cách sử dụng vũ lực là trái với luật pháp quốc tế theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời nhắc lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được ký kết ngày 10/12/1982 trong đó tại Điều 3 có ghi mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước quốc tế.

Về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng mạnh với quan điểm của Hy Lạp. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã cảnh báo Hy Lạp về việc mở rộng lãnh hải và hành động này có thể gây nên chiến tranh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận và các hoạt động thăm dò ở phía đông Địa Trung Hải, một động thái làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đang rất nóng giữa các quốc gia trong khu vực.

Hòa giải và trừng phạt

Ông Michael Tanchum- thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và châu Âu của Áo, cho biết tranh chấp lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã âm ỉ trong khu vực suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát hiện các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi đã làm thay đổi mọi thứ ở phía Đông Địa Trung Hải, biến nó thành một chiến trường quan trọng, với những rạn nứt về địa chính trị liên quan đến cả EU, Trung Đông và Bắc Phi. “Nếu hai bên có những tính toán sai lầm hoặc xảy ra sự cố ngoài mong muốn thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc “xung đột mở” mà không bên nào lường trước được”- ông Michael Tanchum nói.

Hiện tại, Đức, nước Chủ tịch luân phiên EU đang tiên phong trong nỗ lực hòa giải tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Từ ngày 25/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thăm hai nước nhằm thúc đẩy đàm phán giữa hai bên, tuy nhiên, những nỗ lực hòa giải này đã vấp phải trở ngại khi Ankara và Athens đều công bố kế hoạch tiến hành tập trận hải quân riêng tại cùng vùng biển phía Nam đảo Crete.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã được tổ chức tại Berlin trong ngày 27 và ngày 28/8, đã nhất trí đẩy nhanh việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Ankara vào ngày 24/9 nếu các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên thất bại.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã không hành xử đúng như một đồng minh NATO và tuyên bố Liên minh châu Âu sẽ áp dụng lập trường cứng rắn đối với Ankara. Trong tuyên bố mới nhất của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Hy Lạp và Cộng hòa Síp. Theo bà, xung đột về phân chia đặc quyền kinh tế chỉ có thể được giải quyết khi các bên cùng ngồi lại với nhau.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dia-trung-hai-day-song-506071.html