'Địa chỉ đỏ' - Nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Mỗi 'địa chỉ đỏ' trên địa bàn tỉnh Long An đều gắn với một sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của dân và quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nơi giáo dục truyền thống dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

“Việt Bắc” của miền Nam

Di tích lịch sử (DTLS) Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến (UBHCKC) Nam bộ (ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) là “địa chỉ đỏ” quen thuộc của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), học sinh trên địa bàn huyện Tân Thạnh.

Đây là căn cứ bưng biền năm xưa ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, được mệnh danh là “Việt Bắc” của miền Nam với những trận đánh oai hùng ghi vào sử sách.

Đại biểu dự Lễ ra mắt công trình số hóa di tích lịch sử Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân nô nức mừng thắng lợi. Thế nhưng, chưa tròn 1 tháng, quân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Giai đoạn 1946-1949, nơi đây là 1 trong 3 căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam.

Với địa thế đồng nước mênh mông, kênh, rạch chằng chịt và cỏ hoang mọc dày đặc, chiến khu Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ đầu não từ cuối năm 1946. Bên bờ kênh Dương Văn Dương, DTLS Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ chính là “thủ đô” của kháng chiến Nam bộ năm xưa.

Dân và quân ở đây đoàn kết một lòng, dũng cảm chiến đấu, giữ vững truyền thống cách mạng và nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Trần Văn Trà,... từng sống và làm việc tại đây, lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi.

Khu di tích có diện tích đất sử dụng 2,9945ha với tổng vốn đầu tư gần 130 tỉ đồng gồm 25 hạng mục công trình, tiêu biểu là gian nhà trưng bày quá trình hoạt động phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam bộ và 6 ngôi nhà phục dựng.

Ngày nay, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” được số hóa, tích hợp nhiều thông tin như địa điểm, các bài báo, hình ảnh, lịch sử về di tích để ĐVTN, học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu.

Tỉnh Đoàn thường xuyên lồng ghép tổ chức các cuộc thi tại Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Bí thư Huyện Đoàn Tân Thạnh - Bùi Thị Thúy An chia sẻ: "Với những ý nghĩa to lớn về lịch sử, Huyện Đoàn luôn quan tâm công tác giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh của dân tộc. ĐVTN trên địa bàn đăng ký thực hiện các phần việc tôn tạo, vệ sinh và đến đây tham quan. Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh, ĐVTN tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, góp sức trẻ xây dựng và bảo vệ quê hương".

Em Dương Thị Phương Huỳnh (SN 2008, ngụ xã Nhơn Hòa Lập) cho biết: “Qua những chuyến về nguồn, em biết được quá trình đấu tranh, hy sinh, gian khổ của thế hệ cha anh để giành lại độc lập, tự do cho quê hương. Từ đó, em cố gắng học tập, sống xứng đáng với thế hệ đi trước”.

Căn cứ giữa lòng dân

Khu DTLS Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi ghi dấu hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy Long An.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực này là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và Khu 7. Thời điểm phong trào cách mạng tỉnh gặp nhiều khó khăn sau Hiệp định Geneve, đây là nơi tập trung những cán bộ chính trị, quân sự ưu tú của Đảng; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh.

Đây chính là chiếc nôi cách mạng - nơi đầu tiên trong khu vực Trung Nam bộ hình thành lực lượng vũ trang sau Hiệp định Geneve để làm công tác vũ trang tuyên truyền trong điều kiện Trung ương chưa cho phép đấu tranh vũ trang. Tháng 7/1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập tỉnh Tân An và Chợ Lớn.

Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh là nơi ghi dấu hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy Long An

Với kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tỉnh ủy chọn nơi đây làm căn cứ địa để lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong từng thời kỳ, với những điều kiện khó khăn và thuận lợi khác nhau, Tỉnh ủy linh hoạt, cơ động trong địa bàn huyện Đức Huệ ngày nay, có lúc phải tạm lánh sang Ba Thu, có lúc phát triển về huyện Đức Hòa, Bến Lức và vùng hạ. Tuy nhiên, nơi mà Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc chọn làm căn cứ hoạt động lâu nhất chính là khu vực giồng Ông Bạn, xã Bình Thành (nay thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ).

Từ căn cứ này, Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, đề ra những chủ trương, nghị quyết lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Thành tích đáng tự hào với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của nhân dân Long An đã được tạo nên dưới sự lãnh đạo của Đảng từ “địa chỉ đỏ” này.

Ngày nay, Khu DTLS Cách mạng tỉnh trở thành “địa chỉ đỏ” quen thuộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ. Khu DTLS Cách mạng tỉnh với tổng diện tích 98,25ha, trong đó, diện tích xây dựng là 20,2ha với tổng kinh phí đầu tư gần 183 tỉ đồng. Khu di tích đã cơ bản hoàn thành những hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, đền tưởng niệm, nhà khách, nhà truyền thống, một số cụm di tích gốc,...

Bí thư Huyện Đoàn Đức Huệ - Huỳnh Văn Thắng bộc bạch: “Hàng năm, có hàng ngàn lượt ĐVTN, học sinh, du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử vào các ngày lễ lớn. Những chuyến về nguồn giúp thế hệ trẻ hiểu sâu thêm về truyền thống đấu tranh anh dũng cũng như sự lãnh đạo của Đảng đã lèo lái "con thuyền cách mạng" đến bến bờ vinh quang”.

Cả 2 DTLS trên đều là di tích cấp quốc gia, được đầu tư xây dựng vừa tái hiện lịch sử đấu tranh của dân và quân Long An, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn chỉ đạo tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ thông qua "địa chỉ đỏ", đặc biệt là thực hiện số hóa các DTLS, xây dựng lớp ĐVTN tâm huyết, trí tuệ “vừa hồng, vừa chuyên”./.

Hà Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dia-chi-do-noi-giao-duc-truyen-thong-cho-the-he-tre-a162023.html