Đi workshop vẽ tranh cho người 'mù mỹ thuật' ở quận 1
Với 400.000 đồng, tôi lần đầu thử hoàn thiện một bức tranh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Với 400.000 đồng, tôi lần đầu thử hoàn thiện một bức tranh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Tôi là người luôn gặp “ác mộng” với môn Mỹ thuật khi còn đi học. Từ khi không còn phải quan tâm đến điểm số môn này, tôi chưa bao giờ có ý định cầm bút vẽ vời thêm bất cứ thứ gì.
Một người bạn đã gợi ý tôi có thể thử tham gia workshop vẽ tranh của Tipsy Art. Cô ấy cũng là người "mù mỹ thuật" như tôi nhưng đã thử và được hướng dẫn vẽ một bức tranh nhìn khá đẹp. Điều này khiến tôi tò mò nên đã quyết định đăng ký tham gia workshop. Tuy vậy, tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng và có chút hoang mang.
Đặt chỗ trước, không gian và nước uống chất lượng
Tôi inbox cho fanpage của workshop để đặt chỗ với giá 400.000 đồng/người. Ở đây chỉ nhận tối đa 15 người cho một buổi học để đảm bảo giãn cách. Cả 2 ngày cuối tuần đều có 2 khung giờ là 9h và 14h để bạn lựa chọn cho thuận tiện. Mỗi buổi học sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng.
Trước đây, xưởng vẽ cho phép 2 người vẽ chung một tranh nên bạn có thể đi cùng bạn bè hay người yêu. Hiện tại, lựa chọn này đang bị tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Địa điểm tổ chức workshop nằm trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1. Bạn hãy lưu ý đi đường Nguyễn Trãi rồi rẽ sang Nguyễn Cảnh Chân. Ban đầu, tôi bị nhầm sang một đoạn đường Nguyễn Cảnh Chân khúc Võ Văn Kiệt rẽ vào nên tốn khoảng 15 phút loay hoay để tìm điểm đến.
Đến nơi, tôi thấy thích thú vì không gian rất xinh xắn, ấm cúng. Tôi phải khai báo y tế rồi check-in chỗ mình đã đặt với nhân viên. Sau đó, tôi được tùy chọn một phần nước uống trước khi vào lớp.
Các món nước như nước dừa, trà hoa hồng, sả chanh, cỏ ngọt được đựng sẵn trong chai thủy tinh. Tôi khá bất ngờ là món chanh sả gừng của mình rất ngon miệng, đậm đà không kém gì đồ uống tại các quán cà phê.
Lớp học hôm nay đã kín chỗ. Giống như tôi, nhiều người cũng tham gia workshop này lần đầu tiên. Mọi người đều có chút hồi hộp nhưng háo hức được trải nghiệm một điều mới mẻ.
Giáo viên hướng dẫn kỹ càng, dễ hiểu
Mỗi người tham gia đều được chuẩn bị đầy đủ giá vẽ, khung tranh canvas, màu vẽ, cọ vẽ, nước rửa cọ, khăn lau cọ và tạp dề. Hôm nay chúng tôi vẽ bức tranh có tên “ngày xưa có một chuyện tình”. Lớp học sẽ có một giáo viên hướng dẫn chính và một trợ giảng.
Trước khi vào học, chúng tôi phải cùng nhau đọc to một “lời thề” là sẽ cố gắng tự hoàn thành bức tranh của mình, không chê tranh của mình và cả của người bên cạnh. Ngoài ra, chúng tôi còn hứa sẽ không uống nhầm nước rửa cọ. Chắc hẳn việc vẽ khó quá nên nhiều người bối rối đến nỗi uống nhầm cả nước rửa cọ, tôi trộm nghĩ.
Ban đầu, giáo viên hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng các họa cụ, phân biệt các loại cọ vẽ bao gồm cọ vuông lớn, cọ trung và cọ nhỏ. Sau đó, chúng tôi cùng ngắm bức tranh mẫu để phân tích bố cục xa gần và các màu sắc sẽ sử dụng.
Đầu tiên, chúng tôi sử dùng màu xanh da trời và cọ lớn để phết nền tranh. Tôi khá loay hoay để phết được những nhát cọ dứt khoát từ trái sang phải.
Tiếp theo, giáo viên hướng dẫn chúng tôi pha màu để có những màu phù hợp để làm nền đất hay vẽ cỏ.
Tôi bắt đầu bối rối và lúng túng vì không biết lấy lượng màu thế nào cho phù hợp. Lúc này, bạn trợ giảng đã đến giúp tôi để lấy đúng màu, pha đúng số lượng cần thiết.
Giáo viên tiếp tục hướng dẫn chúng tôi kỹ càng cách hoàn thiện các phần còn lại của bức tranh. Khi được trải nghiệm, tôi mới biết cách dùng các sắc độ màu khác nhau kết hợp với thao tác cọ để tạo được hình ảnh mong muốn.
Ví dụ như khi vẽ mây, bạn cần dùng cọ trung để tán màu theo chuyển động tròn. Những đốm tròn màu trắng với độ đậm nhạt khác nhau trên nền xanh sẽ tạo cảm giác như những đám mây bồng bềnh. Khi vẽ lá bay, tôi dùng cọ nhỏ chấm cái nét đều tay và liên tục, chồng nhiều lớp màu.
Cuối cùng là vẽ người. Với tôi đây là phần khó nhất. Phần này đòi hỏi bạn phải dùng cọ nhỏ vẽ các chi tiết như quần áo, tóc tai… Thú thật, tôi đã “toát mồ hôi” vì không thể điều khiển cọ vẽ những nét nhỏ và mảnh.
Vì lời hứa ở đầu buổi học nên tôi đã cố gắng hoàn thiện bức tranh của mình. Giáo viên cũng lưu ý chúng tôi có thể vẽ hoặc không vẽ chi tiết chiếc xe đạp vì nó có thể khiến bức tranh trông rối rắm nếu vẽ không khéo. Vì không tự tin nên tôi đã chọn không vẽ chiếc xe.
Xung quanh, các bạn học khác cũng đã hoàn thiện bức tranh của họ. Nhìn chung, khác biệt ở các bức tranh nằm ở sự tỉ mỉ, khéo léo của mỗi người khi vẽ 2 nhân vật chính. Có người kiên nhẫn tô, vẽ từng chút một nên trông đẹp chẳng khác gì bức tranh gốc.
Kết thúc buổi học, tôi được bạn trợ giảng giúp chụp một bức ảnh với thành phẩm của mình. Họ cũng giúp tôi gói bức tranh lại để cầm về nhà.
Vậy là sau 3 tiếng, tôi đã có bức họa đầu tiên của mình. Dù nó không đẹp lắm, tôi cảm thấy rất vui vì đã cố gắng để không bỏ cuộc.
Sau buổi học, tôi nghĩ khả năng hội họa của mình cũng chỉ cải thiện được một chút. Tôi nhận thấy mình thực sự không có khiếu mỹ thuật. Tuy nhiên, học vẽ chỉ là một phần nhỏ của workshop. Điều quan trọng là tôi đã có khoảng thời gian thư giãn và thử thách bản thân với một điều mình vẫn rất e ngại trước đây.
3 tiếng hoàn toàn bỏ quên chiếc điện thoại để tập trung vẽ tranh cũng khiến tôi thấy nhẹ nhàng và thư giãn hơn.
Lưu ý
Một số lưu ý khi tham gia workshop:
Nên mặc quần áo tối màu, gọn gàng để tránh làm dây màu ra quần áo. Dù đã đeo tạp dề nhưng vì mặc một chiếc váy quá dài nên tôi vẫn lo lắng mình lỡ chùi tay dính màu vào váy.
Chăm chú lắng nghe chỉ dẫn của giáo viên đã thực hiện thao tác cho đúng.
Nếu gặp khó khăn, đừng ngại nhờ trợ giảng giúp đỡ.
Trải nghiệm với tâm thế thoải mái, không áp lực, không sợ vẽ xấu.