Đi tìm 'tấm khiên' bảo vệ châu Âu

An ninh của châu Âu đang bị đe dọa khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn được xem như một trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu, bị 'khai tử'. Trong bối cảnh này, châu Âu cần tìm 'tấm khiên' bảo vệ cho chính mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Le Monde, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parley đã đưa ra đề xuất rằng châu Âu cần tham gia vào các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí để độc lập trong giải quyết các vấn đề liên quan tới an ninh, thay vì dựa vào Mỹ. Bà Florence Parley nhấn mạnh: “Các hiệp ước về kiểm soát vũ khí chủ yếu được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Người châu Âu không thể đứng ngoài và chịu tổn thất vì sự tan vỡ của các hiệp định này. Cần phải thiết lập lại các nguyên tắc tin cậy, qua đó vũ khí thông thường cũng như vũ khí hạt nhân tại châu Âu sẽ được kiểm soát”. Theo bà Florence Parley, Pháp mong muốn tăng cường an ninh cho châu Âu và có thể tăng cường an ninh bằng cách tạo ra một chiến lược chung, trong đó mở rộng các chương trình hợp tác giữa các nước châu Âu.

Pháp và Đức - hai quốc gia "đầu tàu" của châu Âu quan ngại về tình hình an ninh của "lục địa già". Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Getty Images.

Đây không phải lần đầu tiên Pháp đưa ra sáng kiến liên quan đến việc tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu và sự phối hợp hành động của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề an ninh. Hồi đầu tháng 11-2018, phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nước EU xây dựng một quân đội châu Âu thực sự để bảo vệ chính mình, đồng thời cho rằng EU cần giảm bớt sự phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ. Sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội chung châu Âu trong tương lai theo đề xuất của Tổng thống Pháp. Việc hai quốc gia nòng cốt ở châu Âu là Pháp và Đức “tiền hô hậu ủng” về vấn đề xây dựng quân đội châu Âu cho thấy quyết tâm của “lục địa già” muốn tự đảm đương trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chính mình.

Giới chuyên gia nhận định, không có gì ngạc nhiên khi tuyên bố của bà Florence Parley lại nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường vai trò của châu Âu trong các vấn đề an ninh. Theo hãng tin RT, Chủ tịch Trung tâm truyền thông chiến lược Nga Dmitry Abzalov nhận xét, sau khi INF chính thức hết hiệu lực từ ngày 2-8 vừa qua, Đức và Pháp bắt đầu quan tâm đến một thỏa thuận mới nhằm bảo đảm an ninh cho châu Âu.

Việc INF, vốn được xem là "hòn đá tảng" để duy trì hòa bình thế giới suốt hơn ba thập kỷ qua, bị “khai tử” tạo ra thách thức cho an ninh của châu Âu. Trước thời điểm INF tan vỡ, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron lưu ý rằng an ninh của châu Âu sẽ là nạn nhân đầu tiên của việc Mỹ quyết định rút khỏi INF. Bộ Ngoại giao Pháp cảnh báo về việc gia tăng rủi ro bất ổn ở châu Âu và xói mòn hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế nếu không có INF. Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, INF đổ vỡ sẽ khiến nền an ninh chiến lược của châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

INF được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500km). Dù không phải là bên tham gia ký kết INF nhưng EU liên quan trực tiếp và có lợi ích sát sườn trong hơn ba thập kỷ từ thỏa thuận này. Các bên tham gia INF đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, châu Âu khó có thể bảo đảm an ninh cho chính mình nếu không có sự tương tác với Nga. Điều này cũng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định trong cuộc gặp người đồng cấp Vladimir Putin nhân dịp nhà lãnh đạo Nga có chuyến thăm Pháp vào ngày 19-8 vừa qua. Nhà lãnh đạo nước Pháp nói: “Châu Âu sẽ không bao giờ ổn định và có được an toàn nếu không đi đến mối quan hệ hòa bình và rõ ràng hơn với Nga”.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, mà còn tạo ảnh hưởng đến tình hình an ninh tại châu Âu. Việc Moscow và Paris “bắt tay” nhau làm dấy lên hy vọng vấn đề an ninh toàn cầu nói chung, châu Âu nói riêng sẽ không bị đe dọa sau khi Mỹ rút khỏi INF và nguy cơ Hiệp ước hạn chế, cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) sẽ không được gia hạn.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/di-tim-tam-khien-bao-ve-chau-au-590874