Đi tìm động hoa vàng Huyền Không Tự

Đến Huế, nếu chán những nơi đông đúc, xô bồ, du khách hãy đến viếng chùa Huyền Không Sơn Thượng, tận hưởng không gian yên bình, tĩnh lặng trong mỗi một “sát na”. Xuất phát là một vùng núi rừng hoang dã, hẻo lánh thế mà sau hàng chục năm, các nhà sư đã khai hoang biến một vùng đồi hoang sơ, khô cằn, đầy cỏ dại, trở thành chốn nhập thiền tĩnh mịch.

Tôi đến Huyền Không Tự trước ngày cận kề Rằm tháng Bảy “Xá tội vong nhân”. Nằm cách thành phố Huế hơn 10km về phía Tây, chùa Huyền Không thuộc thôn Đông Chầm, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên- Huế. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng thuộc hệ phái Phật giáo Nam Tông. Năm 1988, nhà chùa đã xin cấp 50ha để trồng rừng.

Không gian tu tập đem đến sự thanh bình cho tâm hồn du khách vãng lai.

Đến nay, Huyền Không Sơn Thượng là một ngôi chùa thu mình trong một thung lũng xa vắng. Bao quanh là những dãy núi và đồi thông trùng trùng điệp điệp. Từ nơi du khách dừng đỗ ô tô thì sau khoảng 15 phút đi bộ leo đồi mới đến được với cổng chùa.

Đến cổng làng Chầm 200m sẽ thấy bên phải có tấm biển chỉ dẫn đặt trên những mốc đá nhỏ ven đường ghi danh hiệu chùa theo bút pháp rất đẹp. Cứ đi theo lộ trình này khoảng 2km nữa là đến chùa. Toàn cảnh không gian ngôi chùa mát rượi, trong trẻo, đồi núi phủ bóng ngàn thông xanh mát.

Chính điện chùa thoáng đãng, giản dị tuy nhiên hết sức uy nghiêm giữa thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cực đẹp.

Chùa Huyền Không tuy được xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng vẫn mang kiểu kiến trúc cổ kính và hài hòa với đường nét nha cổ xứ Huế. Đặc biệt, bên ngoài chùa còn có một bức tranh phong cảnh (nhân tạo) gọi là Thanh tâm viên, mang đến cho du khách một cảm giác thoải mái.

Hiện nay ngôi chùa có diện tích hơn 10.000 m2, bao gồm Ngoại viện và Nội viện: Ngoại viện là nơi sinh hoạt, thờ cúng, còn Nội viện được dành cho sự tĩnh tu. Ra đời vào năm 1989, đây là một ngôi chùa thuộc phái Nam tông, được Thượng tọa Giới Đức khai sinh.

Khuôn viên chùa là một khu vườn với không gian tu thiền tĩnh mịch.

Xuất phát là một vùng núi rừng hoang dã, vắng người, hẻo lánh thế mà sau hàng chục năm, các nhà sư và phật tử đã khai hoang biến một vùng đồi hoang sơ, khô cằn, đầy cỏ dại, trở thành chốn “thiên đường hạ giới”. Khác hẳn với các ngôi chùa khác xây dựng to lớn, hoành tráng thì chùa Huyền Không gây ấn tượng bởi lối kiến trúc đơn giản nhưng hài hòa với thiên nhiên. Đứng xa nhìn cảnh vật như một bức tranh thủy mạc. Khuôn viên chùa được thiết kế là một khu vườn xanh ngắt với không gian tu thiền tĩnh mịch.

Dừng chân bên Phong Trúc Am khách sẽ thấy một hồ nước trong vắt với các loài hoa mộc thảo, địa lan, phong lan. Ngoài cây cảnh ra nhà chùa còn trưng bày theo phong cách nghệ thuật “sắp đặt” bằng những tác phẩm thư pháp và thơ được treo xung quanh. Ngoài ra còn có Nghinh lương đình với không gian mở và điểm xuyến thêm tranh tượng, hoa, cây cảnh, ảnh nghệ thuật…

Dạo quanh chùa, mỗi góc nhìn đều được thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, rất nghệ thuật.

Nếu có thời gian nghỉ lại nơi đây, ở phía sau nhà “tăng xá” là một rừng thông cổ thụ giữa có hồ Hàm Nguyệt Trì. Trên mỗi cây thông đều gắn một cái giá bằng tre, ban đêm, sẽ đặt những chiếc đèn dầu tỏa ra ánh sáng lung linh, huyền ảo, quyến rũ.

Ngoài ra, giữa không gian bạt ngàn thông reo, chùa Huyền Không còn có những công trình độc đáo khác như vườn cỏ đá- nơi các nhà sư và phật tử rèn luyện khí công. Các hồ Thủy Nguyệt Đàm, Sơn Ảnh, Vọng Oa Đàm với cụm nhà thủy tạ gọi là Thư pháp đình để trưng bày những bức thư pháp và những bài thơ hay .

Chùa trưng bày rất nhiều câu thơ, những bức thư pháp của các sư thầy sáng tác.

Muốn thắp nhang đãnh lễ Phật, khách hãy bước vào chính điện chùa; là một ngôi nhà nhỏ thoáng đãng, giản dị. Tuy nhiên hết sức uy nghiêm bởi chính giữa thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cực đẹp.

Chầm chậm đi dạo quanh chùa, khách sẽ thấy mỗi góc nhìn đều được thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, rất nghệ thuật. Kết hợp với phong cảnh yên tĩnh, đẹp tuyệt vời nơi đây để bạn tĩnh tâm. Đặc biệt, chùa trưng bày rất nhiều câu thơ, những bức thư pháp của các sư thầy sáng tác. Sư trụ trì nhà chùa là một nhà thơ vừa là nhà thư pháp có bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh, nên trong khuôn viên chùa trưng bày khá nhiều tác phẩm của sư thầy.
Sau một ngày dạo chơi, nghe kinh kệ, du khách đến vãn cảnh chùa cảm thấy lòng mình trở nên thư thái như đã xa lánh bụi trần.

Vũ Hảo

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tim-dong-hoa-vang-huyen-khong-tu-a20081.html