Di tích lịch sử đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) không chỉ là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh hào hùng của Quản cơ Trần Văn Thành cùng các nghĩa binh Gia Nghị trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa chống thực dân Pháp năm xưa, mà còn trở thành 'địa chỉ đỏ' để giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay.
Quản cơ Trần Văn Thành sinh ra trong một gia đình trung nông khá giả ở xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), khi vừa lớn lên, ông được đi học chữ Nho. Ông học ít nhưng biết nhiều, sau đó ông được cụ thân sinh rước thầy về nhà dạy thêm võ nghệ, trước hết là để phòng thân và sau là có điều kiện giúp người dân lương thiện. Tính ông ôn hòa, điềm đạm nhưng rất dũng cảm và có ý chí kiên quyết. Ông có tấm lòng quảng đại và trung hậu, bao dung kẻ dưới, cứu giúp, chở che những người cô đơn nghèo khổ.
Từ năm 1840, ông Trần Văn Thành nhập ngũ, đến năm 1845 ông làm Chánh quản cơ nên còn được gọi là Quản cơ Thành. Năm 1867, Pháp chiếm thành Châu Đốc (tỉnh An Giang). Không khuất phục giặc, ông kéo lực lượng dân binh về Bảy Thưa xây dựng căn cứ, phối hợp với nghĩa quân Nguyễn Trung Trực kháng Pháp trong vùng Long Xuyên, Rạch Giá.
Khuôn viên đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị Pháp xử tử (năm 1868), Quản cơ Trần Văn Thành quy tụ nghĩa quân khắp vùng miền Tây về Láng Linh xây dựng đồn lũy, rèn đao, đúc kiếm, đánh phá đồn bót giặc... Quân Pháp nhiều lần đánh vào Láng Linh - Bảy Thưa nhưng không đạt kết quả.
Đầu năm 1873, Pháp cho người mang thư đến mua chuộc nhưng Quản cơ Trần Văn Thành cương quyết không chịu quy thuận. Không mua chuộc được ông, Pháp huy động lực lượng lính mã tà của Long Xuyên, Cần Thơ, Châu Đốc tấn công vào vùng Châu Phú. Từ ngày 19 đến 20/3/1873, Quản cơ Trần Văn Thành trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chống giặc và hy sinh anh dũng. Con trai út của ông là Trần Văn Chái bị giặc bắt, sau đó tuẫn tiết trong khám Châu Đốc.
Nhân dân thương tiếc tôn gọi ông là Đức Cố Quản, lập đền thờ ở Láng Linh (nay thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú). Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành, còn gọi là Bửu Hương tự hay dinh Đức Cố Quản, do ông Trần Văn Nhu - con trai lớn của Quản cơ Trần Văn Thành đứng ra xây dựng vào năm 1897, là nơi tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa (1867-1873) cũng là nơi tập hợp nhân dân và tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương yêu nước chống thực dân Pháp.
Tháng 2/1913, nhân ngày giỗ của Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị, ông Trần Văn Nhu tổ chức lễ khá lớn, nhân dân yêu nước quanh vùng và con cháu nghĩa binh tham dự rất đông. Thực dân Pháp lo sợ nên đã đến vây bắt và đốt đền thờ nhằm thủ tiêu vết tích của Quản cơ Trần Văn Thành. Đến năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đứng ra xây dựng lại đền thờ tại nền cũ, lợp ngói, xây tường gạch, cột gỗ, nền lát gạch khang trang và rộng rãi.
Năm 1947, lực lượng cách mạng từ đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành đã tiêu diệt đồn thực dân Pháp tại xã. Để trả thù, thực dân Pháp tiến hành khủng bố và đốt đền thờ một lần nữa, chỉ còn lại 4 cây cột ở chánh điện. Đến năm 1952, nhân dân quanh vùng góp tiền xây dựng lại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành khang trang như ngày hôm nay.
Đền xây theo lối kiến trúc cổ kính, dạng chữ “tam” gồm có chánh điện, đông lang và tây lang, mái lợp ngói đại ống, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu, cột gỗ căm xe, tường gạch, nền lát gạch bông. Trong đền thờ, gian trước thờ Đức Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, gian sau thờ ông bà Quản cơ Trần Văn Thành. Xung quanh còn thờ các nghĩa binh Gia Nghị đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa. Cách đền thờ không xa là khu di tích Trại ruộng và Bửu Hương Các là ngôi miếu nhỏ thờ Thần nông do Bà cố Quản lập ra trong thời kỳ khẩn hoang.
Cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa và gương chiến đấu hy sinh vì đất nước của Quản cơ Trần Văn Thành và các nghĩa binh Gia Nghị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc của nhân dân địa phương phát triển mạnh mẽ suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ năm 1955-1975, đền thờ là cơ sở cách mạng của xã, nơi tiếp tế, liên lạc và nuôi chứa cán bộ hoạt động ở địa phương.
Ngày 12/12/1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, vào các ngày 20, 21 và 22/2 (âm lịch), chính quyền địa phương cùng đông đảo nhân dân tổ chức long trọng lễ giỗ theo nghi thức truyền thống để tưởng nhớ công ơn và ôn lại tinh thần yêu nước, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì quê hương, đất nước của Quản cơ Trần Văn Thành và các nghĩa binh Gia Nghị để mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho thế hệ mai sau. Từ năm 2003, huyện Châu Phú đã chọn ngày 22/2 (âm lịch) hàng năm làm ngày Lễ hội Văn hóa lịch sử truyền thống của huyện, thu hút rất đông nhân dân trong và ngoài địa phương đến dự.