Dì Hà

Đền Đô từ Sơn Bắc Ninh xuân Giáp Thìn. Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng còn giữ nét xuân sắc, khỏe mạnh và minh mẫn. Đó là Dì tôi cụ Nguyễn Thị Thu Hà sinh năm 1943.

Ngoài trời mưa xuân rơi tí tách càng làm câu chuyện thêm hấp dẫn. Dì đã ngoài 80 tuổi và năm nay tròn 60 năm tuổi đảng. Nhưng quá trình phấn đấu và chiến đấu với máy bay Mỹ của dì mới thực sự khâm phục.

Dì Hà đang kể chuyện.

Năm 1964, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại, đánh phá miền Bắc bằng không quân. Phà Âu Lâu nối liền con đường huyết mạch từ miền xuôi lên khu Tự trị Tây Bắc. Dì tham gia trung đội nữ dân quân thuộc đại đội dân quân của thị xã Yên Bái. Họ trực chiến, bắn máy bay Mỹ, cứu người bị thương khi Mỹ ném bom bắn phá thị xã.

Huân chương kháng chiến và mừng thọ của hai vợ chồng Dì.

Phố ở thị xã Yên bái là những dãy nhà lợp bằng lá cọ. Bom Mỹ đánh đầu dãy, cả phố cháy rừng rực, tiếng đòn tay, dui mè bằng tre nứa nổ lốp bốp lẫn trong tiếng bom ầm ầm xé rách bầu trời. Người dân đã được đi sơ tán. Tối họ mới được trở về thì chỉ còn đống tro tàn. Lửa than còn đượm thỉnh thoảng lại bùng lên. Những con chó bị bỏng, bị thương chạy lê chân, hú đau thảm thiết.

Phà Âu Lâu trên sông Hồng nối liền con đường huyết mạch từ miền xuôi lên khu Tự trị Tây Bắc là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Trung đội dân quân của dì trực chiến ở đồi Khí Tượng gần bến phà. Đồi là điểm cao nhất thị xã. Từ đỉnh đồi nhìn rõ con sông Hồng. Vào mùa cạn, nó chảy êm đềm uốn khúc, một bên là thị xã Yên Bái, một bên là dãy núi của xã Giới Phiên, Hợp Minh, đẹp như bức tranh. Về mùa lũ nó trở nên hung hãn, đỏ ngầu phù sa, chảy ào ào, cuốn phăng mọi thứ trên dòng chảy.

Dì Hà nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng năm 2019.

Trận địa phòng không bố trí trên đồi. Họ phân nhau thành các tổ trực chiến 24/24 giờ. Hôm đó tổ của dì đang nghỉ trong một hầm chữ A. Tốp máy bay F105 ào đến gầm rú, lao xuống trút bom phà Âu Lâu. Một quả rơi gần hầm trú ẩn. Đất đá trùm lên kín hầm, những người trong hầm bị sức ép của bom đều ộc máu mũi, máu tai, Dì còn nhớ trong hầm có anh Thức, có anh Hòa con ông Cả Sửu, Dì, chú Vương Anh và vài người nữa quên tên. Nhưng thật lạ lùng dì và chú Vương Anh không bị làm sao cả. Trong hầm tối om, ngột ngạt. Họ dùng mũi súng CKC và gậy thúc lên nóc hầm. Ánh sáng và không khí lọt vào. Họ thở phào kêu cứu và tìm cách thoát ra được. Hú vía!

Sau vụ dội nắp hầm chui lên, cộng quá trình phấn đấu mà dì được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam vào ngày 2/9/1964. Khi ấy dì 19 tuổi.

Dì Tham gia hoạt động Xã hội từ 13 tuổi, làm liên đội trưởng thiếu nhi. 15 tuổi làm công tác thanh niên rồi công tác phụ nữ.

Năm 17 tuổi dì vào học trường công nghiệp Hà Nội. Học xong Dì được Ủy Ban thị xã Yên Bái mời về xây dựng phong trào ở Xí nghiệp cơ khí Cờ Hồng. 3 năm sau đó, khi Mỹ bắn phá thị xã, Dì chuyển về Cơ khí tỉnh Yên Bái

Là cô gái cao 1,65, xinh đẹp, dáng người thon thả đặc biệt dì có giọng nói vừa trong vừa truyền cảm nên được tuyển làm phát thanh viên Đài truyền thanh Yên Bái. Buổi tối Dì đến đài đọc phát thanh. Dì nói đôi với ông Cao Thụy. Dì nhớ câu chào đầu:

- Đây là Đài phát thanh Yên Bái! Thu Hà và Cao Thụy xin kính chào các bạn!

Ngày ấy chẳng có ti vi, điện thoại nên nghe tin tức trên đài phát thanh là nhu cầu cần thiết của người dân thị xã. Họ ngồi quây quanh loa treo trên cột điện, trên cành cây để nghe, nuốt vào lòng tin tức thời sự, nghe ca nhạc. Làm phát thanh viên với Dì còn có ông Hồ Thức, bà Thành. Mỗi tháng phát thanh viên được bồi dưỡng nửa cân đường trắng mà không có lương.

Sang năm 1965 dì lấy chồng. Chồng dì chính là người đồng đội thoát chết cùng dì trong căn hầm bị bom Mỹ vùi kín mít.

Chuyện đám cưới của dì thật ấn tượng

Đó là đêm Trung thu năm 1965, khi đó nhà dì ở xóm Cầu Dài xã Minh Bảo, sát nhà ông Cầu bạn cùng làm việc với ông Để bố dì. Nhà chú rể ở km2, Họ tranh thủ giữa thời kỳ nick Sơn ngừng bắn thì tổ chức. Đúng ngày cưới thì Mỹ đánh phá trở lại. Đoàn khách ở Hải Phòng, Hà Nội lên dự cưới bị tắc ở Việt Trì, bao nhiêu bánh kẹo, đồ cưới dì đặt ở Hải Phòng, Hà Nội không lên kịp. Hai người mượn hội trường của HTX Cầu Dài, kê bàn ghế, trang trí phông cưới đơn sơ. Đám cưới không đèn, chỉ có ánh trăng ngày rằm. Dì khóc như mưa. Đoàn đón dâu đi bộ đón cô dâu từ Xóm Cầu Dài về nhà trai. Dì cắp vào nách đôi guốc, đi theo đường bờ ruộng về nhà chồng ở cây số 2 vì Mỹ đánh phá ác liệt, không được tập trung đông người. Chỉ có cô bạn học tên là Thục thương quá đi cùng đoàn đón dâu. Về nhà chồng cô hát cải lương cho dì vui.

Cũng trong năm 1965 Mỹ tăng cường đánh phá Yên Bái.

Ngày 31/7/1965 Mỹ đánh bom Bệnh viện và trường Y tế. Cô Dung( còn gọi là cô Sáng ) con ông Công Bình và cái Vân bạn Dì chết trong trận bom đó. Đại đội dân quân lao vào cứu người. Dì còn nhớ như in, không hiểu Mỹ đánh loại bom gì và vì sao mà những người chết đều bị rách toang quần áo, thân hình trần trụi. Đại đội dân quân và mọi người vừa khóc vừa moi những xác người trong đống đổ nát ra bãi trống. Nhiều người thân còn nóng, mềm nhũn. Họ nằm gục trên bàn, máu thấm đầy trang sách và áo blu trắng. Nghe nói đó là buổi học cuối cùng ở Trường y tế, từ mai sẽ trường sẽ đi sơ tán. Xác chết nằm la liệt, gần năm chục người toàn bác sỹ giảng bài, các y sinh trẻ măng vô cùng thương tâm. Dì cùng đồng đội gói họ trong tấm nilon chôn ngay trong đêm.

(Còn nữa)

T.H.Q

Tống Hồng Quân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/di-ha-a23636.html