'ĐH Hồng Bàng tuyển sinh đúng quy chế nhưng có thể gây phản cảm'

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nhiều trường ngoài công lập đưa ra cách thức thu hút thí sinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cách làm của ĐH Quốc tế Hồng Bàng có thể gây phản cảm.

Trao đổi với Zing ngày 14/9 liên quan câu chuyện 191 học sinh lớp 12 trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) nhận được giấy báo trúng tuyển từ ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cách tuyển sinh đó là hợp lệ.

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng một số trường khác cũng có cách làm tương tự ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Tuy nhiên, họ không gửi thẳng giấy báo trúng tuyển mà gửi thư mời nhập học. Ảnh: Duy Anh.

Cách tuyển sinh gây hiệu ứng ngược

“Thời điểm đó, các trường đã công bố phương thức xét tuyển. Theo tôi, vấn đề ở đây là phiếu đăng ký xét tuyển có chữ ký của thí sinh không. Nếu có, trường Hồng Bàng làm đúng”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, người có nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh đại học, phân tích.

Ông cho biết thêm một số trường khác cũng có cách làm tương tự. Có thể, họ không gửi thẳng giấy báo trúng tuyển mà gửi thư mời nhập học, thông báo học sinh đủ điều kiện đỗ, mời các em đến làm thủ tục nhập học. Cách làm như vậy nhẹ nhàng hơn.

Trường có ít học sinh đăng ký sẽ tìm mọi cách để xét tuyển. ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ là một ví dụ.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

“Do cách làm của ĐH Quốc tế Hồng Bàng (gửi 191 giấy báo trúng tuyển về trường phổ thông - PV), người ta mới đặt ra vấn đề học sinh có thực sự đăng ký hay không”, ông nói.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, các trường đại học, đặc biệt ngoài công lập, thường đưa ra nhiều cách thức để thu hút thí sinh. Trong khi trường muốn tuyển được nhiều sinh viên nhất (theo chỉ tiêu), nhu cầu thực tế của người học thấp hơn.

“Trường có ít học sinh đăng ký sẽ tìm mọi cách để xét tuyển. ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ là một ví dụ”, ông cho biết.

Hiện nay, các trường có thể tuyển sinh theo nhiều phương thức: Xét điểm thi, học bạ, kết hợp cả hai hình thức trên, thi đánh giá năng lực... Học sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức với số lượng nguyện vọng không giới hạn khiến tỷ lệ "ảo" cao.

Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có lọc "ảo" nhưng thí sinh có thể đăng ký bằng phương thức khác nữa. Trong khi đó, phương thức xét học bạ và điểm kỳ thi Đánh giá năng lực không thể lọc "ảo".

Tỷ lệ "ảo" cao khiến nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Vì thế, chỉ cần không vi phạm quy chế, trường có quyền gửi nhiều giấy báo trúng tuyển.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực để học lên đại học. Ảnh: Việt Hùng.

Tốt nghiệp THPT là có thể học đại học

Liên quan công tác tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết các trường có chuẩn đầu vào khác nhau. Tuy nhiên, mức chuẩn chung áp dụng cho tất cả phương thức tuyển sinh là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

Ông cho rằng học sinh chỉ cần đặt chuẩn trên, các trường có thể lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp quy trình đào tạo, yêu cầu chất lượng đầu vào của trường. Học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực để học đại học.

Nếu các trường đặt ra chuẩn đầu ra và nghiêm túc thực hiện, ông Nghĩa cho rằng không có vấn đề gì về chất lượng. Đào tạo đại học là cả quá trình. Đầu vào có thể tương đối thấp nhưng trong quá trình đào tạo, sinh viên cố gắng, có thể giỏi lên.

Ngược lại, sinh viên không nỗ lực, không đạt mức điểm theo quy chế học vụ hàng năm, sẽ bị loại.

“Chúng ta đang tự mâu thuẫn khi vừa muốn sinh viên tốt nghiệp, đảm bảo chất lượng, nhưng khi buộc thôi học quá nhiều lại bị nói lãng phí”, TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng các trường cũng như xã hội phải chấp nhận điều này để trường đảm bảo chất lượng đào tạo. Khi đó, học đại học hay không là lựa chọn của sinh viên.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dh-hong-bang-tuyen-sinh-dung-quy-che-nhung-co-the-gay-phan-cam-post1130947.html