Đẹp mắt mâm cỗ 'gà bay' cúng Rằm tháng 7 ở Hà Tĩnh

Đến dịp Rằm tháng 7, nhiều dòng họ ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) làm mâm cúng với những thế 'gà bay', 'gà quỳ' rất độc đáo để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân huyện Lộc Hà.

Ngày 12/8 (tức ngày Rằm tháng 7), người dân nhiều dòng họ ở xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh mang những mâm cỗ cúng đến nhà thờ để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên.

Tại nhà thờ dòng họ Võ Trọng (xã Bình An), trong những mâm cỗ cúng, gà luộc được tạo thế cầu kỳ, lạ mắt.

Theo ông Võ Trọng Liệu - Đại diện dòng họ Võ Trọng, cách làm những thế “gà bay”, “gà quỳ” đẹp mắt như vậy được truyền lại từ đời này qua đời khác. Những dịp lễ lớn, Rằm tháng Giêng hay Rằm tháng 7 con cháu trong dòng họ lại tổ chức làm mâm cúng. Mỗi gia đình sẽ làm một mâm cỗ cúng, đúng ngày Rằm sẽ soạn sửa dâng lên bàn thờ.

Với bàn tay khéo léo, con cháu dòng họ bày biện rất độc đáo với các thế: gà ngậm hoa, gà đứng trên mình rùa, gà hóa phượng…

Theo như người dân lý giải, mỗi thế gà sẽ thể hiện một ý nghĩa khác nhau. Như đối với thế “gà bay” cổ truyền, gà hóa phượng với ý nghĩa nối tiếp thế hệ cha ông đi trước để phát triển xây dựng dòng họ vững mạnh, con cháu đoàn kết yêu thương…

Những mâm cỗ độc đáo, ngoài thể hiện sự tài hoa, tâm huyết của người làm và lòng thành kính tổ tiên, tục bày mâm cúng, chồng cỗ tầng cao là một nét văn hóa riêng tại huyện Lộc Hà.

Người dân xã Bình An, huyện Lộc Hà chia sẻ, những con “gà bay” phải được lựa chọn kỹ càng, có trọng lượng từ 2,5-3kg. Mỗi công đoạn làm gà đứng đều có cái khó riêng, trong đó công đoạn cắt tiết gà và lấy ruột phải làm tỉ mỉ nhất.

Đủ các tư thế gà đứng, gà quỳ, gà bay... độc đáo. Trong ảnh con gà được trang trí để có thế đứng, bộ cánh sặc sỡ.

Gà được gắn hoa để tạo nên mâm cỗ có đủ màu sắc đẹp mắt.

Theo tục lệ những mâm cỗ được bày trong nhà thờ từ sáng đến qua 12h ngày Rằm tháng 7 sẽ hạ cỗ.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dep-mat-mam-co-ga-bay-cung-ram-thang-7-o-ha-tinh-post1461166.tpo