Đến Quy Nhơn ghé thăm thi sĩ Hàn Mặc Tử

a điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách khi đến Quy Nhơn (Bình Định) đó là Ghềnh Ráng - một địa danh du lịch nổi tiếng của miền đất võ, trời văn. Nơi có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú và là nơi yên nghỉ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh - Hàn Mặc Tử.

Mộ phần của thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trong khuôn viên của khu du lịch Ghềnh Ráng. Ảnh: Thái Sơn

“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…” là giai điệu quen thuộc trong bài hát “Hàn Mặc Tử” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh làm du khách hồi tưởng khi bắt đầu bước chân đến dốc Mộng Cầm.

Lời bài hát viết về câu chuyện tình đầy ngang trái giữa thi sĩ Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm – một chuyện tình mang nhiều khổ lụy, bi thương đã từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực luận bàn.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử yên nghỉ trên ngọn đồi Thi Nhân cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 3 km theo hướng Đông Nam.

Theo di nguyện của thi sĩ Hàn Mặc Tử, sau khi mất ông hy vọng mình sẽ được yên nghỉ tại đèo Son, Quy Nhơn. Chính vì lẽ đó, vào năm 1940, khi ông qua đời đã được an táng ở Quy Nhơn và tới năm 1959 thì bạn bè, người thân đã cải táng và di dời phần mộ của ông về địa điểm như ngày hôm nay.

Mộ phần thi sĩ nằm trong khuông viên thuộc 35 ha của khu du lịch nổi tiếng Ghềnh Ráng – nơi kết tụ bởi quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng, tạo thành hang, thành rạn, thành ghềnh; nơi du khách chiêm ngưỡng một vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ từ những Bãi Đá Trứng, Bãi Tiên Sa. Một bên là núi, một bên là biển xanh rì rào ngày đêm cất tiếng hát cùng với những rặng liễu trăm tuổi, đồng vọng với tiếng chim ca.

Mộ được xây dựng theo kiến trúc đơn giản, yên bình đúng như tính cách của Hàn Mặc Tử, xung quanh được ốp bằng đá hoa. Bên trên mộ là một bức tượng Đức Mẹ Maria dang rộng vòng tay che chở.

Dù trời đã về đêm, những vẫn có nhiều du khách đến với thi sĩ Hà Mặc Tử. Ảnh: Thái Sơn

Không gian xung quanh nơi an nghỉ của nhà thơ khá thoáng đãng, tầm nhìn hướng ra biển. Ghé thăm mộ Hàn Mặc Tử không chỉ có những người yêu thơ, nhiều khách du lịch cũng tìm về nơi đây với mong muốn thắp nén hương để tưởng nhớ về người thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận này.

Đêm xuống, nơi đây ngập trong ánh trăng. Sóng biển cứ từng đợt ập vào bờ đá dưới chân, câu thơ của Hàn thi sĩ chợt ùa về trong tâm tưởng, “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà”, trong một không gian khoáng đạt pha chút trầm mặc, tứ thơ mở ra một không gian đầy luyến lưu và day dứt như tâm hồn hoài vọng bao khát khao về tình người, tình đời đong đầy những ám ảnh của người thơ một thuở.

Cổng vào trại phong Quy Hòa - nơi thi sĩ chữa bệnh những năm cuối đời. Ảnh: Thái Sơn.

Cách đó không xa, nằm khuất sau đoạn đèo dốc là trại phong Quy Hòa, nay là Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa. Nơi cách đây 81 năm, đúng vào lúc 5h45 phút ngày 11/11/1940, Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi ở tuổi 28 (1912 - 1940).

Sau khi Hàn Mặc Tử mất, những người yêu thơ ông lập nên đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử. Đài tưởng niệm xây dựng mô phỏng cây thánh giá và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Bên dưới chân tượng đài là một bệ lớn, ý tưởng thể hiện Hàn Mặc Tử là người góp phần đặt nền móng cho thơ ca Việt Nam hiện đại.

Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời sự nghiệp của Hàn Mặc Tử còn dở dang. Bên trên là đài cao khoảng 5m, trên đỉnh vừa là hình ảnh bút nghiên vừa là hình cây thánh giá. Bờ tường bao quanh trước đài nhô lên nửa vầng trăng, trăng trong thơ và trăng đời hao khuyết của Hàn Mặc Tử.

Đài tưởng niệm thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm trong khuôn viên của trại phong Quy Hòa. Ảnh: Thái Sơn

Đến ngày 13/02/1959 những người thân trong gia đình đem mộ ông ra đồi Ghềnh Ráng - một vị trí đẹp lãng mạn để cải táng. Chính vì lẽ đó mà khi viết lời tựa cho tập Thơ Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên tâm sự: "Giờ đây Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Ghềnh Ráng đối diện với bể Đông, bể sáng chói như thơ Anh, và giông bão như thơ Anh".

Cảnh còn đây, người đã viễn du ở chốn vô cùng. Bên mộ Hàn Mặc Tử, ngày lại ngày vẫn có những người yêu thơ ông tìm về như tìm lại âm bản của tâm hồn mình. Để yêu thương và cảm nghiệm bao nỗi đớn đau thể xác và tinh thần của thi sĩ cũng như từng khoảng khắc yêu thương đi qua cuộc đời của ông.

Chiều Quy Nhơn trong mênh mang niềm nhớ, tiếng sóng vỗ về như giai điệu bất tận của hóa công dìu bước chân về miền kí ức, để gặp một hồn thơ còn luôn đồng hiện cùng thời gian và nhân thế, như những vần thơ ông đã viết, "Ta sống mãi với trăng sao gấm vóc/Trong nắng thơm, trong tiếng nhạc thần bay…".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-quy-nhon-ghe-tham-thi-si-han-mac-tu-post119585.html