'Đêm trắng Vĩnh Lộc' làm nên tượng đài dân công hỏa tuyến

Ngày 7/7, lãnh đạo TPHCM, huyện Bình Chánh cùng nhân dân xã Vĩnh Lộc A tổ chức lễ giỗ lần thứ 55 của 32 dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc, hy sinh năm Mậu Thân 1968.

Hằng năm, cứ đến ngày 20/5 âm lịch, lãnh đạo, chính quyền các cấp và người dân Vĩnh Lộc đều tổ chức lễ giỗ, tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của 32 người con đất Vĩnh Lộc anh hùng; đồng thời cũng là dịp để những cô chú cựu dân công trở về “cánh đồng bưng năm xưa” thắp nén hương tưởng nhớ đồng bào, đồng chí, đồng đội, cùng nhau nhắc nhớ những kỷ niệm hào hùng và bi tráng.

Nhân dân Vĩnh Lộc anh hùng đã sinh ra 32 dân công hỏa tuyến anh hùng, trở thành niềm vinh dự, tự hào cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

Nữ dân công Nguyễn Thị Khỏi (đứng) đang hỏi thăm sức khỏe các đồng đội.

Niềm vui hòa lẫn nước mắt khi các dân công gặp lại nhau. Cuộc hội ngộ hằng năm là dịp để ôn lại những chiến công hào hùng của các dân công tuyến lửa.

Dân công Nguyễn Thị Hùng, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhỏ, dẫn cháu gái đến khu tưởng niệm để tham gia lễ giỗ lần thứ 55 của các đồng đội.

Hiện tại, nhiều dân công tuyến lửa đã ở tuổi "thất thập cổ lai" và dù sức khỏe giảm đi nhưng vẫn tìm về với đồng đội.

Nữ dân công hỏa tuyến ấp Tân Hòa 1 Nguyễn Thị Khỏi vẫn còn rất minh mẫn. "Thế hệ dân công ngày ấy lớp thì hy sinh trong tù, lớp thì bạo bệnh. Thời đó, cứ 19h tối, tụi tui lại gọi nhau tập trung ở ngã tư Tân Hòa 1. Đến 20h, cả đoàn được lệnh di chuyển đi tải thương. Trời tối đen như mực, đoàn người chủ yếu là phụ nữ tuổi đôi mươi bắt đầu lên đường. Trên tay họ không một tấc sắt nhưng trong tâm trí họ là ý chí kiên cường" - bà Khỏi kể lại.

Dân công Nguyễn Thị Xứ (73 tuổi, xã Vĩnh Lộc B) nhìn ngắm lại chân dung các đồng đội đã hy sinh.

Dẫn đầu viếng và dâng hương tại trong lễ giỗ lần thứ 55 của 32 dân công tại Khu tưởng niệm dân công hỏa tuyến là ông Trương Hòa Bình - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tri ân đến các dân công hỏa tuyến.

Ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TPHCM, tặng quà người thân của các dân công.

Ông Huỳnh Công Hòa (em của liệt sĩ Nguyễn Thị Bưa, một trong 32 dân công hy sinh trong đêm 20/5/1968) nhớ lại: "Chúng tôi mất đi người mẹ, người cha, người chị, người em... Họ đều còn rất trẻ, tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Trong tay họ không có một tấc sắt, chỉ có những chiếc khăn và trái tim rực lửa. Người dân Vĩnh Lộc xót xa gọi đó là 'đêm trắng' đau thương".

Ông Phạm Văn Lũy - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Lộc phát biểu: "Cái chết kiên cường, anh dũng của những người con gái, con trai của quê hương Vĩnh Lộc anh hùng đã minh chứng cho lời thề chung: Dù núi Trường Sơn có chuyển mình, sông Cửu Long có dậy sóng, thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, không có gì quý hơn độc lập tự do. Sự kiện 32 dân công hỏa tuyến là bài học sáng mãi trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Chánh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam".

Thế hệ trẻ huyện Bình Chánh báo công trước anh linh của 32 dân công hỏa tuyến về công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện...

Con đường Dân Công Hỏa Tuyến hướng thẳng về nơi làm nên tượng đài bất khuất của 32 dân công tuyến lửa.

Ngày nay, huyện Bình Chánh đang tập trung xây dựng hạ tầng các tuyến đường như: Kinh Trung Ương, Bộ Đội An Điền, Liên ấp 2/6, Dân Công Hỏa Tuyến...

Đây cũng là con đường đặc biệt nhất TPHCM khi tồn tại một lúc hai cái tên Nữ Dân Công (tên trước kia được giữ nguyên) và Dân Công Hỏa Tuyến.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dem-trang-vinh-loc-lam-nen-tuong-dai-dan-cong-hoa-tuyen-post1549456.tpo