Đề xuất mới nhất về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt của ngành Quốc phòng, Công an .

Trong phiên họp sáng nay 24-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ theo Điều 10 Dự thảo Luật Lưu trữ, Bộ Nội vụ quản lý tài liệu, cơ sở dữ liệu sau: Tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương; Cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, không bao gồm cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại khoản 3 Điều này; Tài liệu lưu trữ dự phòng Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, không bao gồm tài liệu lưu trữ dự phòng quy định tại khoản 3 Điều này.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao. Việc quản lý, lưu trữ tài liệu của tổ chức Đảng trong các ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao được thực hiện theo quy định của Cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

UBND cấp tỉnh quản lý tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở địa phương; cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 9 của Luật này và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của hội quần chúng ở địa phương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…

Về quy định trên, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

UBTVQH nhận thấy, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh, đồng thời chỉnh lý quy định tại Điều 18 về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đặc biệt, Dự thảo Luật Lưu trữ sửa đổi còn quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lưu trữ, đó là:

Mua bán, chuyển giao, cung cấp, hủy trái phép, chiếm đoạt, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý.

Làm giả, làm sai lệch nội dung, làm mất tính toàn vẹn của tài liệu lưu trữ và dữ liệu chủ của tài liệu lưu trữ; truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép tài liệu lưu trữ, cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; Hủy trái phép tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

Sử dụng tài liệu lưu trữ xâm phạm lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng; cản trở quyền sử dụng hợp pháp tài liệu lưu trữ của công dân.

Mang tài liệu lưu trữ ra ngoài lưu trữ hiện hành, lưu trữ lịch sử, mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái quy định của pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-ve-tham-quyen-quan-ly-tai-lieu-luu-tru-doi-voi-bo-quoc-phong-bo-cong-an-post577361.antd