Để nâng cao hiệu quả xử lý phụ phẩm cây trồng
Tuy lượng phụ phẩm được tái sử dụng trong trồng trọt trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng hiệu quả tái sử dụng còn thấp do người dân chưa có công nghệ, biện pháp xử lý tối ưu, chủ yếu áp dụng các kỹ thuật thông thường như cày trộn đất, ủ phân không sử dụng vi sinh hoặc bỏ lại trên vườn dễ phát sinh lây lan nguồn bệnh, lượng dinh dưỡng trả lại cho đất thấp. Để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề xuất nhiều giải pháp triển khai trong thời gian tới.
• XỬ LÝ 78,8% PHỤ PHẨM CÂY TRỒNG CÁC LOẠI
Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 328.514 ha đất canh tác nông nghiệp, diện tích gieo trồng đạt 412.411 ha. Bao gồm cây hàng năm 133.532 ha, cây lâu năm 278.879 ha. Cụ thể sản lượng rau gần 3 triệu tấn; hoa hơn 4 tỷ cành; cà phê 545.338 tấn, chè 166.295 tấn, cây ăn trái 310.077 tấn. Giá trị sản xuất rau ứng dụng công nghệ thông minh trên 2 tỷ đồng/ha/năm; hoa ứng dụng công nghệ IoT từ 3-8 tỷ đồng/ha/năm. Toàn tỉnh ước đạt 65.300 ha sản xuất công nghệ cao, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác; có 7 vùng và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; 240 chuỗi với 195 doanh nghiệp, 108 hợp tác xã cơ sở và hơn 31.100 hộ liên kết.
Với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh nói trên, trung bình mỗi năm, lượng phụ phẩm cây trồng phát sinh khoảng 1.670.000 tấn. Bên cạnh đó, lượng phụ phẩm sản xuất, gieo ươm cây giống rau, hoa mỗi năm khoảng 4.700 tấn. Kết quả lượng phụ phẩm cây trồng các loại được thu gom xử lý đạt trung bình 78,8%. Trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất với 95% cây ăn quả, 90% cây lúa; còn lại 81% cây dâu tằm; 80% cây chè; 74% cây bắp; 70% cây rau; 67% cây điều và 60% cây hoa.
Riêng lượng phụ phẩm cây cà phê phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 218.100 tấn. Kết quả thu gom xử lý với chế phẩm vi sinh làm phân bón hữu cơ đạt tỷ lệ 88%, tương ứng khoảng 192.000 tấn. Toàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình mới thu gom, xử lý phụ phẩm đạt hiệu quả cao trong sản xuất cà phê. Điển hình như mô hình sản xuất cà phê tuần hoàn tại các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông hộ trồng cà phê, thu gom phụ phẩm vỏ cà phê sau thu hoạch, sơ chế ủ với chế phẩm men vi sinh làm phân bón hữu cơ, tái sử dụng sản xuất cà phê, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí phân bón, nâng cao lợi nhuận. Với tổng lượng vỏ cà phê hàng năm thải ra khoảng 218.000 tấn, tương ứng xử lý thành phân hữu cơ tái sử dụng trên 54.500 ha tổng diện tích cà phê toàn tỉnh hàng năm. Hoặc mô hình sử dụng phân bò, vỏ cà phê, đạm cá biển sản xuất 1,7 ha cà phê theo hướng hữu cơ, tuần hoàn tại nông hộ Bùi Ngọc Châu ở xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, sản phẩm thu hoạch qua hệ thống máy móc công nghệ mới mới vừa có sấy cà phê, vừa tái chế than hoạt tính làm chất đốt và phân bón, lợi nhuận mỗi năm 500-600 triệu đồng/1,7 ha.
• PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, TUẦN HOÀN
“Phụ phẩm cây trồng phần lớn khối lượng được nông dân thu gom, xử lý làm thức ăn chăn nuôi gia súc, cày vùi vào đất, làm chất độn chuồng, đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm giá thể sản xuất nấm, ủ phân hữu cơ, tủ gốc giữ ẩm cây trồng… Tuy nhiên phần còn lại vẫn xuất hiện tình trạng đốt bỏ trực tiếp tại ruộng, xung quanh khu vực sản xuất hoặc vứt xuống mương máng, ao, hồ, ảnh hưởng đến môi trường...”, theo Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
Để nâng cao hiệu quả xử lý thu gom phụ phẩm cây trồng các loại nói chung, cây cà phê nói riêng tại tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đề xuất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm chủ động lồng ghép tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, thu gom, bao gói thuốc bảo vệ đúng quy định. Mặt khác để giảm thiểu tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vât, tàn dư cây trồng, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trên địa bàn…