Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin qua phiên tòa dân sự số hóa

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 của VKSND thành phố Hải Phòng, mới đây, VKSND huyện Tiên Lãng đã chủ động phối hợp với TAND huyện Tiên Lãng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm số hóa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với vụ án dân sự 'Tranh chấp quyền sử dụng đất'.

Các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh được sử dụng tại phiên tòa.

Vụ án được đưa ra xét xử có nội dung cụ thể là tranh chấp ranh giới, mốc giới giữa nguyên đơn là ông Vũ Văn Lừng và bị đơn ông Lê Văn Biện, cùng trú tại thôn Tuần Tiến, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Đây là vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất có nhiều tình tiết phức tạp và nhiều người tham gia tố tụng, phiên tòa trước đó đã bị tạm dừng để bổ sung chứng cứ, tài liệu. Kiểm sát viên đã lựa chọn vụ án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là phù hợp với các tiêu chí được quy định tại Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong vụ án này, mặc dù diện tích tranh chấp không lớn, tuy nhiên, tài liệu, chứng cứ thể hiện ranh giới, mốc giới tại thời điểm Nhà nước giao đất hiện không còn. Phần đất tranh chấp được xác định là phần móng âm của công trình nhà ở kiên cố được xây dựng từ lâu và đã được các cấp chính quyền địa phương từ xã, huyện giải quyết nhiều lần nhưng các bên đương sự không đồng ý.

Tại phiên tòa xét xử, các bên đương sự đều đưa ra lý lẽ, lập luận khẳng định, việc xây dựng các công trình trên đất nằm trong phần đất của gia đình được Nhà nước giao. Tuy nhiên, tại phần hỏi và phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Kiểm sát viên đã khéo léo, linh hoạt vừa công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh là các tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập có trong hồ sơ vụ án, đồng thời, Kiểm sát viên còn công bố thêm các hình ảnh thực địa do chính Kiểm sát viên chụp tại buổi thẩm định tại ch, thể hiện phần móng âm của các công trình có sự chồng lấn lên nhau. Các câu hỏi Kiểm sát viên đưa ra có trọng tâm, mang tính mấu chốt làm rõ bản chất, nội dung các vấn đề cần giải quyết cùng với bài phát biểu, đã phân tích, đánh giá chứng cứ rất sắc bén, khách quan, đưa ra lập luận có căn cứ pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên tham gia xét xử, đánh giá những ưu điểm, đặc biệt là hiệu quả trong việc số hóa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh. Việc tổ chức phiên tòa số hóa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dân sự đã mang lại hiệu quả rất cao, phục vụ tốt cho hoạt động kiểm sát xét xử tại phiên tòa, bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình hỏi và phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời, nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của những người tham dự phiên tòa. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, nhất là các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Khánh Quyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/day-manh-viec-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-qua-phien-toa-dan-su-so-hoa-123267.html