Đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Từ đầu năm đến nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trên địa bàn Quảng Ninh tiếp tục diễn biến phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Song, với quyết tâm cao, cùng sự chủ động phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong công tác quản lý thị trường, các chỉ tiêu, kế hoạch Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đề ra đều đạt và vượt cao.

Đội QLTT số 5, kiểm tra cửa hàng kính mắt Âu Việt tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.

6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra 3.069 vụ, xử lý 1.816 vụ, tổng số tiền thu giữ hàng hóa phát mại và xử phạt hành chính gần 9,4 tỷ đồng. Trong số các vụ việc này có 309 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả; phạt vi phạm hành chính gần 1,9 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại địa phương phần lớn là những mặt hàng đang được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh trên thị trường, như: Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, phụ tùng ôtô, xe máy, thuốc lá, điện thoại, hàng điện tử, giày dép, quần áo...

Ông Nguyễn Văn Thoại, lãnh đạo Cục QLTT cho biết: Mặc dù thời gian gần đây các lực lượng chức năng luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là đẩy mạnh kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm, kiên quyết, thậm chí xử phạt với mức hàng trăm triệu đồng, nhưng một số cơ sở vẫn tái diễn vi phạm kinh doanh hàng giả nhiều lần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận cao, các đối tượng bất chấp, tìm mọi cách qua mặt lực lượng chức năng. Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả còn mỏng, địa bàn trải rộng. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại, hàng có thương hiệu, nên hàng giả vẫn có chỗ đứng trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Ngoài những nguyên nhân trên, hiện nay, hàng giả được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt với hàng thật, trong khi đó nhiều doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình, chưa thực sự vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng trong đấu tranh chống hàng giả. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nhận thức về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ còn hạn chế, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do bất cập về văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, việc hợp tác của các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị thường có hàng hóa bị làm giả với các cơ quan chức năng chống hàng giả chưa được thường xuyên, chặt chẽ, thậm chí có doanh nghiệp chưa ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình… nên rất khó khăn cho cơ quan chức năng.

Kiểm soát viên Đội QLTT số 3 (TP Cẩm Phả) kiểm tra, hướng dẫn hộ kinh doanh trên địa bàn kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Quyền Đội trưởng Đội QLTT số 5, TP Hạ Long, khi phát hiện, bắt giữ một số mặt hàng nghi ngờ là giả, hoặc giả về nhãn hiệu thì chỉ có nhà sản xuất hoặc các cơ quan chuyên môn giám định mới có thể khẳng định được. Do vậy, quá trình để khẳng định lô hàng đó có phải là giả hay không để thu giữ, xử phạt, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi, hoặc phải liên hệ với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mới xác định được, trong khi một số sản phẩm thương hiệu nổi tiếng chưa có đại diện ở Việt Nam, nên rất khó khăn trong thi hành công vụ.

Chính vì nguyên nhân này nên hiện các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh mới dừng ở việc phát hiện được việc giả, nhái thương hiệu, còn giả về chất lượng hầu như chưa thực hiện được. Một khó khăn nữa là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả khá cao; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, chưa có dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng giả. Do vậy, không có căn cứ để xử phạt tình tiết tăng nặng hoặc xử lý hình sự khi phát hiện, bắt giữ, mà thường chỉ dừng ở việc xử lý hành chính nên tính răn đe không cao...

Để đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng như kiểm soát vấn nạn hàng giả tại địa phương ngày càng hiệu quả, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, đội QLTT đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn. Phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương, tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới và các địa phương, địa bàn có hoạt động du lịch, dịch vụ để kịp thời có giải pháp chấn chỉnh những sơ hở thiếu sót và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại cơ sở.

Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ ở diện rộng, cũng như tập trung thực hiện phòng chống hàng giả theo chuyên đề từng tháng tại tất cả các địa phương trong tỉnh; thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân trong công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Tuấn Hương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201907/day-lui-hang-gia-hang-nhai-2448534/