Đây là cách theo dõi từng diễn biến mới nhất của bão Wipha

Người dân có thể theo dõi các sự kiện thiên tai, cũng như diễn biến trực tiếp của các cơn bão ngay trên thiết bị của mình.

 Người dân có thể theo dõi diễn biến bão trên các thiết bị. Ảnh: Anh Quân.

Người dân có thể theo dõi diễn biến bão trên các thiết bị. Ảnh: Anh Quân.

Các hiện tượng tự nhiên diễn ra ngày càng khó lường, với mức độ ảnh hưởng cao. Trong thời đại công nghệ số, việc theo dõi đường đi của bão không còn phụ thuộc hoàn toàn vào những bản tin thời tiết truyền thống.

Từ các ứng dụng di động đến bản đồ vệ tinh trực tuyến, hàng loạt công cụ hiện đại phục vụ mục đích tiếp cận thông tin thời tiết nhanh chóng, trực quan và chính xác từng giờ, từng phút. Dưới đây là một số công cụ người dân có thể tham khảo nhằm theo dõi diễn biến của các cơn bão ngay trên điện thoại hoặc máy tính của mình.

Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS)

Đây là hệ thống ra mắt năm 2018, vận hành bởi Trung tâm Chính sách & Kỹ thuật Phòng chống thiên tai. Nền tảng tích hợp đa dữ liệu, gồm khí tượng thủy văn (mưa, gió), mực nước, camera đê điều và hồ chứa, giám sát tàu cá, sạt lở đất, sự cố giao thông, dựa trên bản đồ trực tuyến với đa dạng lớp thông tin (gió, mưa, độ mặn, địa chấn).

VNDMS cung cấp dữ liệu chính thống, tổng hợp đa chiều từ trạm quan trắc, radar, camera, EVN, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, đảm bảo tính chính xác và đa dạng. Hệ thống cũng được kết nối với Hệ thống giám sát thiên tai Tỉnh (PDMS), cung cấp CSDL của địa phương, báo cáo sẵn và kết nối nhanh đến các đơn vị chủ quản để chỉ đạo kịp thời.

 Hệ thống Giám sát Thiên tai cho biết các sự kiện diễn ra tiếp theo. Ảnh: VNDMS.

Hệ thống Giám sát Thiên tai cho biết các sự kiện diễn ra tiếp theo. Ảnh: VNDMS.

Hệ thống được trang bị tính năng GIS mạnh mẽ, nghĩa là bạn có thể dễ dàng tra cứu theo vùng hành chính, bán kính, truy vấn điểm sự cố trên bản đồ vệ tinh/kết hợp street view. Tuy vậy, giao diện nhìn khá chuyên ngành, chưa thân thiện với đa số người dùng. Ngoài ra, các mô phỏng chi tiết bão vẫn còn hạn chế, chưa hiển thị đường đi bão động hay phát lại dự báo phía quốc tế.

Đây vẫn là nền tảng chính xác giúp người dân nắm tình hình toàn cảnh, nhưng cần kết hợp công cụ quốc tế để theo dõi trực quan đường đi bão, diễn biến từng giờ. Hệ thống có hai phiên bản, web và app VNDMS, có sẵn trên cả Android và iOS.

Windy.com - công cụ theo dõi bão hàng đầu

Ra mắt năm 2014, Windy.com là nền tảng bản đồ thời tiết trực tuyến nổi tiếng toàn cầu, phát triển bởi một đội ngũ lập trình viên tại Séc. Dữ liệu của nền tảng được tổng hợp từ các mô hình khí tượng hàng đầu như ECMWF, GFS, ICON, JMA, đặc biệt hỗ trợ cả ảnh vệ tinh thời gian thực.

Điểm mạnh của công cụ nằm ở sự trực quan sinh động, dễ sử dụng. Giao diện bản đồ nhiều lớp đẹp mắt, mô phỏng luồng gió, mưa, bão chuyển động theo thời gian thực. Mỗi yếu tố đi kèm với một ký hiệu cho người dùng phân biệt. Người dùng có thể chọn bật/tắt lớp bản đồ để xem toàn bộ thông tin hay từng mục cụ thể.

 Nền tảng cung cấp thông tin thời tiết đa dạng, chi tiết. Ảnh: Windy.com.

Nền tảng cung cấp thông tin thời tiết đa dạng, chi tiết. Ảnh: Windy.com.

Windy kết hợp nhiều mô hình dự báo mạnh mẽ (ECMWF, GFS…), cập nhật thường xuyên mỗi 6-12 tiếng. Qua đó, người dân vẫn có thể sử dụng với mục đích tham khảo, nhưng vẫn nên tìm hiểu thông xin từ VNDMS trước.

Phiên bản miễn phí đã cung cấp hầu hết tính năng quan trọng, người dùng có thể trả phí để nhận dự báo cao cấp. Người dân phổ thông cũng dễ dàng sử dụng Windy nhờ giao diện đơn giản, có tiếng Việt, nhưng cần làm quen với các tính năng để đọc bản đồ. Windy có website và ứng dụng trên điện thoại (Android/iOS).

Accuweather - phù hợp mọi đối tượng

AccuWeather là một trong những dịch vụ dự báo thời tiết lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mỹ và hoạt động từ năm 1962. Khác với Windy chuyên về bản đồ khí tượng, AccuWeather tập trung vào dự báo chi tiết theo khu vực địa phương (local forecast).

Điểm mạnh của Accuweather nằm ở khả năng dự báo siêu chi tiết theo giờ, từng ngày và theo phút (MinuteCast), hữu ích để nắm khi nào thời tiết thay đổi. Hệ thống cũng có cảnh báo mưa bão, gió mạnh, sấm sét, lốc xoáy… dựa trên mô hình riêng và dữ liệu quốc gia.

 Giao diện chính cung cấp đa dạng thông tin cho người dùng. Ảnh: Accuweather.

Giao diện chính cung cấp đa dạng thông tin cho người dùng. Ảnh: Accuweather.

Giao diện chính của ứng dụng hiển thị các điều kiện thời tiết hiện tại, bao gồm tốc độ gió, chỉ số UV, tầm nhìn và áp suất, đồng thời cung cấp dự báo siêu cục bộ. Ứng dụng hữu ích trong việc lên kế hoạch với khả năng dự báo lên đến 45 ngày.

Accuweather thiên về cảnh báo nhanh, không hiển thị chi tiết các lớp dữ liệu như Windy, cũng không chính xác theo từng khu vực như Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Do đó, ứng dụng này phù hợp với người dùng không chuyên, chỉ cần xem nhanh dự báo nắng/mưa, thời tiết trong ngày.

Nền tảng hoạt động trên website và ứng dụng di động (Android/iOS), hỗ trợ nhiều ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt. Tuy vậy, nhiều tính năng cao cấp hiện nằm trong bản trả phí và giao diện chính vẫn có nhiều quảng cáo gây khó chịu.

Nhật Tường

Nguồn Znews: https://znews.vn/day-la-cach-theo-doi-tung-dien-bien-moi-nhat-cua-bao-wipha-post1570418.html