Đầu tư Trung Quốc vào châu Âu: Cơ hội và thách thức

Trong những năm gần đây, các công ty, quỹ đầu tư của Trung Quốc đã bỏ ra hàng tỷ USD để thâu tóm các công ty tại châu Âu, đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, viễn thông...

Với tốc độ phải nói là “ồ ạt” khi tăng gấp 15 lần trong vòng 8 năm qua theo số liệu của Financial Times, đầu tư Trung Quốc vào châu Âu đang tạo ra cơ hội, đồng thời cũng gây những quan ngại không nhỏ về vấn đề tự do thương mại, an ninh quốc phòng, cũng như sự chia rẽ trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU)...

Cuối tuần qua, Daimler đã công bố thông tin gây chấn động khi tỷ phú người Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu) thông qua Công ty sản xuất ô tô Geely lặng lẽ mua lại 9,69% cổ phần Tập đoàn sản xuất ô tô của Đức, với giá 7,2 tỷ euro. Khoản đầu tư này giúp ông Lý Thư Phúc trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Daimler, tập đoàn có trụ sở tại thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Würtemberg ở Tây Nam nước Đức và sở hữu nhiều thương hiệu ô tô, trong đó có Mercedes-Benz.

Một sản phẩm của Tập đoàn Kuka, nhà sản xuất robot công nghiệp Đức đã bị Trung Quốc thâu tóm. Ảnh: Financial Times

Sau thông tin này, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng nói rằng, bà không thấy "có vấn đề gì" trong việc nhà đầu tư Trung Quốc mua lại gần 10% cổ phần của Tập đoàn ô tô Daimler. Song, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries vẫn khẳng định, Chính phủ Đức sẽ xem xét việc mua cổ phần này, đồng thời cảnh báo Berlin cần đặc biệt thận trọng đối với các nhà đầu tư mới.

Đây chẳng phải lần đầu tiên Chính phủ Đức dè chừng trước nhà đầu tư Trung Quốc. Trước đây, chính phủ nước này đã nhiều lần xem xét các thỏa thuận mua lại công ty Đức của nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, như vụ Trung Quốc mua lại Công ty sản xuất robot công nghiệp Kuka vào năm 2016. Tuần trước, Đức cũng tìm cách ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào 50Hertz, công ty điều hành mạng lưới điện ở vùng Đông Bắc của Đức. Thậm chí, Chính phủ Mỹ hồi năm 2016 cũng phải can thiệp để ngăn cản việc Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund-FGC) của Trung Quốc mua lại Aixtron, nhà sản xuất các thiết bị để chế tạo chip điện tử của Đức đang có hoạt động kinh doanh tại Mỹ, do lo ngại các công nghệ cao sẽ được sử dụng vào mục đích sản xuất các thiết bị quốc phòng.

Việc Trung Quốc đầu tư vào châu Âu, trong đó mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn tại Lục địa già, trên thực tế, không phải là điều gì bất thường, càng không phải bất hợp pháp. Thậm chí trên một số phương diện, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu còn được đánh giá là giúp thúc đẩy nền kinh tế khu vực từng bị tàn phá nặng nề bởi khủng hoảng nợ công. Còn nhớ cách đây không lâu, tại hội nghị thượng đỉnh của các nước Đông Âu và Trung Quốc "16 + 1", được tổ chức tại Budapest, chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Hungary Victor Orban, đã gọi sự đầu tư của Trung Quốc là "một cơ hội tuyệt vời" và "sẽ đem lại lợi ích cho toàn bộ châu Âu".

Tuy nhiên, điều khiến châu Âu nghi ngại Trung Quốc là do các tập đoàn Trung Quốc có tốc độ và quy mô đầu tư rất lớn vào nhiều ngành mà phương Tây vẫn đang nắm ưu thế công nghệ. Đồng thời, hầu hết giới kinh tế đều tin rằng, các nguồn đầu tư đó có sự hỗ trợ từ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3.000 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc. Khi đối mặt với một đối tác kinh tế mạnh như thế, châu Âu không có được sự bảo vệ cần thiết giống như Mỹ bởi EU có tới 27 thành viên và chưa hề có cơ chế chung nhằm kiểm soát lĩnh vực này. Vì lý do đó, châu Âu lo ngại sẽ bị các tập đoàn Trung Quốc thâu tóm các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, từ đó bị thất thoát bí mật công nghệ và sẽ ngày càng trở nên yếu thế hơn trong cuộc đua kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.

Cùng với vốn đầu tư ào ạt từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ lo ngại việc EU có thể tự khiến mình bị chia rẽ. Điều này đã được đề cập tới trong một tuyên bố mới đây của Thủ tướng Angela Merkel, khi bà cảnh báo các thành viên EU tham gia vào những sáng kiến cơ sở hạ tầng do Chính phủ Trung Quốc khởi xướng phải nhận thức được nguy cơ làm xói mòn lập trường về chính sách đối ngoại chung của khối đối với Trung Quốc. Mối lo ngại này là có căn cứ bởi thực tế đã cho thấy, nếu chính phủ một nước châu Âu hạn chế người Trung Quốc vào thị trường của họ, người Trung Quốc sẽ ngay lập tức vẫn có thể vào được châu Âu bằng một thị trường khác có chính sách dễ thở hơn. Điều này thường xảy ra với các nước Trung và Đông Âu, nơi mà đầu tư của Trung Quốc được đón nhận nhiệt tình bởi các nước này đang khát vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc luôn chú trọng.

Cũng vì lý do này, hồi tháng 9-2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề xuất một đạo luật chung áp dụng cho toàn bộ các nước EU, trong đó ngăn chặn việc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn. “Nước ngoài” ở đây có đối tượng ám chỉ lớn nhất là Trung Quốc. Dẫu vậy, trước khi có được “tấm áo giáp” chung, các nước EU vẫn cần có một nhận thức tương đối thống nhất về những cơ hội và thách thức mà đầu tư Trung Quốc mang lại, tránh việc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dau-tu-trung-quoc-vao-chau-au-co-hoi-va-thach-thuc-532640