Đầu tư công lúc này chính là yếu tố mũi nhọn với nhiều ưu điểm

Trong 'cỗ xe tam mã' để thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu, thì xuất khẩu và tiêu dùng khó có cơ hội phục hồi sớm. Do đó, đầu tư công lúc này chính là yếu tố mũi nhọn với nhiều ưu điểm.

PGS.TS Phạm Thế Anh trình bày tại cuộc tọa đàm. Ảnh: PV

Đây là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu, trong buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020, diễn ra sáng 21/7.

Kịch bản tăng trưởng khả thi ở mức 3,8%

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn và tương lai bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng; xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như khả năng cân đối tài khóa, hệ thống ngân hàng tài chính dễ tổn thương, hiệu quả và tốc độ đầu tư công thấp…

Trên cơ sở các yếu tố này, chuyên gia của VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng và lạm phát theo các kịch bản khác nhau về tình hình phòng chống bệnh dịch. Cụ thể, ở kịch bản cơ sở, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy nhiên trong khi đó, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III năm 2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế cả năm theo đó được dự báo ở mức 3,8%, là một kịch bản được đánh giá là khả thi cao.

Ở kịch bản tiêu cực và có khả năng xảy ra thấp hơn, bệnh dịch trong nước vẫn được khống chế và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV năm 2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở kịch bản được dự báo ở mức 2,2%.

Chỉ nên đẩy nhanh các dự án có sẵn

Để có thể đạt mức tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu vẫn khó khăn khi bệnh dịch chưa chấm dứt trên thế giới, các chuyên gia tại cuộc tọa đàm đều đồng tình rằng, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trong "cỗ xe tam mã" để thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu, thì xuất khẩu và tiêu dùng khó có cơ hội phục hồi sớm. Do đó, đầu tư công lúc này chính là yếu tố mũi nhọn với nhiều ưu điểm. Với đầu tư công, tiền bơm ra sẽ được nền kinh tế hấp thụ hết. "Tiền từ tín dụng bơm ra chưa chắc nền kinh tế sẽ hấp thụ hết. Nhưng tiền từ tài khóa sẽ được hấp thụ, tạo ra cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân" - ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc "vẽ" ra các dự án mới mà chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn.

"Thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt" - ông Phạm Thế Anh đề xuất.

Đề cập đến những khó khăn lớn nhất hiện nay với giải ngân đầu tư công, chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh vướng mắc về thể chế, pháp lý… thì một vấn đề quan trọng nữa là đây là thời điểm này rất nhạy cảm, "mùa nhân sự", nên "ít ai dám xé rào".

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, thúc đẩy đầu tư công là cần thiết nhưng không phải thúc đẩy bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả. Đây là giải pháp mà nhiều nước cũng đang thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế, mà tiêu biểu Trung Quốc vừa qua đã thúc đẩy đầu tư công rất mạnh mẽ để đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II.

Thừa nhận câu chuyện tư duy nhiệm kỳ là bài toán muôn thủa với đầu tư công, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng vẫn có giải pháp. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là chuyện giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng và sự phối hợp thực thi giữa các cơ quan, bộ ngành. "Và cuối cùng vẫn là trách nhiệm người đứng đầu" - ông Cấn Văn Lực nói.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-07-21/thuc-day-dau-tu-cong-khong-co-nghia-la-ve-ra-cac-du-an-moi-89779.aspx