Dấu ấn nghệ thuật của nghệ sĩ Văn Thành

Nghệ sĩ Văn Thành qua đời đột ngột ở tuổi 59 vào chiều 28-2. Sự ra đi của ông khiến nhiều nghệ sĩ và khán giả không khỏi tiếc nuối. Dù không có nhiều hoạt động nghệ thuật trong những năm gần đây nhưng những vai diễn ấn tượng của ông luôn để lại dấu đậm nét trong lòng khán giả.

Nghệ sĩ Văn Thành tên thật là Nguyễn Tiến Thành, SN 1962 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa 1 (1980-1985) trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và về công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1986, cùng lứa với các nghệ sĩ: Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương…

Tài năng của nghệ sĩ Văn Thành được đánh giá cao, đài từ không thua kém các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Chí Trung, cố NSND Anh Tú. Không có nhiều cơ hội tỏa sáng nhưng mỗi lần đến với vai diễn nào, nghệ sĩ Văn Thành đều dốc lòng cống hiến. Sự chuyên nghiệp trong công việc của nam nghệ sĩ mang lại thiện cảm cho các đồng nghiệp và khán giả.

Nghệ sĩ Văn Thành đóng phim ít nhưng các vai diễn luôn để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Một trong những vai diễn nổi tiếng của nghệ sĩ Văn Thành phải kể đến vai đại tá Thanh của ông trong bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh “Tiếng cồng định mệnh”, ra mắt vào năm 2005. Trong phim này, ông đóng cùng cố NSND Hoàng Dũng - người đảm nhận vai chính, sếp của đại tá Thanh.

Thập niên 1990, nghệ sĩ Văn Thành tham gia nhiều phim truyền hình được khán giả yêu thích như: Chuyện phố phường, Sa ngã,…

Tuy nhiên, sân khấu vẫn là “thánh địa” lột tả được hết tài năng biến hóa của ông. Công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Văn Thành tham gia nhiều vở diễn như: Nhà búp bê, Lôi vũ…

Dấu ấn đậm nét nhất trên sân khấu của nghệ sĩ Văn Thành phải kể đến vở “Lôi vũ” (năm 2000) được NSND Lê Hùng đạo diễn. Vở kịch này lấy bối cảnh xã hội Trung Quốc rối ren và đầy bi kịch những năm 1920. Trong vở kịch, Văn Thành vào vai Chu Phác Viên - một kẻ gian hùng, sống bạc bẽo, một người cha độc đoán, một người chồng đạo đức giả.

Hình ảnh ngoài đời của nghệ sĩ Văn Thành hiền lành, chất phác, không có điểm nào giống tạo hình nhân vật Chu Phác Viên. Thế nhưng, ông vẫn thể hiện xuất sắc nhân vật của mình. Đến nay, vai diễn này vẫn được coi là vai diễn để đời của nghệ sĩ Văn Thành.

Năm 2015, tình hình sức khỏe không ổn định khiến nghệ sĩ Văn Thành phải xin nghỉ hưu sớm tại Nhà hát Tuổi Trẻ để chữa bệnh. Ông sống khá lặng lẽ từ đó đến nay.

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ nghệ sĩ Văn Thành mắc bệnh gout nhiều năm nay, đi lại rất khó khăn. Trước khi mất, ông bị tai biến, đã được điều trị tại bệnh viên nhưng không qua khỏi.

Là đồng nghiệp thân thiết với nghệ sĩ Văn Thành tại Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Sĩ Tiến chia sẻ nghệ sĩ Văn Thành là một người nghệ sĩ hiền lành, tâm huyết với nghề. Chỉ vì sức khỏe không tốt ông mới xin nghỉ hưu sớm.

Diễn viên Tùng Dương - một người em thân thiết của nghệ sĩ Văn Thành chia sẻ anh rất bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của đàn anh. Một tuần trước khi mất, nghệ sĩ Văn Thành vẫn trò chuyện với Tùng Dương.

Trong mắt Tùng Dương, nghệ sĩ Văn Thành là người sống vui vẻ, hòa động và rất nhiệt tình, chỉ cần đồng nghiệp cần, dù vai nhỏ anh cũng không nề hà. Tùng Dương kể có lần anh làm phó đạo diễn cho một bộ phim, cần diễn viên phụ đóng vai thợ cắt tóc, anh gọi điện nhờ nghệ sĩ Văn Thành, chỉ 15 phút sau đã thấy đàn anh đến.

Lễ viếng nghệ sĩ Văn Thành diễn ra lúc 12g ngày 3-3 tại Nhà tang lễ thành phố Hà Nội (125 Phùng Hưng). Linh cữu được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển. Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp cùng gia đình tổ chức tang lễ cho nghệ sĩ Văn Thành.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dau-an-nghe-thuat-cua-nghe-si-van-thanh-229936.html