Đặt trạm thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Không đồng tình

Chuyên gia cho rằng, việc đặt 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM sẽ chiếm một phần diện tích đường, xảy ra tình trạng né trạm.

Đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM xây 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Không đồng tình với đề xuất này ngay khi nó được đưa ra cách đây nhiều năm và giờ đây được Sở GTVT TP.HCM xới lại, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng các trạm thu phí sẽ chiếm một phần diện tích mặt đường, tạo vật cản khiến các phương tiện lưu thông qua đây phải chạy với tốc độ chậm.

Ông lo ngại, khi thu phí sẽ xảy ra tình trạng các xe né trạm, lúc đó các con hẻm sẽ trở thành điểm kẹt xe. Khi ấy, nạn ùn tắc ở trung tâm không giải quyết được triệt để. Bên cạnh đó, việc xây các trạm thu phí còn gây mất cảnh quan đô thị…

"Hiện các cửa ngõ vào thành phố đều có một số trạm thu phí và tôi nghĩ thành phố cũng chỉ thu đến mức đó. Việc đặt trạm làm tăng chi phí cho người dân, chi phí vận tải, dẫn tới đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa", TS.KTS Võ Kim Cương nói.

Theo đề xuất, dự án được triển khai theo hình thức đầu tư công, giao một đơn vị của TP HCM làm chủ đầu tư, quản lý. Sau khi thực hiện xong dự án sẽ đấu thầu, thuê đơn vị vận hành, khai thác.

TP.HCM đau đầu với nạn kẹt xe. Ảnh: VietNamNet

Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, với hình thức đầu tư và khai thác như trên, có thể thành phố "tránh mang tiếng tiêu cực". Nhưng dù các trạm sau này thực hiện thu phí không dừng thì ông vẫn băn khoăn về tính minh bạch: đơn vị vận hành, khai thác nắm kỹ thuật, quản lý việc thu phí, liệu thành phố có thực sự kiểm soát được vấn đề thu thế nào, có tình trạng chia chác với nhau hay không?

"Người ngoài không biết được và chính quyền TP.HCM cần làm rõ vấn đề này", TS.KTS Võ Kim Cương nói.

Cũng theo vị chuyên gia, việc Sở GTVT TP.HCM tái đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP có thể do sức ép của việc hạn chế phương tiện cá nhân và cho rằng khi lập trạm thu phí thì người dân sẽ hạn chế đi ô tô.

"Nhưng như đã nói, chặn đường này thì người dân sẽ tìm đường khác để đi, như đi vào các hẻm. Và dù đặt trạm thu phí không dừng thì vẫn là trạm, vẫn chắn đường, trong khi có nhiều giải pháp khác đỡ phức tạp và khả thi hơn.

Chính vì thế, chuyện này phải tính toán cho thật kỹ. Phải lấy ý kiến người dân và tất nhiên, người dân thì có nhiều ý kiến khác nhau, quan trọng là sự sáng suốt của người lãnh đạo.

Muốn có ý kiến đồng thuận thì chính quyền thành phố phải đưa ra bài toán công khai, minh bạch để dân thấy", ông Cương góp ý.

Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm dựa trên kinh nghiệm của một số nước như Singapore, Thụy Điển... song theo TS.KTS Võ Kim Cương, việc học hỏi cũng phải chọn lọc, tùy việc vào thực tế của mỗi nước.

Như TP.HCM tuy rộng nhưng thiếu đường, việc đặt ra các trạm thu phí chỉ làm giảm diện tích đường và gây ra ách tắc.

"Cứ hình dung giữa thành phố đặt mấy trạm thu phí là thấy... kỳ kỳ. Tôi không thấy nơi nào lại đặt trạm thu phí ở ngay trung tâm như vậy", nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM chia sẻ.

Để giải quyết tình trạng xe vào trung tâm quá đông, TS.KTS Võ Kim Cương đề nghị chọn những giải pháp đơn giản và khả thi hơn, như tăng phí đậu xe; cấm ô tô vào một số tuyến đường; thậm chí thu phí vào trung tâm mà không cần lập trạm thông qua việc bán vé, người dân có thể mua nhiều vé từ trước và mỗi lần vào trung tâm thì dán trước xe...

Bên cạnh đó, TPHCM cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, tạo kết nối liên hoàn để thu hút người dân sử dụng.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, các trạm thu phí sẽ được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10; vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố, và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.

Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy.

Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khái toán là 250 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2021. Dự án bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dat-tram-thu-phi-oto-vao-trung-tam-tphcm-khong-dong-tinh-3383981/