Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng: Tín hiệu mừng cho phim tài liệu
Dần thoát khỏi định kiến về một thể loại phim khô khan, kén khán giả, dòng phim tài liệu của Việt Nam đã và đang làm mới mình từng ngày để bám vào dòng chảy xã hội, đồng hành với cuộc sống. Khán giả và đặc biệt là khán giả trẻ cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới dòng phim này.
Đạo diễn, NSƯT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP về vấn đề trên nhân dịp Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14, đang diễn ra tại Hà Nội và TPHCM (từ ngày 6 đến 14-9).
* PHÓNG VIÊN: Quan niệm về dòng phim kén khán giả dường như đã thay đổi khi một vài liên hoan phim tài liệu được tổ chức gần đây, phòng chiếu luôn kín ghế. Điều gì đã dẫn tới thay đổi này thưa ông?
* Đạo diễn TRỊNH QUANG TÙNG: Những buổi chiếu phim chật cứng khán giả là tín hiệu mừng cho điện ảnh tài liệu và những người làm phim tài liệu của Việt Nam. Theo tôi, thành quả này có được nhờ cách tiếp cận khán giả đầy tính chủ động, các đề tài cũng được lựa chọn kỹ lưỡng, mang đậm hơi thở cuộc sống. Đó có thể là những câu chuyện đời thường, gần gũi nhưng được thể hiện với góc nhìn độc đáo, mới lạ; đó cũng có thể là những vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm như: bình đẳng giới, trẻ em, môi trường, chính trị…
* Mặc dù phim tài liệu của các nhà làm phim Việt Nam đã nhận được một số giải thưởng lớn tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới, nhưng dường như phim trong nước và quốc tế vẫn tồn tại một khoảng cách lớn?
* Mỗi nước có phong cách không giống nhau. Dễ nhận thấy, các nhà làm phim tài liệu nước ngoài lâu nay không có lời bình mà chỉ dẫn dắt nội dung bằng lời của nhân vật. Trong khi đó, phim trong nước từ trước đến nay đa phần sử dụng lời bình. Nhờ giao lưu văn hóa mà các đạo diễn Việt Nam dần tiếp cận với phong cách làm phim quốc tế. Rất nhiều phim đã không sử dụng lời bình nữa mà sử dụng hoàn toàn lời đối thoại, chia sẻ của nhân vật.
Tuy nhiên, cách làm phim tài liệu của Việt Nam vẫn nặng về tuyên truyền. Phim Việt thường ngắn tầm 25-30 phút, nhiều lắm chỉ 50 phút, trong khi các phim tài liệu của nước ngoài có thể từ 80 đến hơn 100 phút. Do đó, họ kể được rất nhiều câu chuyện trong một bộ phim, không bị hạn chế như chúng ta.
Để có một bộ phim tài liệu tốt, thì yếu tố đầu tư cũng chiếm vai trò khá quan trọng. Ở nhiều nước, làm phim tài liệu thường mất vài năm, trong khi ở Việt Nam thời gian cho mỗi bộ phim chỉ tính bằng tháng. Thời gian làm phim tài liệu ở Việt Nam ngắn và gấp như vậy vì người làm phim phải làm theo kế hoạch nhà nước. Cũng đề tài ấy nhưng làm phim ở 2 tỉnh, hay 5 - 10 tỉnh cũng đã khác nhau rất nhiều rồi. Vậy mới nói kinh phí quyết định rất lớn tới chất lượng phim và ảnh hưởng đến cả sự sáng tạo của đạo diễn.
Thời gian qua, một số đạo diễn Việt Nam, nhất là đạo diễn trẻ, đang hướng đến đổi mới cách thể hiện phim, kể câu chuyện một cách mới mẻ, giàu tính tìm tòi, ít đi theo lối mòn. Nhiều phim cũng đã không sử dụng lời bình hoặc nếu dùng thì rất ít, thay vào đó những hình ảnh, chi tiết có tính tác động mạnh về thị giác, âm thanh. Một số phim có thời lượng kéo dài hơn, phù hợp để chiếu rạp… Tôi tin trong tương lai gần, với xu hướng hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam sẽ sớm có tiếng nói chung với các bạn quốc tế.
* Những phim tài liệu về chính trị gia thường thu hút khán giả rất tốt, nhưng đề tài này dường như ít được đề cập tới trong phim tài liệu của Việt Nam?
* Vấn đề về chính trị, đặc biệt là về đề tài chính trị gia trong phim tài liệu Việt Nam cũng có nhưng rất ít. Những người làm phim trong nước cũng muốn làm về đề tài này, tuy nhiên để khai thác và hoàn thành một tác phẩm mục đích là để tuyên truyền cũng cần phải tính toán kỹ, phải được sự đồng ý của rất nhiều cấp. Ở nước ngoài, họ xây dựng các dự án làm phim về chính trị gia mục tiêu chủ yếu là nhằm kinh doanh và điều này cũng giúp họ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các bộ phim.
* Tại liên hoan phim tài liệu lần này, ban tổ chức đã dành riêng một ngày cho các nhà làm phim độc lập. Anh có nhận định gì về phim tài liệu làm theo hướng này?
* Làm phim độc lập là xu thế mới mà người làm phim luôn muốn tiếp cận. Khi làm phim độc lập, các tác giả có thể nói tiếng nói cá nhân về vấn đề mà họ quan tâm, theo đuổi. Họ không bị áp lực về thời gian phải hoàn thành theo kế hoạch là 3 tháng hay 5 tháng và họ cũng có thể bắt tay vào làm bất cứ lúc nào thấy cần để không bỏ lỡ dòng chảy của sự kiện. Cũng chính bởi sự linh hoạt này mà sản phẩm của các nhà làm phim độc lập thường có cái “chất” riêng.
Trả lời câu hỏi về việc làm sao để có thể tạo ra điểm “chạm” giữa phim phục vụ tuyên truyền và dòng phim độc lập, theo tôi trước hết cần phải có những thay đổi về cách quản lý để có thể khuyến khích các nhà làm phim trong các đơn vị nhà nước, trong các hãng theo đuổi cách làm của dòng phim này.
Hoặc có thể có cách đầu tư khác khích lệ được các nhà làm phim độc lập hướng tới các đề tài mang tính tuyên truyền. Về căn bản dù là phim được đầu tư để tuyên truyền, hay phim của các nhà làm phim độc lập, muốn đến được với khán giả thì yếu tố tiên quyết vẫn là sự đam mê, dấn thân.
Việc có riêng một ngày chiếu phim của các tác giả độc lập trong Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 ngoài mục đích mang đến một không khí mới cho liên hoan phim, còn là một cơ hội tốt để cho các nhà làm phim được trao đổi, học hỏi. Qua đây, ban tổ chức cũng mong muốn sẽ tiếp thêm động lực cho các nhà làm phim trẻ.
Liên hoan phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc, trong đó có 9 phim quốc tế đến từ các quốc gia: Áo, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ (Wallonia-Brussels), Israel, bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam với 9 phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và 4 phim của các tác giả độc lập. Các bộ phim trong khuôn khổ liên hoan phim sẽ được chiếu tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (số 465, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và DCiné Bến Thành (số 6, Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM).