'Đánh thức' di sản công nghiệp Hà Nội

Làm thế nào để sử dụng hiệu quả những di sản công nghiệp hiệu quả, bền vững là nội dung được quan tâm tại hội thảo 'Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị' diễn ra vào ngày 23-11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Sức sống của những di sản công nghiệp

Theo định nghĩa của Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp”, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp.

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, gắn với từng giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Các di sản công nghiệp đều mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử, xã hội, khoa học và giá trị thẩm mỹ.

Di sản công nghiệp của thành phố Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không đơn thuần chỉ là những công trình kiến trúc, mà đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công dân Thủ đô, là minh chứng sống động cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ, kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình...

“Các di sản công nghiệp luôn mang dấu ấn cả về mặt lịch sử, thẩm mĩ và xã hội. Nhiều di sản có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại”, kiến trúc sư Đinh Hải Yến đánh giá.

Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Vương Hải Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các di sản công nghiệp Hà Nội đang là tài sản lớn trong việc kiến thiết đô thị ở Thủ đô. Vấn đề đặt ra, việc sử dụng những tài sản này như thế nào để mang lại giá trị lớn, không mất đi tính lịch sử cần phải được đánh giá, quy hoạch và có tầm nhìn.

Ứng xử đúng với những di sản công nghiệp

Vấn đề di sản công nghiệp đã được các nhà khoa học, giới kiến trúc đặt ra nhiều năm nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các di sản công nghiệp, kiến thiết lại những công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành những công viên giải trí, văn hóa, góp phần hiệu quả trong việc phát triển Công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, di sản công nghiệp gần như chưa được phát huy hết giá trị.

Không gian biểu diễn trên tuyến xe lửa trải nghiệm từ ga Hà Nội đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Ảnh: Hoàng Quyên)

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, kiến trúc sư Vương Hải Long cho rằng, hiện nay, nhiều di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã biến mất, được thay thế bởi những công trình mới. Đây là sự biến đổi mang tính tất yếu trước sức ép của đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kiến trúc sư Vương Hải Long cho rằng, đã đến lúc cần phải có ứng xử đúng với những di sản công nghiệp.

“Nếu di sản công nghiệp nào cũng bị biến thành công trình mới, khu đô thị mới thì chẳng mấy chốc những di sản này sẽ bị “xóa sổ” và chúng ta sẽ chẳng còn gì để nhắc nhớ cho con cháu về lịch sử, đời sống sản xuất, kinh doanh một thời. Chúng ta cần phải có một lộ trình về lập quy hoạch các dự án trong việc chuyển đổi chức năng các công trình, nhà máy cũ để vừa đáp ứng yêu cầu của hiện đại, vừa bảo đảm vẫn lưu lại những dấu vết ký ức về lịch sử, văn hóa của công trình”, kiến trúc sư Vương Hải Long chia sẻ.

Còn theo kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc điều phối, xây dựng các quy hoạch và giải quyết mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển, tái thiết các di sản công nghiệp.

“Cần phải có mẫu số chung cho nhà đầu tư, cơ quan quản lý và nhu cầu của người dân trong việc tái thiết các di sản công nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý phải có sự đánh giá, thẩm định lại giá trị của di sản công nghiệp trước khi quyết định tái thiết lại không gian. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có định lượng cụ thể về việc cần giữ lại bao nhiêu phần trăm giá trị của di sản để bảo tồn và bao nhiêu phần trăm cho xây dựng công trình mới”, kiến trúc sư Đinh Hải Yến bày tỏ.

Trước đó, về vấn đề Hà Nội cần làm gì để phát huy giá trị di sản công nghiệp còn sót lại, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, đơn vị sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đánh giá lại hiệu quả của hoạt động, từ đó, sẽ có đề xuất, kiến nghị thành phố, các bộ, ngành về việc sử dụng, tái thiết các di sản công nghiệp trên địa bàn thành phố hiệu quả và bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/danh-thuc-di-san-cong-nghiep-ha-noi-648857.html