'Đánh mất' tài sản vô hình

Từ câu chuyện thương hiệu Viettel được đính giá hơn 2,5 tỷ USD hay thương hiệu Vietnam Airlines thiếu định giá khi nhà đầu tư Nhật Bản mua và sáp nhập, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phần lớn chúng ta làm theo 'cảm tính', thiếu căn cứ định giá. Còn đối tác 'mặc cả' với những lý lẽ chuẩn bị kĩ, điều này dẫn đến doanh nghiệp trong nước luôn bị thua cuộc.

Vẫn theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc xác định giá trị doanh nghiệp phải gắn liền với thương hiệu, còn ở Việt Nam chỉ nghĩ đến tài sản hữu hình mà “quên mất” tài sản vô hình.

- Vậy vì sao việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN), hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) hay nhượng quyền thương mại… khiến nhiều doanh nghiệp bị bán “hớ”, thưa ông?

Để không bị bán “hớ” tài sản thì khâu quan trọng nhất là định giá tài sản. Nhưng ở Việt Nam, việc định giá tài sản các DNNN thường làm theo cảm tính, điều này dẫn đến giá trị tài sản thường bị giao bán dưới giá trị thật, thiếu chuẩn xác.

Phải thừa nhận năng lực chuyên môn, pháp lý của chúng ta còn nhiều hạn chế như tính dự báo, đánh giá thực chất tài sản DNNN... đã dẫn đến tình trạng mất mát tài sản nhà nước. Ở các nước trên thế giới, 47% giá trị của các công ty là tài sản vô hình. Trong khi tại Việt Nam, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp lại không tính được vì nó không nằm trong bảng cân đối kế toán.

- Có ý kiến cho rằng, kể cả trong giai đoạn doanh nghiệp thua lỗ và mọi tài sản của công ty đều bị khấu hao thì giá trị thương hiệu vẫn luôn là con số dương, không bị khấu hao. Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp đã “chết”, thương hiệu sẽ vẫn còn. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

Vấn đề này chỉ có ý nghĩa với thương hiệu nào có “ấn tượng”, còn với một doanh nghiệp đã chết, không còn tồn tại thì thương hiệu cũng không có nhiều ý nghĩa. Có chăng thì chỉ đi vào dấu ấn tiềm thức của quá khứ.

Bên cạnh đó, trong quá trình theo dõi sự biến động tài sản, doanh nghiệp chưa quan tâm đến sự biến động của tài sản vô hình, trong đó có thương hiệu. Vì vậy, khi tham gia những cuộc mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng, IPO, phát hành cổ phiếu… các doanh nghiệp của Việt Nam đã bị mất đi lượng tài chính không nhỏ.

Nói về thương hiệu vô hình, ở các nước đã có nhiều kinh nghiệm để xác định giá trị doanh nghiệp phải gắn liền với thương hiệu, còn ở Việt Nam chỉ nghĩ đến tài sản hữu hình mà quên mất tài sản vô hình. Thực chất, tính toán được đúng giá trị thật của tài sản vô hình là bao nhiêu cũng rất khó, vì khi mua bán sáp nhập phần lớn là làm theo “cảm tính”, cứ thế giao giá mà không dựa trên căn cứ hay cơ sở nào cả. Đối tác mặc cả bao nhiêu thường đã có những lý lẽ của họ, điều này dẫn đến doanh nghiệp trong nước thường bị thua cuộc.

Do đó, vấn đề định giá tài sản vô hình phải trở thành một nghiệp vụ, chuyên môn, đòi hỏi tính pháp lý phải rõ ràng, bên cạnh đó cần nâng cao, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này thì mới tính đúng, tính đủ giá trị vô hình.

Theo công bố của Brand Finance, Viettel là thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam với mức định giá của năm 2017 là 2,569 tỷ USD. Ảnh: S.T

- Ngoài định giá tài sản vô hình, theo ông, các thương vụ CPH, mua bán, sáp nhập... chúng ta cần quan tâm những yếu tố nào để tài sản doanh nghiệp không bị bán hớ?

Muốn không bán lỗ, bán “hớ” vấn đề quan trọng nhất là phải có chuẩn mực giá có tính chất pháp lý, trên cơ sở đó để làm thước đo cho các doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Còn hiện nay, mỗi lần mua bán hay sáp nhập thì mới “cuống cuồng” tìm hiểu, cuối cùng dẫn đến thiếu căn cứ để xác định giá trị thật. Từ đây, tài sản bị “mua bán ép” dẫn đến thất thoát.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/danh-mat-tai-san-vo-hinh-121517.html