Đánh giá thực chất chỉ số khởi sự kinh doanh
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, nên đánh giá thực chất chất lượng cải thiện trong thủ tục khởi sự kinh doanh qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động. Đây là lý do bà tin rằng, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam không thể giảm điểm.
Thưa bà, cho đến thời điểm này, có thể nói khá chắc rằng, năm 2016 sẽ là năm có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kỷ lục?
Điều đầu tiên phải nói là mức độ thuận lợi về khởi sự kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của một quốc gia. Tại Việt Nam cũng vậy.
Nếu tính riêng năm 2016, thì số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng qua cho thấy những tín hiệu tích cực. Có thể nhắc tới số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước đến nay.
Tính đến hết tháng 10/2016, đã có 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn là 710.618 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Không chỉ vậy, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh. Cụ thể, trong 10 tháng qua đã có 22.864 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm mạnh. 10 tháng qua có 33.131 doanh nghiệp, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối tháng 10 vừa qua, chỉ số khởi sự kinh doanh của nước ta lại bị đánh tụt 10 bậc?
Tại Báo cáo này, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá tăng 9 bậc (từ thứ 91 lên thứ 82) và là một trong những quốc gia có sự cải thiện thứ hạng tốt nhất, sau Brunei (tăng 25 bậc) và Indonesia (tăng 15 bậc).
Với thứ hạng này, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, vươn lên đứng thứ 5 trong khối ASEAN.
Riêng thứ hạng khởi sự kinh doanh của Việt Nam, WB đánh giảm 10 bậc. Tôi muốn phân tích kỹ hơn phương pháp đánh giá của WB về chỉ số này.
WB mô tả quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 9 bước, trong đó có 4 bước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (kiểm tra tên doanh nghiệp, thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời là thủ tục đăng ký thuế tại phòng đăng ký kinh doanh địa phương; làm con dấu doanh nghiệp; đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp). 5 bước còn lại thuộc phạm vi của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Nhưng đánh giá của WB đối với 4 bước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều điểm chưa thỏa đáng, thiếu chính xác so với khung pháp lý và thực tiễn.
Cụ thể thế nào, thưa bà?
Trong bước 1, thông tin về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 không phản ánh đúng quy định của pháp luật và thực tế triển khai.
Thời gian đưa ra tại Báo cáo là 5 ngày, trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 14/9/2015 đã quy định thời hạn cấp đăng ký doanh nghiệp tối đa là 3 ngày. Thực tế, số liệu từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình thực hiện thành lập mới doanh nghiệp chỉ khoảng 2,9 ngày, thời gian trung bình đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày.
Trong bước 2 (liên quan đến làm con dấu doanh nghiệp), WB mô tả thời gian thực hiện bước này là từ 2 - 4 ngày là không chính xác so với thực tế triển khai. Vì Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ việc doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an, đồng thời, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Bởi vậy, “làm con dấu” không còn là một thủ tục hành chính như trước, mà là một giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp với cơ sở khắc dấu và có thể hoàn thành trong thời gian rất ngắn chỉ tính bằng giờ.
Đối với bước đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, WB cho rằng, thực hiện bước này là 5 ngày và “doanh nghiệp có thể bắt đầu sử dụng con dấu sau khi nhận được Thông báo mẫu con dấu đã được công bố”. WB cũng đánh giá: quy định này khiến cho việc khởi sự kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Mô tả và đánh giá này hoàn toàn sai so với quy định pháp lý và thực tế triển khai.
Về quy trình, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP đã quy định rõ: doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh và đây không phải là thủ tục để xin chấp thuận mẫu con dấu. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm đăng tải mẫu dấu của doanh nghiệp lên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không đưa ra bất cứ “chấp thuận” hay “Thông báo mẫu con dấu đã được công bố”.
Về thời gian, theo thiết kế của Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngay sau khi cán bộ đăng ký kinh doanh tiếp nhận thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp và ấn nút chấp thuận thì mẫu dấu sẽ được tự động đăng tải lên Cổng Thông tin, không mất thời gian 2 - 4 ngày như Báo cáo của WB đưa ra. Tính đến nay, hơn 130 nghìn mẫu đã công bố công khai trên Cổng Thông tin.
Còn về các bước công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia thì sao, thưa bà?
Về việc này cũng không thể mất 5 ngày như Báo cáo của WB, vì Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/NĐ-CP không có quy định này. Trên thực tế, việc công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp có thể được thực hiện bằng 2 cách, hoặc trực tiếp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu đăng công bố thông tin sau khi được cấp Giấy Chứng nhận ĐKDN hoặc đăng ký đồng thời tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Trong cả 2 trường hợp, doanh nghiệp đều đã hoàn thành nghĩa vụ về đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật mà không cần phải chờ đợi kết quả xử lý.
Cũng phải nói thêm, ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp luôn đánh giá cao chỉ số thành lập doanh nghiệp. Năm 2015, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục ghi nhận đây là lĩnh vực có bước tiến cao nhất và đạt điểm số cao nhất trong 11 năm thực hiện điều tra của PCI.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/danh-gia-thuc-chat-chi-so-khoi-su-kinh-doanh-d54199.html