Đằng sau lệnh xóa sổ 'nền kinh tế thuốc phiện' của Taliban

Từng là nơi sản xuất heroin và thuốc phiện lớn nhất thế giới, Afghanistan đang dần loại bỏ 'cái chết trắng' dưới lệnh cấm cứng rắn từ chính quyền Taliban.

Chính sách cứng rắn

Trước đây, sản lượng thuốc phiện ở Afghanistan liên tục tăng mạnh trong 2 thập niên. Kể từ khi Mỹ hiện diện ở quốc gia này năm 2004, chính quyền Kabul đặt mục tiêu loại trừ cây thuốc phiện trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, sản lượng thuốc phiện lại gia tăng trong thời gian này, dù chính quyền Washington đã chi ít nhất 9 tỷ USD để xóa sổ cây thuốc phiện ở Afghanistan.

 Xóa sổ vùng trồng cây anh túc tại Afghanistan. Ảnh: REUTERS

Xóa sổ vùng trồng cây anh túc tại Afghanistan. Ảnh: REUTERS

Từ tháng 4-2022, chính quyền Taliban khởi động chiến dịch xóa sổ ngành sản xuất thuốc phiện và heroin. Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị bắt và xét xử theo luật Sharia tại các tòa án có thẩm quyền. Hơn 2 năm qua, chiến dịch đã thu được thành công đáng kể. Theo giới phân tích chính trị, động thái của Taliban xuất phát từ việc muốn được quốc tế công nhận. Hiện các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt lĩnh vực tài chính của Afghanistan, các tổ chức tiền tệ từng tài trợ 75% chi tiêu cho Chính phủ Afghanistan cũng tạm dừng giải ngân, gây ra cuộc khủng hoảng ở một quốc gia phần lớn phụ thuộc vào viện trợ.

Trong quá khứ, quốc gia Trung Á này chiếm hơn 80% sản lượng thuốc phiện trên toàn cầu và 95% nguồn cung cấp thuốc phiện cho châu Âu. Giờ đây tất cả đã thay đổi. Theo New York Times, việc mà Mỹ và các đồng minh không làm được trong 2 thập niên chiến tranh, Taliban đã làm được trong 2 năm hòa bình. Hàng trăm phòng thí nghiệm được thành lập để chế biến heroin và methamphetamine đã bị đóng cửa hoặc phá hủy. Chợ ma túy cung cấp cho khu vực miền Nam Afghanistan bị bỏ trống. Các cánh đồng hoa anh túc bị chặt bỏ dần.

Theo tuyên bố, Taliban cho biết, đã bắt giữ nhiều kẻ buôn lậu, tịch thu gần 2.000 tấn ma túy và đột kích hàng trăm phòng thí nghiệm sản xuất heroin. Ở những nơi từng sản xuất “cái chết trắng”, Taliban mở bệnh viện chấn thương để điều trị cho những người bị thương. Chính quyền này kiếm được một khoản tiền lớn từ thuốc gây mê và thuế đối với hàng hóa ra vào Afghanistan với hàng triệu USD mỗi tháng.

Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, tính đến tháng 11-2023, diện tích trồng thuốc phiện của Afghanistan đã giảm xuống chỉ còn 10.800ha vào năm 2023 (trong khi năm 2022 là 233.000ha), nguồn cung giảm 95% xuống còn 333 tấn.

Khó khăn trong chuyển đổi

Việc thực hiện nghiêm khắc chính sách loại bỏ cây thuốc phiện đã được ghi nhận, nhưng lệnh cấm nông dân trồng loại cây này mà không có phương án thay thế cũng gây tổn thất kinh tế cho Afghanistan. Viện Hòa bình ở Mỹ cho rằng, lệnh cấm có nguy cơ kéo theo khủng hoảng nhân đạo. Còn theo tờ Telegraph, trong một bản báo cáo công bố vào năm 2022, Liên hợp quốc quan ngại việc sụt giảm mạnh sản lượng thuốc phiện có thể dẫn đến tình trạng gia tăng việc sử dụng ma túy tổng hợp, loại còn nguy hiểm hơn heroin.

Xét trên thực tế, nông dân Afghanistan hiện khó tìm được công việc khác trong một nền kinh tế trì trệ chịu nhiều lệnh trừng phạt. Trong gần 15 năm, doanh thu từ cây thuốc phiện và tiền thuế mà Taliban thu được từng hỗ trợ cho cuộc chiến giành quyền lực của Taliban nhằm thành lập chính phủ. Đến khi Taliban nắm chính quyền, hoạt động sản xuất thuốc phiện bị xóa sổ khiến kinh tế nhiều vùng bị suy sụp do không thể chuyển đổi sang hướng canh tác nông nghiệp.

Những người nông dân không thể rời đi, buộc phải gửi con cái đi làm việc thu hoạch ở nơi khác, hoặc làm lao động tự do. Ông Haji Hawaladar, người đã chuyển toàn bộ gia đình đến Bakwa, đổi đàn dê của mình lấy đất, cho biết: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng hoàn cảnh này. Chúng tôi thậm chí không thể cho đi miễn phí mảnh đất này khi không thể canh tác”.

Công việc đồng áng vẫn là nguồn việc làm lớn nhất đối với phụ nữ Afghanistan, nhưng phụ nữ giờ phải chịu nhiều quy định nghiêm ngặt gò bó. Dưới chế độ Taliban, phụ nữ bị hạn chế nghiêm trọng khả năng làm việc. Cú sốc kinh tế còn trở nên trầm trọng hơn do năng lực hạn chế của Taliban trong việc cung cấp các giải pháp thay thế cho nông dân và công nhân nông thôn. Tuy nhiều người đã chuyển sang trồng lúa mì hoặc bông, nhưng rất khó duy trì. Phát triển nông nghiệp đòi hỏi nhiều hệ thống tưới tiêu hơn, cơ sở bảo quản lạnh và đường sá tốt hơn. Trong khi Taliban không có ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng.

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Taliban có định hướng đúng khi hướng tới nền kinh tế không thuốc phiện, nhưng thực tế không dễ thực hiện. Vài quốc gia đã nhắm đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Afghanistan nhưng nếu muốn khai thác, họ phải đặt quan hệ ngoại giao với Taliban, hay chí ít cũng là một văn phòng đại diện hoặc văn phòng kinh tế. Điều này khó khả thi vì sẽ đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ và khối Liên minh châu Âu đang áp đặt lên Taliban.

THANH HẰNG tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dang-sau-lenh-xoa-so-nen-kinh-te-thuoc-phien-cua-taliban-post774399.html