Đằng sau cuộc cạnh tranhTaylor Swift ở Đông Nam Á

Singapore được cho là đã tài trợ siêu sao nhạc pop người Mỹ Taylor Swift để biểu diễn độc quyền tại quốc đảo này, gây nên làn sóng tranh luận khắp Đông Nam Á và xa hơn nữa, chính bởi lợi nhuận khổng lồ đằng sau những đêm diễn.

"Chính phủ Singapore rất thông minh"

Câu chuyện nổ ra sau khi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố, Chính phủ Singapore đã tài trợ cho Taylor Swift 100 triệu baht (2,8 triệu USD) cho mỗi buổi diễn, với điều kiện cô sẽ biến TP này thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á trong chuyến lưu diễn tiếp theo của The Eras Tour vào tháng 3 tới.

"AEG (nhà tổ chức buổi hòa nhạc) không cho tôi biết con số chính xác, nhưng họ nói rằng Chính phủ Singapore sẵn sàng tài trợ từ 2 triệu - 3 triệu USD" - ông Srettha nói tại một diễn đàn DN ở Bangkok vào cuối tuần trước - "Nhưng Chính phủ Singapore rất thông minh. Họ yêu cầu không được tổ chức bất kỳ buổi biểu diễn nào khác ở Đông Nam Á".

Ca sĩ Taylor Swift trong buổi hòa nhạc The Eras Tour tại Menbourne, Australia, 16/2/2023. Ảnh: Getty Images

Từ đó, Thủ tướng Thái Lan cam kết sẽ thu hút những ngôi sao hàng đầu đến Xứ Chùa vàng bằng nhiều chính sách hấp dẫn trong tương lai. "Chúng ta có thể trao những đãi ngộ như vậy cho các nghệ sĩ hạng A và nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đến Thái Lan. Điều này nhất định sẽ thành hiện thực" - Reuters dẫn lời ông Srettha tuyên bố.

Nhà lãnh đạo nói thêm rằng, Chính phủ Bangkok sẽ cung cấp dịch vụ du lịch miễn thị thực, thay đổi quy định về uống rượu tại các buổi hòa nhạc và điều chỉnh giờ hoạt động của các địa điểm giải trí, cũng như thời điểm có thể bán rượu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, các khoản tài trợ để thu hút các nghệ sĩ và sự kiện quốc tế trước nay không phải là hiếm.

"Chiến lược chung của các chính phủ là khuyến khích các buổi hòa nhạc và sự kiện nhằm mang lại lợi ích kinh tế tối đa" - Kevin Wee, giảng viên cao cấp về khách sạn và du lịch tại Trường Quản lý Kinh doanh của Trường Bách khoa Nanyang (Singapore), cho biết, đồng thời dẫn một ví dụ điển hình là chặng đua F1 Singapore Grand Prix kể từ năm 2008.

Để trả lời chung cho các câu hỏi của giới truyền thông, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) và Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên nước này (MCCY) thông báo, một khoản tài trợ đã được trao cho các buổi hòa nhạc của Taylor Swift vì chúng có khả năng "tạo ra những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Singapore, đặc biệt là hoạt động du lịch như khách sạn, bán lẻ, lữ hành và ăn uống". Bộ này từ chối xác nhận về số tiền tài trợ và liệu nó có đi kèm với điều khoản độc quyền hay không "vì bí mật kinh doanh".

Theo báo cáo dữ liệu từ công ty nghiên cứu AskPro, The Eras Tour của Taylor Swift có khả năng tạo ra 4,6 tỷ USD chi tiêu của người tiêu dùng ở Mỹ. Một nhà kinh tế Nhật Bản thì ước tính, buổi hòa nhạc của nữ ca sĩ 34 tuổi ở Tokyo trong 4 ngày đầu tháng 2 này đã mang lại cho nền kinh tế Nhật Bản thêm 228 triệu USD.

Còn theo báo cáo của Pollstar - một ấn phẩm thương mại dành cho ngành công nghiệp hòa nhạc và nhạc sống, ước tính chuyến lưu diễn toàn cầu của Taylor Swift có thể sẽ phá vỡ kỷ lục doanh thu 1 tỷ USD vào tháng 3 tới.
Một số người hâm mộ đã tỏ ra tức giận trên mạng xã hội sau những tiết lộ của Thủ tướng Thái Lan, và nhân cơ hội này để chỉ trích chính phủ của họ vì đã không thể đưa giọng ca sở hữu 14 giải Grammy về biểu diễn tại nước mình.

Kevin Cheong, đối tác quản lý tại công ty tư vấn phát triển điểm đến và du lịch Syntegrate LLP, chỉ ra rằng vẫn có "rủi ro" với những khoản tài trợ đi kèm điều kiện như vậy, bởi trên thực tế có thể xảy ra những tình huống bất ngờ khiến phía Taylor Swift không thể thực thi được.

Siêu sao bóng đá Lionel Messi gần đây đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội ở Hồng Kông và cả Trung Quốc đại lục sau khi anh chỉ ngồi dự bị trong trận giao hữu giữa câu lạc bộ Inter Miami của Mỹ và một đội bóng địa phương vì chấn thương. Ban tổ chức cuối cùng đã phải hoàn lại cho mọi khán giả 50% giá vé, và trả lại khoản tài trợ 16 triệu HKD (2 triệu USD) của Chính phủ.

Không chỉ là "bạo vì tiền"?

Việc các quốc gia trong khu vực cạnh tranh những ngôi sao hàng đầu, dù trong lĩnh vực thể thao hay giải trí, xuất phát từ thực tế là sự hiện diện của họ mang lại động lực rất cần thiết cho ngành du lịch sau đại dịch.

Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu hồi đầu tuần này đã nhấn mạnh: "Trong bối cảnh Hồng Kông cạnh tranh khốc liệt với các TP khác cũng đang nỗ lực cải thiện bản thân, chúng ta phải không ngừng cố gắng thu hút các sự kiện lớn, bao gồm các trận đấu, sự kiện thể thao và sự kiện văn hóa”.

Các buổi biểu diễn của Taylor Swift ở Singapore bắt đầu vào ngày 2/3 tới, tại Sân vận động Quốc gia có sức chứa 55.000 khán giả, đã gây ra một cơn sốt săn vé ở nước này và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Nhiều người chấp nhận xếp hàng thâu đêm để có cơ hội giành được vé - có giá từ 88 - 1.228 SGD tùy thuộc vào hạng mục. Vé tham dự các đêm diễn tại Singapore của ngôi sao người Mỹ cũng đã xuất hiện trên thị trường chợ đen, bị đẩy lên tới 3.000 SGD (2.200 USD) cho 1 vé VIP.

Chuyên gia Cheong từ Syntegrate LLP nhận định: “Nếu nhìn vào số lượng khách đến Singapore và thời gian lưu trú cũng như năng lực chi tiêu của họ, tôi nghĩ rằng số tiền đó sẽ lớn hơn nhiều khoản tài trợ của chính phủ".

Ngoài ra, với mức tăng nhanh chóng về cả lượng du khách và chi tiêu của khách du lịch, các buổi hòa nhạc của Taylor Swift - mà Cheong ví như những cuộc đua F1 Grand Prix về quy mô - nếu được thực hiện tốt sẽ củng cố vị thế của Singapore là lựa chọn hàng đầu trong khu vực dành cho các nhà tổ chức sự kiện.

"Đó sẽ là một thông điệp tới thế giới, rằng Singapore đang hướng tới thu hút du lịch năng suất cao và chất lượng cao. Những buổi hòa nhạc như thế này đã đưa chúng tôi lên bản đồ du lịch sự kiện của thế giới, tương tự như F1 vậy" - chuyên gia này nêu quan điểm.

Ông cũng tin rằng, việc tổ chức các buổi biểu diễn này cũng đóng vai trò như một “chiến lược hồi sinh điểm đến”, và điều này thậm chí còn quan trọng hơn sau đại dịch, khi mà nhu cầu tham gia các sự kiện trực tiếp và du lịch đang trở lại mạnh mẽ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lại tin rằng khoản tài trợ 2 - 3 triệu USD chưa hẳn là yếu tố duy nhất thúc đẩy Taylor Swift biến Singapore thành điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á.

Theo Christopher Khoo - Giám đốc điều hành Công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services, nhiều yếu tố khác đã phải được xem xét đối với yêu cầu biểu diễn, bao gồm cơ sở hạ tầng, khả năng kết nối, tính ổn định an ninh cũng như văn hóa của nước sở tại. Tất cả được cho đều là những cân nhắc quan trọng đối với mọi nhà tổ chức.

Lấy ví dụ, ông Khoo trích dẫn trường hợp ngôi sao Beyoncé từng phải hủy bỏ buổi hòa nhạc của mình ở Malaysia vào năm 2007 sau các cuộc phản đối của các nhóm Hồi giáo. Chuyên gia này tin rằng những nguy cơ như vậy sẽ ít có khả năng xảy ra ở một quốc gia như Singapore.

“Tất cả các yếu tố phải được dung hòa để các nhà tổ chức hòa nhạc có thể ghi nhận một quốc gia nào đó là một địa điểm tốt để tổ chức hòa nhạc" - Christopher Khoo nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng phần còn lại của khu vực cũng được hưởng lợi nếu buổi hòa nhạc nổi tiếng diễn ra tốt đẹp ở Singapore.

"Nếu từ đây, các nhà tổ chức nhận thấy Đông Nam Á là một thị trường béo bở, sẽ có thêm nhiều ngôi sao chọn các điểm dừng khác như Bangkok, Jakarta… thay vì chỉ bay tới Australia. Bằng cách đó, cả khu vực sẽ thắng" - chuyên gia Công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services nhận định.

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dang-sau-cuoc-canh-tranhtaylor-swift-o-dong-nam-a.html