Đằng sau câu chuyện kinh tế Anh tụt hậu so với các nước phát triển

Dù phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự, bao gồm dân số già, biến đổi khí hậu và thu nhập của người dân giảm dần, nước Anh dường như đang chật vật nhiều hơn so với các quốc gia phương Tây khác.

Cờ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tung bay trên tháp Victoria của Tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tất cả những cuộc bàn luận không hồi kết về sự suy thoái của các dịch vụ công và chi phí sinh hoạt tăng cao, có một chủ đề thường chỉ được nêu ra một thời gian ngắn trước khi cuộc trò chuyện tiếp tục rẽ hướng; đó là nước Anh ngày nay so với các quốc gia giàu có khác như thế nào?

Câu trả lời ngày càng đáng lo ngại. Mặc dù phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự, chẳng hạn như dân số già, biến đổi khí hậu và thu nhập trung bình của người dân giảm dần, nước Anh dường như đang chật vật nhiều hơn so với các quốc gia phương Tây khác. Từ cơ sở hạ tầng giáo dục và giao thông yếu kém đến năng suất chậm chạp, lạm phát cao bất thường cho đến sức khỏe cộng đồng suy yếu, nước Anh dường như đang tụt hậu so với các quốc gia vốn ngang tầm như Pháp và Đức, trong khi vẫn đang dần bị bắt kịp bởi các nước trước đây nghèo hơn nhiều như Slovenia và Ba Lan.

So sánh chất lượng cuộc sống với phần còn lại của châu Âu là điều một số người Anh thường làm sau kỳ nghỉ lễ, khi một mùa Hè ảm đạm nữa ở Anh lại sắp kết thúc. Tuy nhiên, thường thì cảm giác này không kéo dài, vì chủ nghĩa dân tộc trên phần lớn các phương tiện truyền thông của Anh đã ngăn cản những suy nghĩ tiêu cực đó. Ngoài ra, sự khác biệt về phong tục, giá trị xã hội và giá trị đồng tiền cũng khiến việc so sánh chính xác giữa các quốc gia khác trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, vào mùa Hè năm nay, sự bất an về tình hình của đất nước đã trở nên công khai hơn tại Anh. Tờ Sunday Times vào tháng Bảy vừa qua đã đặt câu hỏi: “Tại sao nước Anh lại trở nên nghèo như vậy?”, và nói thêm rằng: “Ngay cả Đông Âu cũng đang bắt kịp tốc độ tăng trưởng GDP chậm chạp của Anh”. Trong khi đó vào tháng trước, nhà báo kinh tế Tim Harford đã viết trên tờ The Financial Times sau khi đến thăm Đức rằng: “Sự thịnh vượng là phải như thế này, và Vương quốc Anh thì không có được điều đó”. Trong cùng một bài báo, một nhà báo kỳ cựu khác là John Burn-Murdoch, đã tính toán rằng nếu không có London, Vương quốc Anh sẽ nghèo hơn, xét về GDP bình quân đầu người.

Đối với một quốc gia châu Âu được cho là hiện đại và quan trọng hàng đầu châu Âu, việc bị so sánh như vậy là một cú sốc khá lớn. Trên thực tế, sự suy yếu của kinh tế Anh lần đầu tiên được nêu ra cách đây 9 năm, trong một bài báo trên Telegraph của nhà báo Tory Fraser Nelson, chỉ ra sự lạc hậu của Anh so với hầu hết các khu vực trên nước Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa suy tàn hiện nay mô tả những rắc rối của nước Anh chủ yếu là về mặt kinh tế. Và trong những giới hạn đó, họ tập trung vào những mối quan tâm cổ điển của chủ nghĩa tư bản về năng suất, tăng trưởng và của cải, thay vì phân phối tài sản và thu nhập, hay mức độ hài lòng của người Anh đối với công việc của họ.

Các khía cạnh khác về tình hình hoạt động của đất nước như xã hội, văn hóa, môi trường – hầu như không được đưa vào các đánh giá tình trạng ảm đạm của quốc gia này. Cuộc sống của người Anh chỉ còn là một phần trong cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ giữa các quốc gia.

Khái niệm coi nước Anh là một nền kinh tế hơn là một xã hội có vẻ như là một bước lùi. Mười bốn năm trước, trong cuốn sách nổi tiếng The Spirit Level xuất bản năm 2009, tác giả Richard Wilkinson và Kate Pickett đã mô tả một cách chi tiết đầy thuyết phục “sự tương phản giữa thành công vật chất và thất bại xã hội ở nhiều nước giàu”. Họ giải thích: “Khi các xã hội giàu có trở nên giàu có hơn, tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và nhiều vấn đề xã hội khác cũng gia tăng trong thời gian dài”.

Sự hồi sinh về mặt kinh tế của Anh mà những người theo chủ nghĩa suy tàn đang khao khát gần như chắc chắn sẽ mang đến những vấn đề mới, giống như sự bùng nổ của thập niên 80 đã tạo ra một quốc gia khắt khe và mang chủ nghĩa cá nhân hơn, sau khi chứng kiến một nước Anh kém năng động hơn nhưng bình đẳng hơn của thập niên 70. Một quốc gia có thể được giới truyền thông, nhiều người dân và các nhà quan sát nước ngoài coi là một biểu tượng thành công trong khi cuộc sống của một số người dân ở đó trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như hàng triệu người thất nghiệp trong thập niên 80 để nước Anh có thể trở nên “cạnh tranh hơn”.

Sau đó, một lần nữa, có lập luận cho rằng hiện nay chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn - khó khăn hơn nhiều so với thập niên 70 hoặc 80 - rằng phục hồi kinh tế phải là ưu tiên quốc gia. Nếu kinh tế không đủ mạnh, sẽ không có đủ tiền để khắc phục những thiệt hại mà đảng Bảo thủ đã gây ra đối với các dịch vụ công và tài chính cá nhân của người Anh. Về bản chất, điều này đã trở thành quan điểm của Công đảng dưới thời ông Keir Starmer, vì đảng này đã dần từ bỏ ý tưởng rằng có thể tạo ra một nước Anh tốt đẹp hơn một phần bằng cách tăng thuế đối với giới tinh hoa.

Ngay cả khi chính phủ của Công đảng đưa nước Anh trở lại vị trí quen thuộc trong số các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, thì mối quan ngại về sự thụt lùi của nước này so với các nước khác sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất. Là quốc gia đầu tiên có Cách mạng Công nghiệp và là một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên, đồng thời là một nơi có dân số và tài nguyên khiêm tốn, Anh sẽ không bao giờ duy trì được vị thế vượt trội của mình khi các quốc gia khác tất yếu phải tiến hành hiện đại hóa.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực đã hiểu điều này từ rất lâu. Năm 1835, sau khi đến thăm Mỹ, doanh nhân và nhà cải cách kinh tế người Anh Richard Cobden đã viết: “Cơ hội thịnh vượng duy nhất của Anh nằm ở việc kịp thời tái cơ cấu hệ thống, sao cho nó tương đương nhất có thể với hệ thống đã được cải thiện của nước Mỹ”. Ông Cobden nói thêm: "Kinh tế suy yếu so với một số cường quốc khác là điều khó thay đổi. Chúng ta cần phải chấp nhận điều này và thay vào đó hãy lo lắng nhiều hơn về tình trạng xã hội của chúng ta"./.

Minh Trang (Theo The Guardian)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dang-sau-cau-chuyen-kinh-te-anh-tut-hau-so-voi-cac-nuoc-phat-trien/305466.html