Dẫn vốn cho thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh

Là loại hình tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của tập thể, nhiều quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ vốn kịp thời cho thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nhiều hộ dân xã Định Liên (Yên Định) được vay vốn QTDND đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Hoạt động của hệ thống QTDND không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội to lớn, phát huy được tinh thần nội lực của người dân trong quá trình phát triển kinh tế, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần ổn định an ninh chính trị khu vực nông thôn.

Mục tiêu của QTDND là huy động nguồn vốn tại chỗ để cho vay lại trên tinh thần hợp tác, tương trợ cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tiện lợi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, đặc biệt là góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm và hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn. Hệ thống QTDND ở các địa phương đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các thành viên và phần lớn nguồn vốn cho vay đều phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Dương Thượng, xã Định Liên (Yên Định) là khách hàng thân thiết, được QTDND Yên Phong cho vay 250 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà vịt. Thu nhập hằng năm của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng. Ông Nam cho biết: Vì QTDND ở ngay gần xã nên rất thuận tiện cho người dân đi lại gửi tiết kiệm cũng như vay vốn. Hơn nữa, quỹ đáp ứng vốn nhanh gọn, lãi suất bảo đảm theo quy định. Không chỉ tôi mà nhiều bà con ở xã cũng đã tiếp cận để đầu tư, vươn lên thoát nghèo.

Được biết, hiện QTDND Yên Phong hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng trên địa bàn 5 xã Yên Phong, Yên Thái, Định Liên, Định Long, Định Hải (Yên Định). Bà Vũ Thị Hường, Giám đốc Quỹ cho biết: "Nhằm phù hợp với tiến trình phát triển, quỹ xác định hướng đi phù hợp để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Mục đích của quỹ là hoạt động theo phương châm tương trợ, hỗ trợ, liên kết, tạo điều kiện cho các thành viên cùng phát triển. Để tăng vốn huy động cũng như giải ngân cho vay, quỹ chủ động nắm bắt tình hình, đưa ra mức lãi suất phù hợp; tìm cách khai thác khách hàng mới, khách hàng ở xa, cử cán bộ tín dụng trực tiếp tư vấn, hỗ trợ các hộ có nhu cầu. Tính đến ngày 18/10, tổng nguồn vốn huy động của quỹ đạt gần 160 tỷ đồng; dư nợ đạt 130 tỷ đồng; quỹ hiện có 2.733 thành viên đang tham gia hoạt động.

Hiện nay phần lớn các QTDND trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thành viên, tăng nguồn vốn đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh trên từng địa bàn. Hoạt động của hệ thống QTDND đã khẳng định được vai trò của mình trong việc huy động nguồn vốn tại chỗ đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hạn chế việc cho vay nặng lãi, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tính đến trung tuần tháng 10/2023, toàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động với tổng nguồn vốn đạt hơn 7.900 tỷ đồng; tổng dư nợ là 6.960 tỷ đồng với gần 31.000 thành viên đang vay vốn.

Tuy nhiên, bên cạnh những QTDND hoạt động hiệu quả, vẫn còn một số quỹ hoạt động yếu kém, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, không liên kết, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên. Một số QTDND chạy theo mục tiêu lợi nhuận, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định, dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn và an toàn hoạt động. Việc khắc phục những bất cập, hạn chế của một số quỹ có nơi, có lúc chưa đạt kết quả như mong muốn, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống QTDND nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung. Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn thiếu quan tâm, phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước. Trình độ cán bộ và bộ máy điều hành của QTDND còn hạn chế, một bộ phận cán bộ nghiệp vụ chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến một số sai phạm trong hoạt động, thậm chí có QTDND sai phạm nghiêm trọng, như các QTDND: Hoằng Đồng, Hoằng Trinh (Hoằng Hóa); Vân Sơn (Triệu Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc)...

Để tiếp tục củng cố, chấn chỉnh, sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống QTDND, bảo đảm cho các quỹ trên địa bàn phát triển an toàn, hiệu quả, hoạt động đúng mục tiêu tôn chỉ, đúng tính chất của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, vướng mắc. Quan tâm hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục đạo đức, pháp luật cho đội ngũ cán bộ, nhân viên QTDND cơ sở. Các QTDND chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, tuân thủ hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản trị, điều hành, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tranh thủ sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về mô hình hoạt động QTDND, vận động Nhân dân tham gia thành viên và giám sát chấp hành pháp luật của QTDND...

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dan-von-cho-thanh-vien-phat-trien-san-xuat-kinh-doanh/198454.htm