Dân quân tự vệ trong doanh nghiệp: 'Tránh tình trạng chỉ quyết toán, song không chi gì cả'

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu về dự thảo Luật Dân quân tự vệ (Sửa đổi). Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, nhiều nơi chỉ quyết toán tiền chi cho lực lượng dân quân tự vệ, song lại không chi cho huấn luyện, bồi dưỡng.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Đa số ý kiến cơ bản tán thành với dự thảo Báo cáo và dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời có một số ý kiến đóng góp cụ thể.

Về độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình, ông Võ Trọng Việt cho hay, quy định độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ cơ bản kế thừa Luật Dân quân tự vệ hiện hành, đã thực hiện ổn định, để bảo đảm cho Dân quân tự vệ có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (trái) tại hành lang Quốc hội sáng 28/10. Ảnh: Ngọc Thắng

“Trên thực tế, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia Dân quân tự vệ. Việc cơ quan, tổ chức tuyển dụng công dân cũng là nguồn tuyển chọn vào tự vệ. Mặt khác, dự thảo Luật quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nhằm khắc phục tình trạng ở một số địa phương, cơ quan tổ chức thiếu người để tổ chức đơn vị Dân quân tự vệ; đồng thời tạo điều kiện, thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong Dân quân tự vệ biển và giữ các chức vụ chỉ huy đơn vị.

Nếu tăng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ lên 5 năm và kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quốc phòng, quân sự của Dân quân tự vệ, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ”, ông việt cho hay.

Có kiến đề nghị không quy định tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; có ý kiến đề nghị làm rõ điều kiện “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng”, UBTVQH thấy rằng, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã có tại Điều 19 Luật DQTV và các Nghị định của Chính phủ, quá trình thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp khác phải đăng ký, quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để sẵn sàng mở rộng lực lượng. Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng do cấp ủy Đảng của doanh nghiệp lãnh đạo; các doanh nghiệp khác do cấp ủy Đảng khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, khu công nghệ cao lãnh đạo, các cấp ủy Đảng này đều chịu sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng địa phương. Do đó, để bảo đảm phù hợp với tình hình cụ thể, dự thảo Luật quy định chung “bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng” là phù hợp.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh. Ảnh Ngọc Thắng

Đóng góp ý kiến về việc tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp trong Dự án Luật này, Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, thực tế thời gian qua, việc thành lập đơn vị này trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

“Doanh nghiệp thì tập trung sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng bảo vệ an ninh – trật tự thuộc về địa phương. Nhưng có thể thấy, việc bảo đảm của địa phương chỉ có thể thực hiện ở khu vực bên ngoài khu công nghiệp, nhà máy, còn trong khu vực này vẫn nên do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Hơn nữa, trong một số trường hợp xảy ra, doanh nghiệp nên cử lực lượng cùng tham gia”, Đại biểu bày tỏ.

Bà Hạnh dẫn chứng thực tế ở các địa phương miền Trung, thanh niên thường đi làm xa khi trong thời hạn nông nhàn. Vì vậy, lực lượng thanh niên ở địa phương không nhiều, trong khi các doanh nghiệp thu hút lực lượng nhân sự trẻ và khỏe không ít.

Để phù hợp với chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, đóng góp trong bảo vệ an ninh – quốc phòng, chủ quyền đất nước, bà Hạnh bày tỏ mong muốn lực lượng dân quân tự vệ không chỉ ghi danh, mà được huấn luyện, bồi dưỡng, đồng thời cần quy định lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp.

“Nhưng cần tránh tình trạng chỉ quyết toán, song không chi gì cả, không tổ chức các hoạt động. Một số khoản chi cần có sự đầu tư từ nhà nước như trang bị, trang phục, để giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh chắc chắn sẽ khiến doanh nghiệp phân vân, không nhiệt tình tham gia”, ĐB Tiết Hạnh đóng góp.

Công Luân – Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dan-quan-tu-ve-trong-doanh-nghiep-tranh-tinh-trang-chi-quyet-toan-song-khong-chi-gi-ca-a454273.html