Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023

Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có nhiều thuận lợi, đan xen những thách thức khó lường. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, khoa học, 4 tháng đầu năm tỉnh đã có sự bứt phá ở nhiều lĩnh vực.

Nỗ lực vượt khó

Nhận diện rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, BCH Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28-11-2022) để lãnh đạo, chỉ đạo; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 128/NQ-HĐND (ngày 9-12-2022) về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND (ngày 13-1-2023) về kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023, với các giải pháp khả thi, nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 trên 11%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái).

Trong đó, xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của từng quý, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực gắn với vai trò gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Căn cứ nhiệm vụ, kế hoạch được giao, các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo đúng, sát với tình hình thực tế.

4 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt và vượt kịch bản tăng trưởng kinh tế đề ra. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,07% so với cùng kỳ. Ngoài sản xuất khai khoáng giảm 6,74% so với cùng kỳ do sản lượng than sạch giảm 8%; còn lại chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,11% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,84% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 48.300 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở khu vực dịch vụ, toàn tỉnh ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó thương mại bán lẻ tăng 13,5%; lưu trú ăn uống tăng 44,3%; du lịch lữ hành tăng 58,8%; doanh thu dịch vụ khác tăng 16,7%. Điểm nhấn lớn nhất là ngành Du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, lượng du khách du lịch đến Quảng Ninh đạt gần 6 triệu lượt, gấp 2 lần so với cùng kỳ, bằng 72,56% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng; tổng doanh thu du lịch đạt 10.841 tỷ đồng, gấp 2,24 lần so cùng kỳ, bằng 64,9% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng 2023.

Khách du lịch tắm biển tại bãi Vàn Chảy (huyện Cô Tô).

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 929 triệu USD, tăng 13,71% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Xi măng đạt 25,9 triệu USD; clinker 29,1 triệu USD; xơ, sợi bông 90,5 triệu USD; thủy sản chế biến 4,3 triệu USD; quần áo các loại 47,4 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 952 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Xơ, sợi các loại 80,5 triệu USD; máy móc thiết bị và các loại linh kiện 127 triệu USD; lúa mì 44,5 triệu USD…

Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi, tổng số thu NSNN đạt 19.863 tỷ đồng, bằng 37% dự toán, bằng 106% cùng kỳ. Trong đó số thu từ hoạt động XNK đạt 5.000 tỷ đồng, bằng 42% dự toán, bằng 105% cùng kỳ; thu nội địa đạt 14.863 tỷ đồng, bằng 35% dự toán, bằng 107% cùng kỳ.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu 6 tháng đầu năm

Từ kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm cho thấy, mặc dù nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng đạt thấp, với sản lượng khai thác than sạch đạt 14,7 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ; 10/17 khoản thu NSNN chưa đạt tốc độ thu bình quân; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (đạt 12%), thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,4%).

Khai thác than hầm lò tại Công ty Than Uông Bí - TKV. Ảnh: Phạm Tăng

Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng kinh tế mới đạt trên 8,06%, thấp hơn 0,23 điểm % so với kịch bản tăng trưởng tại Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh. Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2023 theo Nghị quyết số 12-NQ/TU, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND, đòi hỏi quý II phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,49% (cao hơn 0,22 điểm % so với Kế hoạch số 07/KH-UBND), qua đó góp phần tăng trưởng 6 tháng đạt 8,8%.

Trên cơ sở mục tiêu đó, căn cứ vào tình hình thực tế, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 991/UBND-TH4 (ngày 28-4-2023) điều chỉnh bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2023, làm căn cứ để các cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra; trong đó thu ngân sách nhà nước quý II đạt 15.411 tỷ đồng (cao hơn 1.661 tỷ đồng so với Kế hoạch sô 07/KH-UBND), qua đó 6 tháng đạt trên 29.800 tỷ đồng; thuế sản phẩm tăng 11,34% (tăng 2,09% so với Kế hoạch số 07/KH-UBND).

Sản xuất tấm quang năng tại Nhà máy Jinko Solar 2 (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).

Thường trực UBND tỉnh đã giao cho các đồng chí Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành, lĩnh vực cụ thể; các đồng chí ủy viên UBND tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Theo đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm trong quý II là 2,16%, lũy kế 6 tháng tăng 3,96%. Các cơ quan, đơn vị phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, đảm bảo tổng sản lượng lương thực quý II đạt 97.265 tấn; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 22.593 tấn; khai thác gỗ rừng trồng đạt 189.387m3; tổng sản lượng thủy sản đạt 37.352 tấn.

Nhà thầu thi công dự án đường tỉnh 342 qua huyện Ba Chẽ.

Ngành công nghiệp - xây dựng, giá trị tăng thêm quý II là 6,93% (cao hơn 0,29 điểm % so với Kế hoạch số 07/KH-UBND). Các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành Than tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn mỏ, an toàn lao động; ổn định sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng sản lượng than khoảng 14 triệu tấn, qua đó 6 tháng đạt 24,6 triệu tấn. Đồng thời tạo điều kiện, duy trì ổn định hoạt động sản xuất điện, phấn đấu sản lượng điện đạt khoảng 9,2 tỷ Kwh, qua đó 6 tháng đạt 18,7 tỷ Kwh.

Các sở, ngành liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất 5/12 nhóm sản phẩm còn thấp hoặc chưa có sản phẩm (nam châm, vải dệt kim, tấm sàn Vinil Tines, tấm quang năng, tấm Silic), đảm bảo chỉ tiêu về sản lượng các sản phẩm chủ yếu lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng; tập trung tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện đầu tư các dự án xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu quý II tăng trưởng khu vực xây dựng là 19,94%, qua đó 6 tháng tăng 15% so với cùng kỳ 2022.

Người dân tiêu thụ hàu tại cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn).

Ngành dịch vụ, giá trị tăng thêm quý II là 14,59%, lũy kế 6 tháng tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tập trung các giải pháp phục hồi mạnh mẽ, toàn diện ngành du lịch, thu hút tối đa khách quốc tế và nội địa, du lịch cư dân biên giới, phấn đấu tổng lượng khách đạt từ 3,65 triệu lượt, thu từ du lịch khoảng 8.000 tỷ đồng. Tham mưu các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho ngành Than, doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, phòng, chống buôn lậu xăng dầu trên biển. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng vào các nhà máy sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4-2023 của UBND tỉnh, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: UBND tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, kiểm điểm những chỉ tiêu còn thiếu và yếu trong kế hoạch kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm. Những chỉ tiêu được điều chỉnh trong quý II sẽ được UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và được kiểm đếm tại các cuộc họp thường kỳ UBND hằng tháng. Quan điểm của UBND tỉnh sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu được giao nhiệm vụ mà không hoàn thành.

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tin tưởng, với việc Quảng Ninh tạo được uy tín, bình chọn là địa phương đứng đầu cả nước về 4 chỉ số (PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI) năm 2022 sẽ là nền tảng, động lực then chốt, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục đến nghiên cứu đầu tư, hoạch định chiến lược, gắn bó phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó góp phần cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Mạnh Trường (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/145725/dam-bao-toc-do-tang-truong-kinh-te-nam-2023