Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến lược về Biển Đông

Những quyết định đúng đắn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giải phóng các đảo, quần đảo ở Biển Đông hay những trăn trở của Người về việc mở đường làm kinh tế biển là minh chứng lịch sử làm sáng rõ tư duy chiến lược của ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên con tàu hải quân tháng 3.1973

Giải phóng các đảo trước Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đề nghị Bộ Chính trị: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo mà quân ngụy đang chiếm giữ. Vì nếu không khẩn trương giải phóng các đảo và quần đảo, nước ngoài sẽ chiếm mất, rất phức tạp và khó khăn về sau" (ngày 25.3.1975). Đại tướng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về hiện trạng biển đảo để có ngay kế hoạch giải phóng.

Tuy nhiên, với lực lượng Hải quân của ta còn nhỏ bé, Đại tướng chỉ đạo: “Cần phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Ngày 2.4.1975, Đại tướng trực tiếp chỉ đạo đồng chí Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu V và Bộ Tư lệnh Hải quân phải tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Đại tướng cũng lưu ý, hải quân ngụy được trang bị các loại tàu lớn, vùng biển lại có tàu của Hạm đội 7 Mỹ và hải quân một số nước khác đang hoạt động nên nghệ thuật tác chiến phải kiên quyết, táo bạo; mưu trí, sáng tạo, bất ngờ và thời cơ. Đại tướng chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu: Điều ngay Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân vào Đà Nẵng, vừa tiến công căn cứ hải quân của địch vừa sẵn sàng chiến đấu giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông. Trong mệnh lệnh số 990B/TK gửi đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân, Chính ủy và Tư lệnh Quân khu V lúc 17 giờ 30 ngày 4.4.1975, Đại tướng nhấn mạnh: "Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không hành động sớm sẽ bị nước khác đánh chiếm". Cùng thời điểm này, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái cũng nhận được một mệnh lệnh của Đại tướng yêu cầu tổ chức lực lượng, thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, sớm giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nước ngoài đánh chiếm trước.

Khi mệnh lệnh được thi hành, các lực lượng của Quân khu V và Hải quân được tổ chức, đồng chí Mai Năng, Đoàn 126 đặc công là Chỉ huy trưởng. Các tàu HQ673, HQ 674 và HQ 675 được ngụy trang làm tàu đánh cá xuất phát, dùng đặc công bí mật tiếp cận, nhanh chóng đổ bộ, bất ngờ đánh chiếm các mục tiêu. Đúng 4 giờ 30 ngày 14.4.1975, quân ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Sau đó đến các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa... Đại tướng đã ký điện: "Nhiệt liệt biểu dương các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Sau này, nhiều tướng lĩnh và học giả nhận xét: Nếu không có tầm nhìn xa, trông rộng của vị tướng thiên tài về sớm giải phóng các đảo, quần đảo trên Biển Đông thì không những đảo và quần đảo sẽ bị nước ngoài cướp mất, mà còn làm cho Chiến thắng 30.4 không được trọn vẹn.

Mở đường làm kinh tế biển

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, với cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở việc mở đường ra biển làm kinh tế biển, đặc biệt kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Người đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm thành lập đơn vị hành chính 2 huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 2.8.1977, tại Hội nghị về biển lần thứ I tại Nha Trang (Khánh Hòa), Đại tướng đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Trong tầm nhìn sâu rộng của Người, phát triển kinh tế biển không chỉ bằng ngành ngư nghiệp đánh bắt cá, mà còn phải nuôi thủy hải sản, trồng trọt thực vật biển với những loài có giá trị kinh tế cao; làm nông nghiệp dưới nước và nông nghiệp ven biển có giá trị hàng hóa cao; phải tích cực trồng rừng ven biển, phủ kín các đồi núi trọc và bãi cát ven biển để chắn gió, chắn cát, nếu không các vị trí bàn đạp ven biển để tiến ra ngoài biển đảo sẽ khó khăn.

Ngay từ lúc đó, Đại tướng đã đặt câu hỏi cho các nhà quản lý, nhà khoa học: "Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch thủy triều của nước ta chứa đựng một tiềm lực quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không?". Đại tướng yêu cầu ngành sinh học biển phải đi sâu, thúc đẩy phương hướng phát triển kinh tế biển, kết luận xem vùng nào nuôi được loại cá nào là thích hợp nhất...

Trong bài phát biểu ngày 2.8.1977, Đại tướng đã sớm nghĩ đến cơ cấu một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân bên cạnh kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Đại tướng cũng đã đề xuất cơ cấu: Nhà nước lập kế hoạch phát triển từng vùng. Nhà khoa học giúp đỡ địa phương ứng dụng khoa học-kỹ thuật để thực hành sản xuất, kinh doanh hợp lý. Theo Đại tướng, kinh tế biển phải từ đất liền mà phát triển ra biển và các hải đảo. Đưa dân ra làm kinh tế biển đảo, vừa cải thiện đời sống của dân, vừa có lực lượng thực hiện quốc phòng toàn dân trên biển, bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.

Bài phát biểu của Đại tướng ở Hội nghị về biển lần thứ I thực sự trí tuệ và tâm huyết, là kế sách của một nhà chiến lược lớn. Ở Hội nghị về biển lần thứ II (năm 1981) và lần thứ III (năm 1985), Đại tướng chỉ ra hướng đi sâu, xác định các phương hướng trọng điểm của một chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo. Đại tướng lưu ý với vị trí thuận lợi trên đường hàng hải quốc tế của nước ta, cần sớm phát triển dịch vụ tàu biển để lấy ngoại tệ. Người khẳng định muốn khai thác biển đảo một cách có hiệu quả, trước hết cần quan tâm coi trọng, phát triển con người; năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng pháp lệnh quy định rõ nguyên tắc và chế độ khai thác biển; đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay có những mặt được tiếp thu, nhưng vẫn còn đó nhiều ý tưởng chưa được hiện thực hoặc thực hiện chậm...

LÊ QUÝ HOÀNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-chien-luoc-ve-bien-dong-178499