Đại tá Nguyễn Thành Long: 'Đừng để cháy rồi mới tăng cường rà soát kiểm tra'
Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy thương tâm với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh... Trong bối cảnh trên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), trường Đại học PCCC để có thêm những phân tích cụ thể về nội dung đang rất được quan tâm này.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng an toàn PCCC đối với các loại hình nhà ở nêu trên tại Hà Nội?
Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long: Có thể nói, trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ cháy, nổ ngày càng gia tăng. Điều này càng thể hiện rõ hơn sau hàng loạt vụ cháy nhà dân, nhà cho thuê trọ, loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ… gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ ở Hà Nội. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố Hà Nội, từ năm 2019 đến 2023, thành phố đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy lớn, nhỏ. Nguyên nhân chính của các vụ cháy này chủ yếu là do sự cố điện (chiếm khoảng 60%), sử dụng các thiết bị đun nấu không an toàn, và vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Các khu vực có nguy cơ cao nhất chính là các khu nhà trọ, loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ và các khu dân cư đông đúc, nơi mật độ xây dựng cao và hạ tầng PCCC còn nhiều hạn chế. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy. Hậu quả của những vụ cháy, nổ này rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế mà còn gây mất mát lớn về tính mạng con người.
Mới gần đây nhất, là vụ cháy nhà trọ thương tâm ở ngõ 119 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 24/5/2024 đã khiến 14 người tử vong và 6 người bị thương. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ cháy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi vi phạm quy định về PCCC. Từ đó cho thấy, thực trạng an toàn PCCC tại các khu loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn thành phố hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề đáng lo ngại.
PV: Thưa Đại tá, vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại các khu loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn thành phố hiện nay?
Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long: Việc tăng dân số cơ học quá nhanh trong khi chưa có một quy hoạch tốt và pháp lý hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến nhiều khu nhà như: nhà trọ, loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ... mọc lên như “nấm sau mưa” để đáp ứng nhu cầu phân khúc khách hàng bình dân, thu nhập thấp. Qua rà soát theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, Thành phố Hà Nội hiện có có 1.429 nhà chung cư; 398 loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ; 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, nhiều cơ sở không tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định về PCCC, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại.
Đất chật người đông, các khu loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, khu trọ bình dân hầu hết nằm sâu trong các ngõ ngách, xa nguồn nước chữa cháy. Thực tế, có tới gần 70% số vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ điện… Ngoài ra, do lo ngại về tình trạng trộm cắp nên các chủ nhà thường yêu cầu xây kín đáo ban công bằng khung sắt kiên cố (chuồng cọp) nên khi xảy ra sự cố, không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng.
Chưa kể đến ý thức về công tác PCCC của người dân còn chưa cao. Hầu hết các hộ gia đình không tự trang bị các phương tiện PCCC&CNCH ban đầu như: Bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, CNCH cũng như kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ (kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH).
Đây là một bài toán khó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản tại Thủ đô của các cơ quan chức năng.
PV: Dưới góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan, lực lượng chức năng cần có những giải pháp gì để hạn chế những nguy cơ cháy, nổ xảy ra các khu nhà loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà trọ trong thời gian tới?
Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long: Thực tế cho thấy, các nguy cơ xảy ra cháy, nổ thì luôn tiềm ẩn, hiện hữu và có thể xảy ra bất kì lúc nào, nhưng mỗi khi xảy ra vụ việc thì các cấp chính quyền mới cho tăng cường rà soát, kiểm tra. Vì vậy, theo tôi cần có những giải pháp quyết liệt, thường xuyên để thực hiện các quy định về PCCC. Đầu tiên là các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra thực trạng các loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh để có những xử lý và khắc phục trong những trường hợp chưa đảm bảo được an toàn PCCC, đồng thời đưa ra phương án, giải pháp hiệu quả trong những tình huống không may xảy ra cháy, nổ, đặc biệt đối với những nhà ở trong ngõ nhỏ, ở xa nguồn nước. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm nhằm năng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Và khi những tình huống cháy, nổ xảy ra phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ hai là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, của các cấp ủy chính quyền để giảm thiểu nguy cơ cháy. Các buổi tập huấn và diễn tập phòng chống cháy, nổ cần được tổ chức thường xuyên tại các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ quan công sở. Đồng thời tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” để người dân chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trước các nguy cơ cháy, nổ.
Là lực lượng chủ công trong công tác PCCC, các cấp chính quyền cần tiếp tục trang bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH những phương tiện hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trong tình hình mới như: Hệ thống giám sát cháy tự động và các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý và điều phối công tác chữa cháy hiệu quả hơn...
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác PCCC&CNCH. Hiện tại, Dự thảo Luật PCCC&CNCH đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 7 – Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật PCCC&CNCH lần này dự kiến sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trong tình hình mới.
Trong khi chờ Nhà nước điều chỉnh các chính sách thì các chủ đầu tư loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, các chủ nhà trọ... cần chủ động nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH; lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy... Đặc biệt, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức căn bản về PCCC, hiểu rõ địa hình nơi mình đang sinh sống, cách sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ, kỹ năng thoát hiểm… để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình.
Thực tế, chính yếu tố “bất cẩn” hay nói đúng hơn là các hành vi vi phạm an toàn PCCC, sự thiếu quan tâm của các bên liên quan trong đó có sự thờ ơ của chính các cư dân đã tạo điều kiện cho “hỏa tặc” lộng hành. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình tâm thế chủ động để ứng phó với các nguy cơ cháy, nổ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!