Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX-năm 2022: Khẳng định sức mạnh, tầm vóc mới của thể thao Việt Nam
Với sự tham dự của khoảng 17.000 người, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX-năm 2022 (sau đây viết tắt là Đại hội) diễn ra từ ngày 9 đến 21-12 có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Với khẩu hiệu “Vì một Việt Nam cường thịnh”, Đại hội nhằm đánh giá, tuyển chọn những vận động viên (VĐV) xuất sắc; đồng thời đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần dựng xây đất nước.
“World Cup” của ngành thể thao
Ngắm nhìn ngọn đuốc Đại hội được thắp sáng trong lễ khai mạc diễn ra tối 9-12, tại Quảng Ninh, trọng tài quốc tế môn khiêu vũ thể thao Nguyễn Chí Anh không giấu được xúc động. Từng 7 lần tham dự trong vai trò VĐV và trọng tài, song đối với Chí Anh mỗi kỳ đại hội lại mang đến ý nghĩa và cảm xúc riêng. Anh tâm sự: “Chúng tôi hay bông đùa, đại hội không khác gì “World Cup” của ngành thể thao. 4 năm mới diễn ra một lần, những người gắn bó với thể thao đều mong ngóng tham dự để thể hiện tài năng, đam mê. Việc quy mô, chất lượng của đại hội được nâng tầm càng khẳng định giá trị, tầm vóc mới của thể thao Việt Nam (TTVN)”.
Vượt quãng đường gần 1.000km, ông Phan Anh, Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tham dự đại hội với sự háo hức. Mặc dù môn điền kinh diễn ra ở Hà Nội, song ông Phan Anh chủ động xuống Quảng Ninh dự lễ khai mạc. Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phan Anh bày tỏ: “Lễ khai mạc Đại hội diễn ra hoành tráng, đậm sắc màu văn hóa-thể thao đã vượt xa sự chờ đợi của tôi. Với những người gắn bó với thể thao, ai cũng muốn được tận hưởng bầu không khí đại hội ít nhất một lần trong đời”.
Với những VĐV, đại hội không chỉ là dịp thể hiện tài năng mang vinh quang về cho đơn vị mình mà còn là cơ hội để trui rèn ngọn lửa đam mê, nuôi dưỡng khát khao chinh phục những đỉnh cao mới. Dù đã sở hữu nhiều danh hiệu trong sự nghiệp, nhưng VĐV Bùi Thị Ngà, đội trưởng đội bóng chuyền nữ Quân đội tham dự Đại hội đang hướng tới mục tiêu giành huy chương vàng. Trước ngày Đại hội khởi tranh, Bùi Thị Ngà và đồng đội đã tích cực thi đấu giao hữu với một số câu lạc bộ hàng đầu, tập luyện cùng các đồng nghiệp nam để làm quen với những pha bóng mạnh và khó. Bùi Thị Ngà cho hay: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình trong từng pha bóng, từng trận đấu để không làm phụ lòng người hâm mộ”.
Để có gần 10.000 VĐV đến từ 65 đơn vị tranh tài tại đại hội lần này, thời gian qua, các địa phương, ngành đã tổ chức đại hội thể dục thể thao (TDTT) các cấp nhằm tuyển chọn những VĐV xuất sắc. Bởi vậy, những VĐV tham dự Đại hội là những tinh anh của ngành thể thao địa phương, đại diện cho mỗi đơn vị khoe tài tại sân chơi lớn nhất toàn quốc. Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó trưởng ban tổ chức đại hội khẳng định: “Đại hội được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu của các ngành thể thao địa phương, đồng thời tuyển chọn những VĐV xuất sắc vào các đội tuyển quốc gia đi thi đấu quốc tế. Trong năm 2023, nhiệm vụ quan trọng của TTVN là thi đấu tốt tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 và Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19”.
Thổi bùng ngọn lửa chiến thắng
Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố đang phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, việc tổ chức một kỳ Đại hội với quy mô lớn đặt ra nhiều khó khăn về công tác chuyên môn, kỹ thuật, kinh phí... Với kinh nghiệm từng đăng cai nhiều sự kiện văn hóa-thể thao lớn có quy mô quốc tế, đặc biệt là tổ chức thành công 7 môn thi đấu tại SEA Games 31, tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo cho Đại hội. Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động những nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Được lựa chọn là nơi đăng cai chính và diễn ra lễ khai mạc, bế mạc Đại hội là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh”.
Bên cạnh những khó khăn, việc Đại hội diễn ra sau khi Việt Nam tổ chức và thi đấu thành công SEA Games 31 cũng mang đến nhiều thuận lợi từ cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu, đến cơ sở lưu trú... đều đồng bộ, khang trang. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng Tiểu ban chuyên môn Đại hội bày tỏ: “Tất cả trang thiết bị tốt nhất đã phục vụ SEA Games 31 sẽ dùng để tổ chức Đại hội. Ngoài ra, 100% trọng tài, giám sát tham gia điều hành tại Đại hội đều là người Việt Nam. Quan điểm của ngành TTVN là sử dụng những gì tốt nhất để tổ chức Đại hội với tinh thần “công bằng, khách quan, vô tư”.
Sau thành công của SEA Games 31, Đại hội chính là dịp để đánh giá toàn diện phong trào TDTT trên cả nước, đồng thời thổi bùng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết đối với những người công tác trong lĩnh vực TDTT. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội bày tỏ: “Đại hội không chỉ là sự kiện quan trọng, nơi gửi gắm những tình cảm lớn lao, sự quan tâm, tin tưởng, kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với tương lai, sự phát triển của phong trào TDTT mà còn là nơi để các VĐV cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa khát khao, niềm tin chiến thắng nhằm xác lập những kỷ lục mới của thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ tổ chức các sự kiện thể thao của các địa phương đăng cai các bộ môn thi đấu”.
Trong không khí hân hoan của nhân dân, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố khai mạc Đại hội. Khẩu hiệu: “Rèn luyện thân thể-Bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể-Kiến thiết đất nước. Rèn luyện thân thể-Khỏe, khỏe, khỏe!" vang vọng tại Quảng trường Sun Carnival Hạ Long, báo hiệu một mùa Đại hội hấp dẫn, quyết liệt và chất lượng bắt đầu.
Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 diễn ra 43 môn thi đấu, bao gồm 942 nội dung tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành phố lân cận. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 21 môn thi đấu. Đây cũng là kỳ đại hội đầu tiên có bài hát chính thức, với tên gọi “Cùng khắc tên mình vào núi sông”.