Đãi cát tìm nhân tố mới!

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 14 do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh tổ chức vừa khép lại với giải Chuông vàng thuộc về thí sinh Quách Thị Diễm Ngọc.

Chuông vàng Quách Thị Diễm Ngọc và bạn diễn trong trích đoạn Ngưu Lang Chức Nữ. Ảnh: Q.Định

Chuông vàng Quách Thị Diễm Ngọc và bạn diễn trong trích đoạn Ngưu Lang Chức Nữ. Ảnh: Q.Định

* Sự bứt phá bất ngờ

Trước thềm chung kết xếp hạng giải Chuông vàng vọng cổ 2019, mọi sự chú ý đổ dồn về Lê Hồng Trang, thí sinh đến từ Kiên Giang. Với giọng ca tương đối có nét riêng, mang màu u uẩn và gương mặt khả ái rất phù hợp làm đào thương, Trang liên tiếp giành số điểm cao trong các đêm thi trước đó. Tuy nhiên, hạn chế của Trang là thiếu kinh nghiệm diễn xuất nên ngay đêm thi quyết định giành Chuông vàng, cô chưa gây được ấn tượng bởi sự vụng về trong diễn xuất của mình.

Với giải Chuông vàng, Quách Thị Diễm Ngọc nhận được số tiền thưởng trị giá 100 triệu đồng. Chuông bạc thuộc về thí sinh Lê Hồng Trang, thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Tiên giành giải ba. Hai giải tư thuộc về thí sinh Phạm Huyền Trâm và Trần Thị Bích Ngọc. Huyền Trâm còn đoạt luôn giải do Hội đồng báo chí bình chọn vì khả năng thể hiện đa dạng của cô trong cuộc thi, từ màu hài tới màu bi.

Giám khảo Hoa Hạ nhận xét, cô diễn xuất dễ thương, xúc động nhưng vẫn còn “một màu”. Giám khảo còn nhắc cô chú ý phát âm một số chữ chưa chính xác, vào trích đoạn ca ngợi những nghĩa sĩ trong phong trào chống Tây nhưng mang giày… cao gót chưa phù hợp nhân vật thời đó.

Trong khi đó, ở những vòng thi trước Diễm Ngọc không phải là thí sinh sáng giá, thậm chí có vòng cô còn nhận số điểm thấp nhất. Tuy nhiên, trong đêm thi chung kết xếp hạng, huấn luyện viên Quế Trân đã chọn cho cô một trích đoạn rất phù hợp Ngưu Lang Chức Nữ (tác giả: Hoàng Thành). Cùng sự hỗ trợ đắc lực của Chuông vàng Võ Minh Lâm, cả hai đã tạo nên một cặp đào kép được đánh giá rất xứng đôi. Trích đoạn đã khai thác, tạo điều kiện cho Diễm Ngọc phô diễn được chất giọng ngọt, khoe được cách ca vọng cổ hơi dài.

Với lợi thế có kha khá kinh nghiệm diễn xuất nên trong nhân vật Chức Nữ, Diễm Ngọc ca diễn tốt và thể hiện được nội tâm nhân vật hợp lý trong từng phân đoạn: cảnh vui vẻ, lãng mạn trong mối tình với Ngưu Lang, cảnh chia xa khi bị Vương mẫu bắt về trời và cảnh tái hợp nơi cầu ô thước. Phần bốc thăm bài ca cổ, Diễm Ngọc đã hát 3 câu trong bài ca cổ Về Huế chiều xuân (tác giả: Lâm Viên) khá bản lĩnh, có những đoạn cô hát mang âm hưởng tiếng Huế khiến bài ca thú vị, truyền cảm, dễ đi vào lòng người. Kết quả, cô đã thuyết phục hội đồng nghệ thuật và đoạt số điểm cao nhất 99,52 giành Chuông vàng vọng cổ 2019.

* Thiếu nhân tố mới

Diễm Ngọc đã giành Chuông vàng bằng sự bứt phá của mình. Thế nhưng với những khán giả yêu cải lương, cô không phải là gương mặt xa lạ. Với nghệ danh Phương Cẩm Ngọc, cô đã từng “chinh chiến” các cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ, rồi Sao nối ngôi. Có thể nói, nếu như những năm trước, Nguyễn Văn Khởi, Lâm Thị Kim Cương… được xem là những nhân tố mới, triển vọng gây được chú ý với giọng ca vượt trội thì năm nay có vẻ “giảm nhiệt” hơn bởi xét cho cùng không có giọng ca nào xuất sắc. Các thí sinh sàn sàn nhau và cảm giác ai giành giải Chuông vàng cũng dường như thiếu thiếu chút gì đó.

Tình hình này cũng phản ánh thực trạng ngày càng thiếu những giọng ca trẻ, có tố chất. Có người bi quan cho rằng, có những mùa thi phải rơi vào cảnh “vét” thí sinh. Và với cuộc thi đã tạo được thương hiệu như Chuông vàng vọng cổ, thí sinh không đơn thuần là có một giọng ca trời phú mà trong chừng mực nào đó còn phải có trình độ, kỹ thuật ca, nhịp nhàng chắc.

Có cùng một số đài truyền hình đến các địa phương tuyển giọng ca tại chỗ mới thấy khó khăn trong việc tìm kiếm, “đãi cát” chọn nhân tài. Nguồn cung cấp chủ yếu là các câu lạc bộ đờn ca tài tử địa phương.Thế nhưng, cũng khó có được những nhân tố mới, có khả năng và trẻ. Vì thường có giọng ca, chút sắc vóc, các bạn chọn đi theo nhạc trẻ, nhạc thị trường dễ nổi tiếng và kiếm tiền hơn là lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, lao động nghệ thuật vất vả mà thiếu sàn diễn, không có tương lai.

Chính vì sự khó khăn trong việc tìm nhân tố mới, trẻ nên không ít người làm nghề đã đề nghị Chuông vàng nên được tổ chức 2 năm/lần để các thí sinh có thêm thời gian rèn luyện, trưởng thành đem đến cho khán giả những đêm thi hấp dẫn bằng chính nội lực của mình.

Trí Trọng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201910/chuong-vang-vong-co-dai-cat-tim-nhan-to-moi-2966605/