Đại biểu nhiều lần dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp trí lực trong kỷ nguyên mới
Thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, đa quốc gia; mạng lưới nghiên cứu người Việt mạnh mẽ hơn; chia sẻ nghiên cứu công nghệ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo; áp dụng AI vào khối kinh tế tư nhân… là nội dung được những đại biểu mang đến Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới” được tổ chức từ ngày 19 - 21/7 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có hơn 200 trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện, ghi nhận chia sẻ của một số đại biểu chính thức Diễn đàn năm nay, từng tham dự những lần trước.

PGS.TS Đinh Ngọc Thạnh: Phổ cập kỹ năng mới, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành
PGS.TS Đinh Ngọc Thạnh - Phó Chủ tịch Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Giám đốc Công nghệ GFI Group (Australia) là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ 5G, 6G, Blockchain, AI, IoT. Anh quan tâm việc ứng dụng những công nghệ này vào đời sống giáo dục. Năm 2025 là lần thứ 3 anh tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.
Diễn đàn đã giúp tôi đã có kết nối sâu rộng với nhiều trí thức trẻ Việt Nam trên thế giới. Từ đó, tôi phối hợp, hỗ trợ nhiều trí thức trẻ tài năng và có tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc, để có thể hình thành những dự án hợp tác trong nghiên cứu cũng như mang lại tác động xã hội lớn hơn.
Ví dụ, tôi tham gia cùng Tiến sĩ Trần Quốc Thiện phát triển nhóm PhD.Hub với 80.000 thành viên, cùng với các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài, đã hỗ trợ rất nhiều các bạn sinh viên trong nước xin học bổng ở nước ngoài. Tôi cũng cùng với Tiến sĩ Lê Duy Tân và hơn 10 trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đã và đang làm việc ở các viện, trường, và tập đoàn hàng đầu thế giới (MIT, Cambridge, Penn, Monash, NUS, SNU, Google, Microsoft, Uber,VNU-HCM, SHB, Momo,...) xây dựng nền tảng và chương trình Bình Dân Học AI - Phổ Cập AI, mục tiêu phổ cập kỹ năng AI cho hàng triệu thanh niên Việt Nam.

PGS.TS Đinh Ngọc Thạnh. Ảnh: NVCC
Chủ đề Diễn đàn năm nay tạo cơ hội cho trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức trực tiếp vào thực hiện hóa các nghị quyết tứ trụ xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi phân tích kỹ từng điểm trong nghị quyết, đồng thời tìm hiểu, học hỏi từ các nước mà trí thức trẻ đang sống và học tập, cải tiến phù hợp với thực trạng ở Việt Nam, từ đó đưa ra những giải pháp, sản phẩm giúp giúp phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn, tôi sẽ phụ trách, điều phối nhóm nội dung 1: AI và các công nghệ mới giúp tăng năng suất lao động. Chủ đề này được đưa ra vào giai đoạn AI và các công nghệ mới đang chi phối và thay đổi cấu trúc thị trường lao động toàn cầu. Việc cập nhật kỹ năng mới cho cá nhân, tổ chức; việc phát triển ứng dụng và hệ sinh thái cho các doanh nghiệp; và việc định hướng nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng số cho quốc gia, đang là vấn đề then chốt để phát triển và thực hiện nghị quyết 57 của chính phủ. Trí thức trẻ lại là lực lượng có nhiều lợi thế trong việc cập nhật công nghệ tiên tiến ở các nước. Điều này giúp chúng tôi tham gia góp sức được ở nhiều điểm cùng Đảng và Chính phủ.
Các phiên làm việc với những đơn vị đặt hàng, như: Hiệp Hội dữ liệu quốc gia, Sacombank, Vingroup; cùng chia sẻ của đại biểu, sẽ giúp hình thành các giải pháp, đề xuất và sản phẩm cụ thể đóng góp vào mục tiêu chung của Diễn đàn.
Tôi kì vọng sẽ cùng đại biểu trí thức trẻ thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành, đa quốc gia để thúc đẩy mạng lưới nghiên cứu người Việt mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó, chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều bạn trong nước xin học bổng học sau đại học; phát triển nhiều chương trình nghiên cứu.
Đồng thời, thực hiện những chương trình có tác động xã hội lớn hơn nữa để góp sức vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn quan trọng hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Duy Tâm: Công nghệ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo
PGS.TS Nguyễn Duy Tâm hiện là ARC (Australian Research Council) Fellow tại Trường Hóa học, Đại học Monash, Australia. Các nghiên cứu của anh tập trung vào các vật liệu và công nghệ hỗ trợ chuyển đổi và lưu trữ năng lượng tái tạo - đặc biệt là pin lưu trữ, sản xuất hydro xanh và vật liệu thông minh để tiết kiệm năng lượng.
Năm 2025 là lần thứ 4 anh tham gia Diễn đàn.
Việc tham dự các Diễn đàn lần trước và từng là thành viên Ban điều hành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc kết nối với các cơ quan, đơn vị và nhà khoa học ở trong nước.
Thông qua Diễn đàn, các hướng nghiên cứu của tôi được biết đến nhiều hơn và tôi cũng đã thiết lập được một số dự án hợp tác ở trong nước. Điều này không chỉ giúp tôi có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp nghiên cứu tại Australia, mà còn thực hiện được mong muốn góp phần nâng cao năng lực khoa học, công nghệ ở trong nước.

PGS.TS Nguyễn Duy Tâm. Ảnh: NVCC
Với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Diễn đàn năm nay thể hiện sự cộng hưởng rất lớn với các mục tiêu mang tính thời cuộc của đất nước và đồng thời thể hiện rõ nét tính thời sự. Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm đất nước đã đạt nhiều thành tựu lớn lao trong việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế sau hơn 40 năm đổi mới và đứng trước cơ hội, kỷ nguyên vươn mình; là thời điểm thế giới có nhiều biến động, thách thức về xung đột vũ trang, thương chiến toàn cầu và các thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh.
Cả 4 nội dung trọng tâm của Diễn đàn năm nay đều rất thú vị và đáng quan tâm. Tôi dành sự quan tâm nhiều nhất vào nội dung: Thích ứng với biến đổi toàn cầu, trong đó tập trung vào các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, an ninh năng lượng và hạ tầng thông minh. Đây là nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nghiên cứu của tôi, là nơi tôi có thể kết nối, chia sẻ và hi vọng đóng góp được những kinh nghiệm, đề xuất hữu ích nhất.
Trong khuôn khổ các nội dung của Diễn đàn năm nay, tôi tiếp tục chia sẻ, cập nhật những kiến thức về các công nghệ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo. Trong đó, tập trung vào hai hướng nghiên cứu mà tôi đang thực hiện tại Đại học Monash là pin lưu trữ quy mô lớn và sản xuất hydro xanh. Đây là hai lĩnh vực đã được đưa vào trong dự thảo quy hoạch Điện 8 và cũng nằm trong các lĩnh vực thuộc chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Nghị quyết 57.
Tôi kì vọng Diễn đàn sẽ tiếp tục phát huy được tinh thần lan tỏa, kết nối và thu hút sự quan tâm của các trí thức người Việt đang công tác ở nước ngoài hướng sự quan tâm về đất nước. Đặc biệt hi vọng Diễn đàn sẽ tổng kết được những kiến nghị, đề xuất mang tính thực tiễn hơn, đột phá hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Thạc sĩ, CEO Chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến: Áp dụng AI trong kinh tế tư nhân
Năm 2025 là lần thứ 5 tôi là đại biểu Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Điều này không chỉ giúp tôi mở rộng mạng lưới hợp tác với các chuyên gia, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, mà còn là nền tảng vững chắc cho mọi sáng kiến đổi mới và ứng dụng AI trong tương lai.
Chủ đề Diễn đàn năm nay không chỉ kêu gọi sự đồng hành của đội ngũ trí thức trẻ trong và ngoài nước, còn định hướng rõ ràng cho hành trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Đặc biệt, chủ đề này còn nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ trẻ không chỉ dừng ở việc nghiên cứu hay khởi nghiệp, mà còn phải kiến tạo những giải pháp cụ thể, ứng dụng ngay vào đời sống và chính sách quốc gia.
Khi trí thức trẻ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – cơ quan quản lý, chúng ta sẽ tạo thành một mạng lưới sức mạnh đủ lớn để thúc đẩy kinh tế tri thức, hướng tới các mục tiêu xanh, số hóa và công bằng xã hội. Chính tinh thần hành động đó sẽ biến “kỷ nguyên mới” từ khẩu hiệu thành hiện thực.
Đến với Diễn đàn năm nay, tôi đặc biệt quan tâm nội dung: Ứng dụng AI và công nghệ mới nâng cao năng suất lao động”. Đây chính là mạch máu thúc đẩy toàn bộ quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức.
Là một người đang trực tiếp xây dựng nền tảng chatbot và giải pháp tự động hóa giao tiếp cho hàng chục ngàn doanh nghiệp, tôi đã chứng kiến rõ ràng cách công nghệ AI làm thay đổi căn bản cách thức vận hành – từ tối ưu quy trình bán hàng, chăm sóc khách hàng đến phân tích dữ liệu thị trường theo thời gian thực.
Vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc biến những ý tưởng khoa học thành giải pháp thực tiễn, giúp doanh nghiệp và tổ chức vận hành linh hoạt hơn, tăng năng suất lao động và giải phóng sức sáng tạo để hướng đến những ngành, mô hình mới, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

CEO Chatbot Việt Nam Lê Anh Tiến. Ảnh: NVCC
Thông qua Diễn đàn, tôi mong muốn được chia sẻ, trao đổi về thực trạng áp dụng AI trong kinh tế tư nhân, những bài học rút ra và kiến nghị cụ thể để hiện thực hóa Nghị quyết số 57 về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu tích hợp AI vào quy trình sản xuất – kinh doanh, từ tự động hóa chăm sóc khách hàng đến tối ưu chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn chưa đồng đều và chủ yếu dừng ở giai đoạn thí điểm. Nguyên nhân chính nằm ở ba điểm nghẽn: nguồn nhân lực AI – dữ liệu thiếu hụt, chế tài về tài chính và thủ tục còn cồng kềnh, cùng hạ tầng số và dữ liệu mở chưa đồng bộ, khiến nhiều dự án chưa thể triển khai quy mô lớn.
Tôi kiến nghị, cải cách cơ chế tài chính, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoản đầu tư trực tiếp vào R&D AI; thành lập quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ưu tiên dự án làm chủ công nghệ cốt lõi. Phát triển nguồn nhân lực chiến lược; thiết lập cổng dữ liệu mở cho các lĩnh vực chủ chốt (y tế, nông nghiệp, tài chính), đồng thời ưu tiên đầu tư trung tâm tính toán GPU–TPU quy mô quốc gia. Bên cạnh đó, Luật Khoa học công nghệ cần sớm ban hành, trong đó, làm rõ cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho giải pháp AI; áp dụng cơ chế “một cửa” cấp phép thí điểm công nghệ mới, rút ngắn thời gian phê duyệt...
Tôi kỳ vọng, Diễn đàn sẽ đề xuất chính sách mang tính thực thi cao; tăng cường hợp tác đa bên và chuyển giao công nghệ, có những hợp đồng nghiên cứu – chuyển giao công nghệ được ký kết trong thời gian diễn ra. Hình thành các nhóm công tác chuyên sâu theo từng ngành (y tế, nông nghiệp, tài chính, giáo dục) giúp chuyển sức nóng của diễn đàn thành năng lượng hành động bền vững, tạo động lực để các đề xuất không dừng ở bàn thảo luận mà thành hiện thực.