Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại

Hội thảo với gần 90 bài tham luận tập trung thảo luận các vấn đề về lý luận, làm rõ khái niệm, nội hàm của hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại.

Ngày 11/12, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (VHNT) tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại” tại trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh.

Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại”

Đến dự hội thảo có ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; GS.TSKH Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về phía địa phương có ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của Bắc Ninh; ông Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh…cùng gần 120 các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước.

PGTS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương và PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam đóng vai trò quan trọng

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh vai trò nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia nói chung, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và tương lai đất nước. Như Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam.

PGTS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc

Vì vậy, nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay có ý nghĩa không chỉ với đời sống văn học, nghệ thuật mà còn trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Với vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này, trong các kỳ Đại hội Đảng gần đây và trong các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ cần tập trung xây dựng cho được hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hàng đầu để xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh phát biểu chào mừng Hôi thảo.

Thực tiễn cho thấy, đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam đã và đang có những bước vận động nhanh chóng, phong phú, đa dạng và có phần bề bộn với nhiều vấn đề mới. Sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan niệm giá trị ở hầu hết các khâu đã và đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo, khả năng và chiều hướng vận động của đời sống văn nghệ dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, từ đó chủ động định hướng cho sự phát triển.

Hội thảo với gần 90 bài tham luận tập trung thảo luận các vấn đề về lý luận, làm rõ khái niệm, nội hàm của hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn các lĩnh vực khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo đó là: Xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị văn học nghệ thuật và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thụat Việt Nam dân tộc và hiện đại; nhận diện, đánh giá giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam trên các phương diện cơ bản; đề xuất phương hướng, mục tiêu và các kiến nghị giải pháp.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đây là vấn đề mới, khó, đòi hỏi cần có cái nhìn hệ thống, sâu sắc và toàn diện, xuất phát từ các cấp độ, bình diện phong phú, đặc thù của văn học, nghệ thuật. Hội thảo cần làm rõ các yêu cầu về lý luận đối với việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá thực trạng, định hướng giải pháp cho quá trình vận động, phát triển các giá trị chủ yếu của đời sống văn học, nghệ thuật thời gian tới.

Đề xuất phương án xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá, lý giải, chỉ ra những vấn đề cơ bản, như: “Các giá trị truyền thống đang biến đổi như thế nào?”, Sự xuất hiện, tiềm năng và những vấn đề cần lưu ý đối với các giá trị mới? Có hay không tình trạng thiếu chuẩn mực, thậm chí hỗn loạn giá trị trong đời sống văn nghệ?... Khi đánh giá thực trạng, cũng cần chỉ rõ đâu là những vận động, biến đổi hợp quy luật, mang tính bản chất; những giá trị mới, đang định hình và cần ghi nhận, đánh giá công bằng, khách quan, chính xác; đâu là những giá trị ảo, những biểu hiện lệch lạc, phản giá trị cần phải điều chỉnh,…

GS Hà Minh Đức phát biểu tại Hội thảo

Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh vấn đề con người và dân tộc trong góc hệ giá trị văn chương. Ông cho rằng: “Văn nghệ đối diện với con người hôm nay phải thể hiện được những phẩm chất mới và phê phán những hiện tượng tiêu cực. Phương châm chân – thiện – mỹ vẫn có giá trị nhưng phải nhận thức những đổi thay. Thế nào là chân – thiện – mỹ trong tình hình hôm nay. Cái gốc là phải đề cao tôn vinh cái đẹp, cái hay của con người mới. Cái gốc là chủ nghĩa nhân đạo, góp phần thúc đẩy cho cuộc sống phát triển và con người tốt đẹp”.

PGS.TS Phạm Thành Hưng cũng khẳng định: Hệ giá trị cơ bản nhất của VHNT, có tính truyền thống, quen thuộc lâu nay là ba giá trị chân – thiện – mỹ mà Platon, nhà triết học duy tâm cổ đại đã phát hiện và được kế thừa và vận dung cho tới hôm nay… Nhưng, hệ giá trị truyền thống nói trên không phải là hệ thống giá trị duy nhất. Trong hoạt động đánh giá, phê bình, nghiên cứu nghệ thuật có thể nhận ra nhiều giá trị khác, hệ giá trị khác, tùy thuộc vào góc nhìn và phương pháp tiếp cận. “Tôi cho rằng không có sự khủng hoảng hệ giá trị nghệ thuật đương đại. Sự vận động, biến đổi, đổi mới về quan niệm nghệ thuật, cũng như hệ giá trị nói chung là quy luật tất yếu của đời sống văn hóa. Vì xét cho cùng, nói như R.Herman Lotze: Giá trị là những ẩn dụ dẫn dắt chúng ta mà thôi”.

Trên cơ sở thống nhất quan niệm về giá trị, các đại biểu bám sát thực tiễn của từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, từng địa phương để đánh giá thực trạng vận hành của các giá trị trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

Soi chiếu dưới góc nhìn của triết học, GS Hồ Sĩ Quý cho rằng việc xây dựng hệ giá trị VHNT về thực chất là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và bản thân nghệ thuật. Hệ giá trị VHNT Việt Nam một mặt cần bao gồm trong nó những giá tị phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của VHNT Việt Nam. Nhưng, mặt khác hệ giá trị VHNT cũng không được phép lảng tránh trách nhiệm tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội hôm nay và của đời sống văn nghệ hiện nay – các giá trị ngầm định, đang âm thầm và mãnh liệt chảy trong đời sống xã hội. Vì vậy, hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay phải là “Nhân dân, Tổ quốc và tác phẩm”.

Trên cơ sở phân tích đúng và trúng thực trạng hiện nay, Hội thảo đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp trọng tâm, đồng bộ và khả thi để từng bước triển khai xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh kiến nghị, để tránh tình trạng thiếu chuẩn mực, hỗn loạn trong đánh giá các hoạt động nghệ thuật, cần xác lập hệ giá trị cho từng bộ môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Cần đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình VHNT, coi đó là lĩnh vực mũi nhọn trong hoạt động VHNT nước nhà. Nên đưa giáo dục mỹ học vào các cấp học của chương trình phổ thông và đại học bên cạnh các môn văn hóa khác…

Thay mặt Hội đồng phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Gần 90 tham luận, ý kiến phát biểu đã bám sát chủ đề hội thảo. Cách tiếp cận có thể khác nhau nhưng đều thể hiện sự suy tư trăn trở với sự phát triển VHNT nước nhà. Các tham luận đã gợi mở được nhiều vấn đề, giải pháp nhằm xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại. Các ý kiến đều thống nhất việc xây dựng xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại là cần thiết nhưng cần thận trọng, khoa học và cần tiếp tục được xây dựng trên các nền móng trước đây. Hệ giá trị VHNT Việt Nam phải là chỗ dựa đảm bảo xây dựng tác phẩm giá trị VHNT giá trị cao, hướng về đất nước, con người Việt Nam... Các ý kiến sẽ được tập hợp báo cáo Ban Bí thư và in kỷ yếu, làm tài liệu tham khảo sau này./.

Hạnh Lê - Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/xay-dung-he-gia-tri-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-dan-toc-va-hien-dai-823506.vov