Đã giảm được tình trạng đầu tư công dàn trải

Ngày 29/10/2018, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: TTXVN/VNA

Giải trình về các vấn đề liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về mặt thể chế, trước khi Luật đầu tư công được ban hành, công tác điều hành quản lý đầu tư công rất phân tán, nằm ở các văn bản dưới Luật dẫn đến hệ quả rất lớn, phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư của các dự án tùy tiện. Luật đầu tư công được ban hành đã khắc phục những tình trạng này.

Luật đầu tư công được ban hành đã giảm được tình trạng đầu tư công dàn trải. Giai đoạn 2011-2015, hơn 20.000 dự án được khởi công thực hiện. Gần 21.000 dự án trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, chúng ta giảm chỉ còn 9.620 dự án, tức là đã giảm hơn một nửa số dự án đã thực thi. Trong 9.620 dự án của giai đoạn 2016 - 2020 có hơn 8.000 dự án của giai đoạn 2011 - 2015 chuyển tiếp, chuyển qua giai đoạn này. Tất cả các dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách Trung ương chỉ có 412 dự án, chiếm không đến 4%. Việc giảm sự dàn trải về số lượng và số vốn, tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản hết 9.000 tỷ, trả nợ khoản đã ứng trước kế hoạch hơn 50.000 tỷ và tập trung vào cho hơn 8.000 dự án chuyển tiếp là khoảng gần 65% số vốn của giai đoạn này. Như vậy, trong giai đoạn này chúng ta chỉ còn khởi công mới 412 dự án với một số vốn rất hạn hẹp.

Bên cạnh đó, Luật được ban hành đã đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Phân cấp triệt để và từ trong lựa chọn dự án phân bổ vốn cho đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn nhưng tổ chức thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương và các bộ ngành. Công tác đầu tư công được quản lý chặt chẽ, hiệu quả theo tinh thần của Luật đầu tư công, trong đó áp dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch nhiều hơn.

Về vấn đề xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là bước mang tính đột phá rất lớn. Trước đây, việc xây dựng kế hoạch được thực hiện hằng năm dẫn đến tình trạng "ăn đong", “xin – cho”, vốn ít nhưng dự án nhiều, dẫn đến tình trạng dàn trải, nợ đọng, ứng trước. Hiện nay, công tác đầu tư công được xây dựng kế hoạch 5 năm cộng kết hợp hằng năm nhằm chủ động chọn lựa dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tổ chức triển khai một cách hiệu quả nhất. Việc giải ngân thực tế phụ thuộc vào cân đối ngân sách trên cơ sở thu thực tế hằng năm để có kế hoạch 5 năm giao triển khai thực hiện.

Theo quy định của Luật đầu tư công, phải có nguồn vốn mới xác định dự án. Trước đây, dự án được lập rồi mới xin vốn, bây giờ xác định vốn có bao nhiêu mới lập dự án và các bước tiếp theo là thẩm định quy trình, đưa vào kế hoạch trung hạn, quyết định chủ trương đầu tư và giao vốn hằng năm. Đó là quy trình của Luật đầu tư công để đảm bảo quản lý chặt chẽ theo tinh thần này.

Ưu điểm của kế hoạch 5 năm là khắc phục được hạn chế cắt khúc hằng năm, tăng tính khả thi của kế hoạch, tức là nhìn trước có bao nhiêu tiền để sắp xếp, tăng được tính dự báo, giảm cơ chế xin – cho. Điều này có nghĩa các bộ, ngành và địa phương sẽ biết 5 năm có bao nhiêu, hằng năm đã chi bao nhiêu, còn lại các năm bao nhiêu để chủ động cân đối. Tuy nhiên, khi kế hoạch ban hành kèm theo một danh mục, do vậy nếu muốn bổ sung danh mục mới vào trong trung hạn thì thủ tục rất khó khăn.

Về vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhu cầu đầu tư phát triển của nước ta rất lớn, nhưng khả năng của ngân sách nhà nước có hạn, đây luôn là một bài toán rất khó để cân đối và hài hòa được. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA đang giảm dần, thu hút từ xã hội còn khó khăn, trong khi nhu cầu của chúng ta rất lớn. Bên cạnh phải khắc phục hậu quả của các giai đoạn trước, giai đoạn này chúng ta cũng đang còn rất nhiều vấn đề như: Đường cao tốc, đường kết nối liên vùng tạo vùng động lực, vùng khó khăn, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các chính sách dân tộc miền núi, y tế, giáo dục, văn hóa… với rất nhiều nhu cầu và dự án nào cũng chính đáng, cấp bách, quan trọng nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp. Đây là một vấn đề không đáp ứng được giữa khả năng và nhu cầu. Trung ương và Quốc hội đều có nghị quyết yêu cầu phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, đảm bảo tỷ lệ nợ công và tỷ lệ bội chi, đảm bảo tổng mức đầu tư không vượt quá cân đối trong thu, chi ngân sách nhà nước. Trong khi đó chúng ta còn phải thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản từ trước, ứng trước của kế hoạch. Chính phủ đang kiến nghị Quốc hội xem xét cho sử dụng dự phòng để xử lý một số trường hợp trong các nhu cầu cấp bách hiện nay của các bộ, ngành địa phương. Còn lại thì một số các nhu cầu khác phải xây dựng kế hoạch ở nhiệm kỳ tiếp theo. Trên thực tế, có 21 chương trình mục tiêu nhưng chỉ mới đáp ứng được 53% tổng nhu cầu của các chương trình đã được phê duyệt cũng là một thách thức. Riêng các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng, dự án trọng điểm luôn luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện. Các dự án ODA còn thiếu phải làm các thủ tục tiếp theo thì sẽ bố trí tiếp.

Về vấn đề giao vốn chậm, thành nhiều lần và giải ngân chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này đã được giải thích và báo cáo với Quốc hội từ kỳ họp lần trước. Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn đến nay được 2 năm và đây là lần đầu tiên thực hiện, cho nên còn bỡ ngỡ và lúng túng. “Quy định của pháp luật về đầu tư công quy định khi giao vốn kế hoạch đầu tư công thì phải đủ thủ tục và phải chờ đủ thủ tục thì tỉnh nọ lại chờ tỉnh kia, bộ nọ lại chờ bộ kia nên khi mà các bộ, ngành và địa phương không làm đủ thủ tục thì Chính phủ không thể giao kế hoạch được. Vì đây là một hành vi vi phạm pháp luật. Khi không đủ thủ tục thì không thể giao kế hoạch được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Từ năm 2017, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc giao vốn ngay từ đầu năm (từ 01/01 của đầu năm) nhưng theo quy định của Luật đầu tư công, các bộ, ngành địa phương phải giao chi tiết cho các cơ quan, các chủ đầu tư, các Ban quản lý để triển khai thực hiện lại giao chậm. Có những tỉnh đến tháng 4 chưa giao kế hoạch chi tiết, điều này cũng thuộc trách nhiệm của các địa phương và các bộ, ngành, có những tỉnh đến tháng 9 chưa giải ngân. Tại sao trong cùng một mặt bằng quy phạm pháp luật như nhau mà có tỉnh giải ngân chậm, có tỉnh giải ngân nhanh, có tỉnh giao vốn chậm, có tỉnh giao vốn nhanh, việc này các địa phương cũng phải xem lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát với các địa phương, đôn đốc, thúc đẩy cũng như giám sát việc thực hiện giao vốn và giải ngân vốn ở các cấp cơ sở để công tác này ngày càng tốt hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, nhất là các địa phương và các bộ, ngành và trách nhiệm người đứng đầu, nếu không tình trạng này sẽ tái diễn trong 1,2 năm tới và rất khó khắc phục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai thông tin về tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư.

Về một số tồn tại bất cập, trong một số quy định, Chính phủ đã nhận thấy và đang trình với Quốc hội để sửa Luật này theo hướng thể chế hóa các đường lối của Đảng liên quan đến tái đầu tư công. Đồng thời, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn, đặc biệt của người đứng đầu các cấp cơ sở thực hiện dự án./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=41340&idcm=188