Cựu PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La: 'Tôi bị ép cung dẫn đến khủng hoảng tinh thần'

Trước việc lời khai tại phiên tòa bất nhất với lời khai tại Cơ quan An ninh điều tra, trả lời HĐXX chiều 17/10/2019, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) cho rằng ông bị ép cung.

Bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Theo bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc (PGĐ) Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ngày 20/7/2018, khi được Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La mời đến làm việc, ông bị giữ lại 3 ngày đêm, bị cáo cho rằng việc này khiến ông bị…"khủng hoảng tinh thần".

Ông Yến khẳng định trong một số biên bản ghi lời khai, có một số nội dung ghi “không đúng với lời khai của bị cáo”.

Sáng 23/7/2018, bị cáo khai chỉ “nhờ xem điểm” nhưng trong biên bản lấy lời khai, điều tra viên ghi là “nhờ nâng điểm”.

“Một buổi lấy lời khai khác, sau khi đọc xong biên bản hỏi cung, tôi thấy ghi không đúng nên đã đề nghị điều tra viên ghi lại cho đúng, nhưng họ không ghi lại mà yêu cầu tôi tự ghi bổ sung”, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nói.

Phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La.

Cũng theo bị cáo Yến, tại một số bản tự khai, bị cáo bị ép ghi theo tài liệu do cơ quan công an cung cấp.

Cụ thể, vào ngày 21/2/2019, trong bản tự khai ghi rõ nội dung dưới đây, Yến cho rằng mình bị ép cung do bên cơ quan điều tra cung cấp và sau này bị điều tra viên yêu cầu xóa đi, buộc bị cáo thay từ “ép” thành từ “chép”.

Trong danh sách thí sinh đưa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La) có danh sách mà ông Hoàng Tiến Đức (PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) đưa, ghi điểm số dự kiến và ông Đức nói “đó là điểm do thí sinh tự chấm”.

“Sau khi đưa danh sách cho bị cáo Nga, bị cáo cũng không quan tâm nữa. Khi đưa danh sách, bị cáo có nói nhỏ là “nhờ xem điểm cho các thí sinh của thủ trưởng”. Ngoài bị cáo Nga, bị cáo không trao đổi với bất kỳ ai, không chỉ đạo bị cáo Nga sửa điểm, nâng điểm”, ông Yến nói.

Bị cáo cho rằng, với vai trò là tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, bị cáo đã thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình. Về việc niêm phong bài thi, không có văn bản nào quy định phải niêm phong ngay bài thi sau khi chấm.

8 bị cáo phải hầu tòa trong vụ gian lận thi cử năm 2018 ở Sơn La gồm: Trần Xuân Yến (nguyên PGĐ Sở GD-ĐT Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La); Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Sơn La); Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La); Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu); Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (đều là cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La).

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cuu-pgd-so-gddt-son-la-toi-bi-ep-cung-dan-den-khung-hoang-tinh-than-post317092.info