Cựu Ngoại trưởng Đức: Nord Stream 2 là quyết định có chủ quyền của châu Âu

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, việc xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) là quyết định có chủ quyền của châu Âu trong việc tự do hóa thị trường năng lượng.

Nhận định trên của cựu Ngoại trưởng Gabriel đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức. Ông Gabriel nhấn mạnh rằng chính các công ty châu Âu đã đồng ý về nhu cầu sử dụng đường ống này để mua khí đốt của Nga, và việc Mỹ cố gắng can thiệp vào việc xây dựng dự án là sự can thiệp vào các vấn đề của Liên minh châu Âu (EU).

Theo ZDF, Ba Lan đã chỉ trích Nord Stream 2 giữa Nga - Đức trong nhiều năm. Đồng quan điểm, ông Gabriel cho biết, với kinh nghiệm lịch sử và vị trí địa lý của đất nước khơi dậy sự hoài nghi về sự hợp tác giữa Nga và Đức.

Cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo cựu Ngoại trưởng Đức, rõ ràng khí đốt của Nga không phải là vấn đề nếu nó chảy qua một đường ống đặt tại Ba Lan, vì một số lý do đường ống dẫn khí đốt Yamal - Châu Âu chưa bao giờ bị chỉ trích từ phía Ba Lan.

Ngoài ra, ông Gabriel thừa nhận, trong cuộc tranh luận với Nord Stream 2, ông không thích việc có ai khác nói về lý do ban đầu của dự án này - quyết định là để “tự do hóa thị trường năng lượng”.

Theo ông Gabriel, điều đó ngụ ý rằng chính châu Âu thiết lập khuôn khổ pháp lý và tất cả các bên tham gia thị trường trong khuôn khổ này sẽ tự do quyết định nguồn năng lượng. Các công ty Đức, Áo, Hà Lan và các công ty khác đã nhất trí về nhu cầu sử dụng đường ống để mua khí đốt của Nga.

“Liên minh châu Âu và Đức nên hỏi người Mỹ: ‘Họ có thực sự muốn can thiệp vào quyết định có chủ quyền của châu Âu đối với thị trường năng lượng châu Âu không?’ Hay đây không phải là vấn đề mà họ và sẽ để cho châu Âu xử lý?’, cựu Ngoại trưởng Đức bày tỏ quan điểm.

Ông Gabriel tin rằng các chính trị gia nói quá nhiều về lợi ích kinh tế hoặc khó khăn, nhưng về bản chất đây là về việc ai là người quyết định các quy tắc mà thị trường năng lượng Đức vận hành.

Đồng thời, theo cựu Ngoại trưởng Đức, không có sự khác biệt giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, giữa ông Biden và ông Trump khi nói đến Nord Stream 2. Ông Gabriel nhận thấy một lối thoát trong việc mở rộng hợp tác về khí hậu và các dự án năng lượng khác để đường ống dẫn khí gây tranh cãi này không phải là yếu tố quyết định quan hệ EU - Mỹ.

Cựu Ngoại trưởng Gabriel gợi ý rằng những bước này có thể thành công: “Nếu Tổng thống Biden quan tâm đến các liên minh, và với ông ấy các bên có thể thương lượng cũng như tìm kiếm sự thỏa hiệp”.

“Trong thế kỷ 21, ngay cả một quốc gia như Mỹ cũng sẽ không có cơ hội đối phó với châu Âu. Kinh nghiệm chính trị của ông Biden cho ông ấy biết rằng Mỹ cần các đồng minh để giữ thế giới cân bằng. Đây là cơ hội mà chúng ta phải nắm lấy”, ông Gabrielle chia sẻ.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga vừa cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào dự án Nord Stream 2 thông qua việc tạo những rào cản bất hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại gia Nga, Maria Zakharova hôm 9/4 tuyên bố rằng, Mỹ cần nêu gương cho các quốc gia trên thế giới về sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với dự án Nord Stream 2.

“Sẽ là một ý tưởng hay nếu Mỹ làm gương bằng cách tuân thủ các quy tắc liên quan của luật pháp quốc tế, và sau đó ngừng đặt ra các rào cản bất hợp pháp đối với việc thực hiện dự án Nord Stream 2”, bà Zakharova nói.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, dù Mỹ không tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, song vẫn đóng vai trò là nước ủng hộ về quyền tự do trên biển dành cho tất cả các quốc gia.

Bà Zakharova nhấn mạnh, trong khi Mỹ không phải là một bên của tiến trình quốc tế có liên quan, nhưng lại yêu cầu các nước khác sử dụng quan điểm riêng của Mỹ.

Được biết, phản ứng của Moscow được đưa ra trong bối cảnh Washington có kế hoạch cử một đặc phái viên phụ trách đàm phán liên quan đến việc ngừng xây dựng tuyến đường ống Nord Stream 2.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/cuu-ngoai-truong-duc-nord-stream-2-la-quyet-dinh-co-chu-quyen-cua-chau-au-281846.html