Cuộc thi viết về chủ quyền: Ký ức những ngày binh lửa

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa hơn 30 năm. Tôi chiến đấu trong những tháng ngày ác liệt nhất và may mắn còn sống trở về nên thấm được giá trị của bình yên và hạnh phúc quý nhường nào

Những năm 1980, biên giới Tây Nam còn bị quân thù quấy phá, vận mệnh dân tộc bị đe dọa. Sự an nguy của đồng bào ta cần được bảo vệ, biên cương bờ cõi nước ta cần được giữ gìn. Tôi cầm súng bảo vệ quê hương khi tuổi vừa 18, bạn cùng lên đường với tôi có đứa 18 tuổi chưa tròn, chưa một lần cầm tay con gái.

Đời lính chốt

Tôi sinh ra ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mồ côi cha từ nhỏ, tuổi thơ theo mẹ chạy giặc khắp nơi. Hòa bình lập lại (năm 1975), gia đình đi kinh tế mới đến huyện Đức Linh, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Đức Linh ngày đó cuộc sống đầy cơ cực, tuổi mới lớn, tôi còm nhom, nhỏ thó nhưng tình yêu nước và lòng căm thù giặc thì không hề thua ai.

Cuối năm 1984, tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và nhận lệnh gọi nhập ngũ, nửa cuối tháng giêng năm 1985 thì lên đường. Ngày lên đường, mẹ tôi khóc rất nhiều, có lẽ bà dự cảm rằng nơi đón chân con bà đến sẽ là chiến trường Campuchia (chiến trường K) nhiều bất trắc. Tôi trấn an: "Mẹ và các em ở nhà gìn giữ sức khỏe, con sẽ bình yên trở về". Xe chuyển bánh, mẹ chôn chân đứng nhìn, bóng mẹ hao gầy khuất sau làn bụi đường. Nước mắt tôi chực trào ra, không phải tôi sợ chết, sợ chiến trận hiểm nguy mà thương mẹ già và các em dại ở nhà chờ trông...

Hơn 2 tháng huấn luyện ở quân trường, tôi được biên chế vào Trung đội 1, Đại đội 12C hỏa lực, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 94, Sư đoàn 307 trực thuộc Quân khu 5. Xe đưa chúng tôi qua cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), sau đó vượt sông Mê Kông bằng bè trong đêm tối.

Lần theo con đường đất đỏ 126 dọc biên giới Campuchia với Lào, chúng tôi tiến đến tỉnh Preah Vihear, nằm sát biên giới Thái Lan, nơi từng xảy ra bao cuộc giao tranh ác liệt. Chúng tôi đến để đánh dẹp tàn quân Pol Pot ẩn nấp ở đây, bảo vệ biên cương và phòng thủ biên giới từ xa...

Nơi tôi đóng quân nằm trên dãy núi Đângrêk (cao hơn 500 m so với mực nước biển, cách Phnom Penh khoảng 400 km về hướng Đông Bắc). Đêm đầu trên chiến trường biên giới này, tôi đứng gác tại chốt 545 bốn bề vắng lặng, đêm dần khuya, trăng đầu tháng sắp lặn bên đồi, chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả và một vài tiếng chim ăn đêm giật mình thảng thốt làm không gian thêm u tịch. Bỗng đâu một loạt đạn lạnh lùng rót vào chốt canh, tôi nổ súng về hướng biên giới và báo động đồng đội ứng chiến.

Cựu binh chiến trường K Nguyễn Văn Lai (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng đội

Cựu binh Nguyễn Văn Lai kể về chiến trường xưa (Ảnh do cựu binh Nguyễn Văn Lai cung cấp)

Canh giữ biên cương

Đời lính trận của tôi bắt đầu bằng trận đánh giáp mặt quân thù trong đêm đầu canh chốt biên cương. Đôi bên vây ráp, giằng co và đáp trả bằng những loạt đạn dữ dội mãi đến gần sáng, khi hỏa lực của ta yểm trợ bằng cối hạng nặng thì địch mới rút lui.

Mùa khô năm 1985, ở biên giới Preah Vihear thật khắc nghiệt, nắng nung người, cỏ cây ngả màu héo úa, chúng tôi thiếu nước uống, khát cháy cổ mà đường tiếp viện bị địch mai phục cắt đứt. Ác liệt nhất là những trận đánh giữ chốt 545, chốt 562 và các chốt trên dãy Đângrêk dọc biên giới Preah Vihear. Khi quân ta lập chốt và giao lại cho quân giải phóng Campuchia canh giữ thì quân Pol Pot đến đánh phá và chiếm chốt, chúng tôi phải dốc toàn lực chiến đấu. Chiến trận giằng co ác liệt từ mùa khô đến mùa mưa, đến khi công binh phối hợp tác chiến cùng hỏa lực và cối hạng nặng, chúng tôi mới đẩy được quân Pol Pot ra khỏi biên giới.

Là lính chốt, chúng tôi đối mặt với quân thù hằng ngày, chết chóc như cơm bữa, đồng đội tôi có người để lại đây một phần cơ thể, có người mãi mãi nằm lại miền biên viễn xa xôi này. Với tôi đó là những tháng ngày dữ dội nhất, một phần tuổi trẻ của tôi gửi lại nơi này.

Mùa nối mùa đi qua, chúng tôi lúc nào cũng súng trên tay sẵn sàng chiến đấu: Đánh chiếm chốt, giữ chốt, thông đường, tổ chức phục kích, dò gỡ bom mìn... Giao chiến bao nhiêu trận tôi không nhớ hết. Thời gian đối với chúng tôi dường như không còn ý nghĩa, vì ngày cũng như đêm chúng tôi mãi bám chốt và trú hầm công sự chiến đấu. Đánh trận khiến chúng tôi dạn dày hơn, không sợ chết, không còn thời gian để nhớ nhà, nhớ quê. Chúng tôi không còn biết ngày tháng, chỉ biết hai mùa nắng mưa và quanh mình là súng đạn, mùi thuốc súng và khói lửa chiến tranh!

Mùa mưa năm 1986-1987, chúng tôi vẫn còn đánh ở Preah Vihear. Những buổi chiều hành quân trên chiến trường Đângrêk, vai nặng hành trang dưới những tán rừng, những cơn mưa đổ dài không ngớt. Tháng ngày chiến đấu trên chiến trường này không thể nào quên khi chứng kiến những vạt rừng ngã đổ, những bản làng cháy rụi. Tôi chưa bao giờ nhìn tận mắt cảnh tượng điêu linh của một đất nước bị hoang tàn như thế. Nơi đây, chiến trận còn khắc nghiệt và chết chóc xảy ra hằng ngày, nghĩ đến bao lớp đồng đội hy sinh, lớp rời cuộc chiến do mìn chém cụt chân là lòng căm thù Pol Pot trào lên.

Preah Vihear những chiều mưa bất tận, rải rác biên cương là những nấm mồ chôn vội, chạnh lòng chợt nghĩ lỡ như mình tử trận, đồng đội có mang được xác mình về hay thành những nấm mồ nằm lại miền biên viễn hoang lạnh này…

Hơn 3 năm 6 tháng ở Preah Vihear, chúng tôi trải qua không biết bao nhiêu trận đánh. Chiến trận nơi biên cương thật ác liệt, ai đã từng nếm trải đời lính chốt thì mới thấu hết nỗi gian truân và khắc nghiệt. Là những người lính thực chiến, hằng ngày giáp mặt với quân thù, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu quên thân vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự trường tồn của Tổ quốc thân yêu!

Xuân về trên biên giới

Cuối năm 1988, đơn vị được lệnh rút khỏi chiến trường Preah Vihear, về hậu cứ một tuần rồi giải ngũ, lúc này là những ngày giáp Tết. Trên đường rút quân về biên giới, quãng đường không dài nhưng chúng tôi mất 7 ngày vì phải dừng lại dọc đường do quân Pol Pot mai phục, có những đồng đội bị vướng mìn hy sinh. Thật đau xót khi họ vừa nhận quyết định giải ngũ, cất trong ba-lô.

Từ Preah Vihear về cửa khẩu Lệ Thanh, chúng tôi đi qua những con đường đất đỏ bụi mù, qua bao đồi nương xanh mướt mắt, qua những cánh đồng lúa chín vàng thơm mát, những bản làng khói chiều giăng bảng lảng, dường như sự sống của dân làng yên bình trở lại. Eo lưng cô gái Khmer ngày đó dường như cũng cong hơn và e ấp, chúng tôi trong bộ áo lính tình nguyện rộng thùng thình nhảy múa hát ca và bập bẹ tỏ tình bằng tiếng người bản xứ. Chiến tranh ở nơi đây như chưa từng xảy ra!

Về đến biên giới đất mẹ, chúng tôi mới biết mình còn sống. Đơn vị ngủ một đêm tại sân bay Pleiku. Sau bao tháng ngày gió sương, đêm đầu trên đất quê tôi không tài nào ngủ được, dù ngần ấy tháng ngày trận mạc chúng tôi chưa có một giấc ngủ yên. Chưa bao giờ nằm ở đất quê mà nhớ quê như lúc này, hình ảnh quê hương, mẹ già và các em cứ chập chờn hiện ra trong đầu.

Khi xe đưa chúng tôi về đến làng - ở huyện Đức Linh, mọi người đứng đón tự bao giờ. Mẹ tôi trông gầy gò, tóc bạc nhiều. Bà nhìn tôi hồi lâu rồi òa khóc. Ngày tiễn tôi đi mẹ khóc, khi đón tôi trở về mẹ cũng khóc. Thì ra giữa khổ đau và hạnh phúc, con người ta đều khóc và mỗi giọt nước mắt chứa đầy tình thương.

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa hơn 30 năm. Tôi chiến đấu trong những tháng ngày ác liệt nhất và may mắn còn sống trở về nên thấm được giá trị của bình yên và hạnh phúc quý nhường nào.

Giờ đây, đồng đội của tôi kẻ còn người mất nhưng ký ức về chiến trường thì sống mãi. Đó là những tháng ngày gian khổ nhất, dữ dội nhất nhưng cũng hào hùng nhất.

(*) Viết theo lời kể của cựu binh chiến trường K Nguyễn Văn Lai

Tổ quốc - hai tiếng gọi thiêng liêng, khi bờ cõi biên cương bị xâm phạm thì chúng ta hãy đứng lên vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ.

LÊ KHÁNH (*)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/ky-uc-nhung-ngay-binh-lua-20230401203613939.htm