Cuộc gặp gỡ xúc động ở Nhà tù Hỏa Lò của những người con cựu tù

Năm 2025 là năm kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Tháng 3 năm nay đúng tròn 80 năm diễn ra sự kiện vượt ngục Hỏa Lò thành công của hơn 100 tù chính trị, kịp thời bổ sung cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nhân dịp này, Ban Liên lạc Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại nhà lao Hỏa Lò và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức cuộc gặp mặt, giao lưu đầy ý nghĩa mang tên 'Dấu ấn vượt thời gian' giữa các nhà quản lý văn hóa Hà Nội, nhà sử học và con em, thân nhân các cựu tù chính trị Hỏa Lò.

Buổi sáng ngày 11/3/2025, tại phòng khách của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, thân nhân, con em các cựu tù chính trị nhà lao Hỏa Lò năm 1945 đã có mặt, chuẩn bị buổi giao lưu, gặp gỡ đầy ý nghĩa. Những người con của Thiếu tướng Trần Tử Bình (người tham gia tổ chức vượt ngục tháng 3/1945, người từng giữ các vị trí, chức vụ: Xứ ủy viên Bắc Kỳ; một trong số ít cán bộ cấp cao đầu tiên của Quân đội được Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng vào đầu năm 1948; Phó Bí thư Quân ủy kiêm Phó Tổng Thanh tra Quân đội từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp; Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) cũng có mặt đông đủ từ sớm.

Ông Trần Kiến Quốc, con trai của Thiếu tướng Trần Tử Bình bắt đầu câu chuyện của mình bằng những lời xúc động nghẹn lòng: “Hôm nay thật vinh dự cùng gia đình được mời đến Khu di tích Hỏa Lò, nơi mà những ngày này đúng 80 năm trước, cha chúng tôi - cụ Trần Tử Bình cùng hơn 100 tù chính trị vượt ngục thành công, trở về với phong trào!”. Ông chia sẻ “vài kỷ niệm hiếm có” về Hỏa Lò. Đó là chuyện về bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, vợ Trung tướng Trần Độ (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII), một cựu tù chính trị Hỏa Lò, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của lính Nhật đã vượt ngục thoát ra đường cổng chính. Đó là chuyện về 4 người trong gia đình cụ Nguyễn Thọ Chân (Bí thư Thành ủy Hà Nội cuối năm 1942 đầu năm 1943; Bí thư Thành ủy Sài Gòn năm 1946; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô; Bộ trưởng Bộ Lao động) đều là tù chính trị ở Hỏa Lò năm 1945. Cụ Chân cùng hai bà chị và người cháu là cố Tổng Bí thư Đỗ Mười (người đã vượt ngục theo đường cống ngầm trong nhóm thứ 2 do cụ Trần Văn Cử dẫn đường trong đêm 12/3/1945)… Đó là câu chuyện về Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội qua bộ phim tài liệu “Những người làm Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội” dài 6 tập do Báo Biên phòng phối hợp với gia đình ông làm năm 2014 và bộ phim tài liệu “Vượt ngục Hỏa Lò” do Truyền hình Quốc phòng Việt Nam sản xuất.

Các con, cháu cựu tù chính trị nhà lao Hỏa Lò vượt ngục tháng 3/1945 chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu “Dấu ấn vượt thời gian”.

Các con, cháu cựu tù chính trị nhà lao Hỏa Lò vượt ngục tháng 3/1945 chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu “Dấu ấn vượt thời gian”.

Những câu chuyện được kể ngắn gọn, xúc tích, hàm chứa nhiều thông tin lịch sử và cảm xúc cá nhân, tạo không khí của buổi gặp mặt, giao lưu đặc biệt ấn tượng. Ông Trần Kiến Quốc cho biết: “Hầu hết các cụ trong Ủy ban Kháng chiến Hà Nội đều kinh qua nhà tù thực dân. Các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng để bồi dưỡng lý luận, trau dồi thực tế, chuẩn bị khi có cơ hội trở về sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Kể lại cuộc “đại vượt ngục” Hỏa Lò, những người con của cựu tù chính trị Trương Thị Mỹ, Trần Đăng Ninh, Trần Văn Cử, Lê Tất Đắc, Nguyễn Lam, Lê Trọng Nghĩa… nhắc lại những kỷ niệm của cha mẹ mình và những cựu tù cùng thời. Sự kiện được ghi lại: Tối ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Việt Nam và Đông Dương. Anh em tù chính trị Hỏa Lò thống nhất: Kiên quyết giữ vững lập trường, khí tiết của người cộng sản, không để bọn Nhật lợi dụng; Triệt để tranh thủ tình hình rối ren, khi bọn Nhật chưa vững chân, khẩn trương tạo cơ hội vượt ngục. Ngày 10/3, mọi kỷ cương trong nhà lao bị đảo lộn. Giám thị Pháp cùng gia đình bị dồn vào một phòng, giám thị Việt không còn dám nghênh ngang.

Ông Trần Tử Bình nêu ý kiến: ai có điều kiện thì chủ động trốn, ưu tiên cho án nặng… Lúc này, lợi dụng tình hình, ông Trần Đăng Ninh từ xà lim tử tù trốn sang khu thường phạm. Ngày 11/3, tù thường phạm vào kho, lấy được quần áo, chăn chiên, thang, xà beng, cuốc chim… đục tường, phá nền xi măng, đào hầm để chui ra, nhưng không thành. Sau đó, ông Lê Trọng Nghĩa tham gia cùng một số tù chính trị khác thống nhất phương án dùng chăn chiên xé nhỏ, bện thành dây để leo lên mái nhà, rồi vượt tường ra ngoài. Phương án thành công, đêm 11/3 nhiều tù chính trị và thường phạm đã thoát được ra ngoài. Quân Nhật phát hiện và nổ súng, phương án bị lộ nhưng vẫn còn nhiều tù chính trị khác còn trong nhà lao. Ông Trần Tử Bình suy nghĩ và nêu ý tưởng chui cống để vượt ngục. Ông Bình và ông Trần Văn Cử chui trước, tìm được lối ra, sau đó quay trở lại đưa các cựu tù khác lần lượt vượt ngục. Nắp cống được mở lên là lúc các tù chính trị nhà lao Hỏa Lò nhìn thấy vườn hoa Mê Linh. Ngay trong đêm 12/3, nhóm đầu tiên thoát ngục theo “phép độn thổ” đã về làng Vạn Phúc, Hà Đông, nơi cơ quan Thường vụ Xứ ủy đóng, nhanh chóng nhận nhiệm vụ. Như vậy, thông qua các hình thức “Thăng thiên” trèo tường; “độn thổ” chui cống ngầm, “vuốt râu hùm đi qua cửa ngục”, trên 100 tù chính trị ở nhà lao Hỏa Lò đã vượt ngục thành công, nhanh chóng tỏa về các địa phương, kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo cốt cán, chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: Có nhiều cuộc vượt ngục của những người cộng sản, nhưng vượt ngục Hỏa Lò tháng 3/1945 được coi là cuộc vượt ngục lớn nhất. Cuộc vượt ngục đã cung cấp cho cách mạng trên chặng đường dài sau này rất nhiều nhân vật lịch sử. Có nhiều người đi đến được đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị như cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông Dương Trung Quốc đánh giá cao công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của nhà lao Hỏa Lò mà Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã và đang làm một cách nghiêm túc, năng động, sáng tạo để những di sản của quá khứ, di sản tinh thần, di sản vật chất được sống và đi vào đời sống xã hội, khẳng định được giá trị với hiện tại và tương lai.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng với nhiều người con của các cựu tù chính trị Hỏa Lò năm 1945 đã tặng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò bức ảnh “Khai giảng lớp học chữ quốc ngữ cho phạm nhân ở nhà tù Hỏa Lò” chụp ngày mồng 8 tháng 10 năm 1945. Bức ảnh do Bộ Tuyên truyền chụp, được tìm thấy trong bộ Album do một sỹ quan người Pháp giữ. Sau đó viên sỹ quan đã trao tặng cho một nhà báo, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam Philippe Devillers – một trong những nhà báo Pháp có mặt đầu tiên ở Việt Nam không lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Philippe Devillers đã trao tặng cuốn Album này cho cố Giáo sư Sử học Phan Huy Lê. Giáo sư Phan Huy Lê đã trao nó cho nhà sử học Dương Trung Quốc để ông có trách nhiệm phát huy giá trị của tư liệu này.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/cuoc-gap-go-xuc-dong-o-nha-tu-hoa-lo-cua-nhung-nguoi-con-cuu-tu-160449.html