Cuộc gặp gỡ giúp cử nhân trúng tuyển học bổng tiến sĩ Mỹ

Sau cuộc gặp trực tiếp với giáo sư của Đại học North Carolina State (Mỹ), Lưu Thu Thảo - cử nhân Đại học Khoa học Tự nhiên - được nhận làm nghiên cứu sinh của trường dù chưa hết hạn nộp hồ sơ.

 Lưu Thu Thảo là cử nhân chuyên ngành Hóa Dược tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Bích.

Lưu Thu Thảo là cử nhân chuyên ngành Hóa Dược tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Ngọc Bích.

Tháng 4/2024, Lưu Thu Thảo (23 tuổi, Hà Nội) chính thức nhận thư trúng tuyển học tiến sĩ tại Đại học North Carolina State, Mỹ (NCSU). Nữ sinh sẽ được trường tài trợ chi phí cho toàn bộ chương trình học cũng như trả lương (stipend) hàng năm.

“Tới tận tháng 7/2023, mình mới nhen nhóm ý định du học. Mình từng tự ti vì bộ hồ sơ không mạnh, GPA hay chứng chỉ IELTS chỉ vừa đủ dùng. Nhưng bây giờ, mình đã thực sự trúng tuyển”, Thảo chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Quyết định gap year

Năm ngoái, Thảo tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Hóa Dược tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời điểm đó, nữ sinh đăng ký học sau đại học ngay tại trường, đồng thời tìm hiểu các doanh nghiệp, xác định “ngày đi làm, tối đi học thạc sĩ”.

“Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc du học, đừng nói là du học tiến sĩ tại Mỹ”, Thảo nói.

Nhưng không như dự tính ban đầu, Thảo không tìm được công việc ưng ý. Nữ sinh cũng suy nghĩ về việc nếu vừa đi học, vừa đi làm, cô sẽ khó đảm bảo làm tốt cả hai nhiệm vụ. Giữa lúc hoang mang, Thảo nhận được lời khuyên từ bạn bè và giảng viên hướng dẫn.

Nữ sinh nhìn nhận nếu du học, cô sẽ có cơ hội vừa được học, vừa có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, Thảo sẽ được tiếp cận tri thức ở môi trường mới, được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại.

Chia sẻ về việc học thẳng lên tiến sĩ, Thảo cho biết chương trình học tiến sĩ ở Mỹ kéo dài 5 năm với 1-2 năm học đầu ngang với việc học thạc sĩ. Bên cạnh đó, với 4 năm đại học, Thảo đã tích lũy kha khá kinh nghiệm nghiên cứu.

Nữ sinh cũng thường xuyên trao đổi với các nghiên cứu sinh và giảng viên nên định hình rõ ràng khối lượng công việc cần làm nếu theo học. Cảm thấy bản thân đã sẵn sàng, Thảo quyết định tất tay, gap year một năm để dồn lực theo đuổi mục tiêu.

“Đây có lẽ là một trong số các quyết định lớn nhất của mình. Quyết định gap year đồng nghĩa với việc mình chọn đi chậm lại và đối mặt với nhiều áp lực hơn. Mình băn khoăn với nhiều câu hỏi ‘Lựa chọn này liệu có đúng?’, ‘Nếu không trúng tuyển thì sao?’, ‘Bạn bè đã kiếm ra tiền còn mình vẫn để bố mẹ nuôi’”, Thảo nói bản thân may mắn vì có bố mẹ ủng hộ về cả về tinh thần lẫn kinh tế.

“Bố mẹ nuôi con 22 năm rồi, nuôi thêm một năm cũng không sao. Con không cần quá áp lực, chỉ cần cố gắng phấn đấu để phát triển", nữ sinh nhớ lại những lời động viên của bố mẹ.

Thừa nhận hồ sơ không mạnh

Lúc Thảo quyết định gap year đã là tháng 7/2023, tức còn khoảng 5 tháng nữa là đến hạn nộp hồ sơ. Lúc này, trong tay Thảo mới có điểm trung bình học tập (GPA) 3.3/4, hai bài báo khoa học được đăng trên tạp chí của Việt Nam, kiến thức và kinh nghiệm làm nghiên cứu ở bậc đại học.

Thảo thậm chí không có chứng chỉ IELTS. Sau hai lần tự học và thi vào tháng 9 và tháng 12 năm ngoái, cô đạt IELTS 6.5.

“Hồ sơ của mình không mạnh. Thậm chí trong 2 năm đầu học đại cương, GPA của mình chỉ ở mức khá", Thảo nhìn nhận sự chủ động tìm kiếm cơ hội của bản thân mới là yếu tố quan trọng giúp cô giành học bổng.

Xác định sẽ đăng ký vào Đại học North Carolina State, đầu tháng 10 , nữ sinh đã chủ động gửi email đến GS Reza Ghiladi (giáo sư khoa Hóa học, đồng thời là Giám đốc Tuyển sinh sau đại học của NCSU), bày tỏ dự định và mong muốn được theo học tiến sĩ tại đây, đồng thời xin góp ý về hồ sơ cá nhân.

“May mắn, ngay đầu tháng 10, thầy có dịp tới Việt Nam tham dự hội thảo và hẹn gặp mình. Lúc đó, mình vừa mừng, vừa lo bởi mình biết đây không đơn giản là buổi gặp gỡ bình thường mà chính là buổi phỏng vấn trực tiếp, quyết định mình có thể theo học tại NCSU hay không", nữ sinh nói.

Buổi gặp kéo dài 1,5 giờ, Thảo trải qua đủ cung bậc cảm xúc, từ căng thẳng, e dè đến tự tin chia sẻ quá trình học tập ở Việt Nam, định hướng nghiên cứu tại Mỹ, đam mê với Hóa Dược…

Nữ sinh nói dù hồ sơ chỉ vừa đủ đáp ứng yêu cầu của trường (NCSU yêu cầu GPA tối thiểu 3.0/4, IELTS từ 6.5), việc được gặp gỡ trực tiếp giúp cô được thể hiện hết năng lực của bản thân.

GS Reza Ghiladi ấn tượng khi Thảo có nhiều thời gian nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, có kinh nghiệm thực tập thực tế, hầu hết các môn chuyên ngành ở hai năm cuối đạt điểm tốt. Điều này cho thấy cô đã có sự thay đổi tích cực từ năm nhất đến năm cuối. Ngay sau đó, giáo sư đã đồng ý nhận Thảo làm nghiên cứu sinh của trường dù chưa hết hạn nộp hồ sơ.

“Điểm số cao sẽ là lợi thế, nhưng nếu không quá cao, bạn hãy cứ tự tin và chủ động tìm kiếm cơ hội theo hình thức khác. Nếu năm ngoái mình không chủ động liên hệ thầy, có lẽ kết quả bây giờ đã khác", Thảo đưa ra lời khuyên.

 Dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Lê Thị Huyền (khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên), Thảo có bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế hạng Q2. Ảnh: NVCC.

Dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Lê Thị Huyền (khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên), Thảo có bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế hạng Q2. Ảnh: NVCC.

Hành trình mới

Nhận cái gật đầu của giáo sư, Thảo vui nhưng cũng lo lắng bởi chưa có văn bản chính thức nào về việc sẽ trúng tuyển. Tháng 1 năm nay, cô mới hoàn tất hồ sơ và ứng tuyển vào NCSU. Ba tháng sau đó, Thảo nhận thư thông báo trúng tuyển. Lúc này, cô mới thở phào nhẹ nhõm.

Trong thời gian chờ kết quả, Thảo vẫn duy trì việc lên phòng thí nghiệm học việc và làm nghiên cứu. Nữ sinh cho biết cô đổi định hướng nghiên cứu từ Hợp chất thiên nhiên sang Hóa hữu cơ nên cần phải trau dồi thêm trước khi du học.

Mới đây, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Lê Thị Huyền (khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên), Thảo cũng đã bổ sung thêm vào hồ sơ của mình bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế hạng Q2.

Cuối tháng 7, Thảo sẽ bắt đầu theo học tiến sĩ ngành Hóa hữu cơ tại NCSU. Hiện tại, Thảo cũng đang tìm hiểu về giáo sư hướng dẫn và nhóm nghiên cứu phù hợp tại đây. Nữ sinh dự định sẽ nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Hóa Sinh.

Trước câu hỏi của nhiều người về việc có lo lắng về quá trình học tiến sĩ khi GPA ở bậc đại học không cao, Thảo cho biết bản thân cô cũng từng lo lắng về điều này. Tuy nhiên, nhìn nhận lại vấn đề, nữ sinh khẳng định điểm số của cô chỉ không cao như những bộ hồ sơ mạnh khác nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu của trường.

Bên cạnh đó, điểm số cũng không thể hiện hết năng lực của mỗi cá nhân. GPA đại học đã là câu chuyện quá khứ, việc học tiến sĩ là tương lai. Thảo tin vào khả năng của mình, tin rằng nếu có kiến thức, sự cố gắng và kiên trì, cô sẽ làm tốt.

“Không chỉ GPA, điểm IELTS của mình cũng chỉ vừa đủ nhưng vốn từ vựng chuyên ngành của mình không hề ít. Mình không dốc sức luyện thi lại để lấy điểm cao, thay vào đó, mình trau dồi tiếng Anh bằng việc đọc sách báo và các công trình nghiên cứu chuyên ngành", nữ sinh đánh giá.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-gap-go-giup-cu-nhan-trung-tuyen-hoc-bong-tien-si-my-post1485317.html