Cuộc đua điện thoại thông minh: Trung Quốc nguội, Ấn Độ nóng

Thị trường điện thoại thông minh (smartphone) Trung Quốc đang mất đi sức hấp dẫn khi người tiêu dùng nước này không còn hào hứng với việc nâng cấp điện thoại và thị phần ngày càng cô đặc trong tay của các 'ông lớn'. Trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ ngày càng khốc liệt.

Ấn Độ đang trở thành thị trường điện thoại thông minh có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trong quý 1-2018, thị trường Trung Quốc chứng kiến cú sụt giảm lớn nhất về doanh số điện thoại thông minh từ trước đến nay, ở mức 21% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một bản báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở chính tại Singapore là Canalys.

Thị trường Trung Quốc đi đến điểm bão hòa

Bản báo cáo của Canalys cho biết người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua 91 triệu điện thoại thông minh trong ba tháng đầu năm 2018. Lần gần đây nhất, số thiết bị ở Trung Quốc có mức tiêu thụ thấp tương đương là vào quý 4-2013. Nhà phân tích Mo Jia của Canalys nói công ty của ông đã dự báo doanh số điện thoại thông minh ở thị trường đông dân nhất thế giới sẽ sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2018 nhưng không ngờ mức sụt giảm lại nhiều như vậy.

Cũng theo Canalys, có tám trong mười thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc bị giảm doanh số trong ba tháng đầu năm, trong đó những hãng bị giảm doanh số mạnh là Samsung, Meizu, Oppo, Vivo và Gionee. Doanh số của Samsung, Meizu và Gionee giảm đến mức 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, số điện thoại được tiêu thụ của Vivo và Oppo giảm gần 10% so với năm ngoái, còn tương ứng là 15 triệu và 18 triệu chiếc.

Mo Jia cho biết Samsung chỉ bán được 2 triệu điện thoại thông minh trong quý 1 tại Trung Quốc, một con số quá thấp. Trong báo cáo tài chính quý 1, Samsung cảnh báo nhu cầu mua điện thoại thông minh bị sụt giảm sẽ gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng này trong tương lai.

Trước tình hình kinh doanh không thuận lợi, vào đầu tháng 4, hãng Gionee quyết định cắt giảm 50% số nhân sự thuộc trụ sở chính đặt tại thành phố Thâm Quyến. Trước đó, Gionee cũng đã cắt giảm gần một nửa số công nhân làm việc tại nhà máy chính tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông.

Apple cũng đang đánh mất thị phần ở Trung Quốc. Trong quý 1, thương hiệu “quả táo khuyết” này bị tuột hạng từ bốn xuống năm trong danh sách những hãng sản xuất điện thoại thông minh có lượng máy được bán ra thị trường cao nhất. Tuy nhiên, Canalys không tiết lộ có bao nhiêu iPhone được tiêu thụ ở đất nước 1,38 tỉ dân trong quý 1 vừa qua, mà chỉ nói chung chung là sụt giảm mạnh so với quý 4-2017.

“Apple có hình ảnh tốt nhưng sản phẩm và sự sáng tạo của họ bị kìm hãm bởi mức giá bán quá cao của iPhone X... Hầu hết người Trung Quốc không đủ sức mua iPhone X nên họ chuyển sang mua các thiết bị của Huawei hoặc Oppo”, Mo Jia nói.

Huawei là một trong hai hãng điện thoại thông minh đi ngược lại với xu hướng giảm đều nói trên ở Trung Quốc. Số điện thoại thông minh của Huawei tăng 2% trong quý 1 lên 21 triệu chiếc. Hãng này vẫn duy trì vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất Trung Quốc, bám sát ở các vị trí tiếp theo là các hãng điện thoại thông minh nội lần lượt là Oppo, Vivo và Xiaomi, theo Canalys.
Xiaomi là hãng điện thoại thông minh duy nhất đạt mức tăng trưởng hai con số trong quý 1 tại thị trường

Trung Quốc với doanh số bán tăng 37% lên 12 triệu chiếc.

Số điện thoại thông minh được tiêu thụ trong quý 1 năm nay ở Trung Quốc giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những cuộc đua tranh thiếu sự sáng tạo

Các nhà phân tích của Canalys cho rằng thị trường Trung Quốc đơn giản là đang “quá tải” trước những chiến dịch tiếp thị không ngừng nghỉ và giống nhau của các nhà sản xuất.

“Mức độ cạnh tranh gay gắt đã khiến các hãng điện thoại thông minh bắt chước các danh mục sản phẩm cũng như các chiến lược tiếp thị của nhau. Song chi phí tiếp thị và quản lý các kênh phân phối ở một đất nước lớn như Trung Quốc là rất tốn kém và chỉ có những hãng lớn mới có thể kham nổi”, Mo Jia nói. Ông cho rằng các hãng điện thoại thông minh tại Trung Quốc cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm với tính năng đa dạng, thay vì làm bão hòa thị trường với các thiết bị quen thuộc và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đang nằm trong tay bốn đấu thủ nội địa. Trong quý 1-2018, tốp bốn hãng điện thoại thông minh Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi kiểm soát hơn 73% thị trường, tăng so với con số 58% vào quý 1-2017. Sự cô đặc này cùng với sức tiêu thụ suy giảm là tin tức xấu cho các đấu thủ nhỏ hơn vì họ không còn nhiều khoảng trống thị trường để chen vào.

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc giờ đây trông chờ vào sự nâng cấp của người sử dụng nhưng những người muốn nâng cấp máy đều đã làm việc này. Doanh số của Huawei và Xiaomi gia tăng cho thấy họ đã thành công trong việc thâu tóm thêm thị phần từ những người tiêu dùng nói trên. Báo cáo của Canalys cũng lưu ý Xiaomi là hãng điện thoại thông minh duy nhất trong tốp 5 hãng điện thoại ở Trung Quốc tập trung vào các thiết bị thoại giá rẻ với một số dòng có giá dưới 1.000 nhân dân tệ (3,6 triệu đồng).

“Các dòng điện thoại thông minh mới chắc chắn sẽ khuyến khích người dùng nâng cấp nhưng các hãng sản xuất cũng đang thận trọng hơn để tránh làm dư thừa nguồn cung”, ông Mo Jia nói
Canalys dự báo thị trường này ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại trong ba tháng tiếp theo nhờ các dòng điện thoại cao cấp mới của Oppo và Vivo. Song, đó có thể là điểm sáng duy nhất của thị trường này trong năm nay. “Chúng tôi vẫn dự báo thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc sẽ suy giảm tổng thể trong năm 2018”.

Trận địa dịch chuyển sang Ấn Độ

Trong bối cảnh thị trường đi xuống, các nhà sản xuất của đất nước này đang chú trọng hơn bao giờ hết đến việc tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới ở nước ngoài, nhất là Ấn Độ. Từ Huawei, Lenovo, Oppo, Vivo đến Xiaomi đang quyết liệt tranh giành thị trường đông dân thứ hai thế giới, nơi có tốc độ tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới.

Theo bản báo cáo của Canalys, trong quý 1-2018, số điện thoại thông minh được bán ở Ấn Độ tăng 8%, lên 29,5 triệu thiết bị. Hãng Xiaomi dẫn đầu thị trường với mức thị phần hơn 31%, tăng ấn tượng 155% với hơn 9 triệu máy được tiêu thụ. Với mức thị phần 25%, Samsung đứng thứ 2 trong quý 1-2018, bán được 7,5 triệu điện thoại tại đây, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Oppo và Vivo xếp thứ ba và thứ tư với doanh số máy được bán ra tương ứng là 2,8 triệu và 2,1 triệu máy. Bốn hãng điện thoại hàng đầu nói trên đang kiểm soát đến 75% thị trường, khiến các đối thủ nhỏ gặp khó khăn.

“Thị trường Ấn Độ vẫn là nơi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ đối với bất kỳ hãng điện thoại nào. Đối với hãng nhỏ hơn như Gionee và Lenovo, sức ép lợi nhuận buộc họ phải đánh giá lại các chiến lược của họ tại

Ấn Độ”, Rushabh Doshi, Giám đốc nghiên cứu của Canalys, nói.
Tại thị trường Ấn Độ, số máy của Lenovo được tiêu thụ trên thực tế giảm đến 60% trong ba tháng đầu năm, xuống còn chưa đến 1 triệu chiếc.

Trong khi đó, Gionee chỉ bán được 150.000 chiếc, giảm 90%. Tương tự ở Trung Quốc, chi phí tiếp thị, quảng cáo và mở rộng kênh phân phối đang gây áp lực tài chính nặng nề cho các thương hiệu yếu thế tại Ấn Độ. Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ khiến số công ty mới gia nhập thị trường giảm 50% trong ba năm 2015 - 2017 trong khi đó, số nhà sản xuất bị đào thải tăng gấp sáu lần do không đủ tiềm lực, đặc biệt là về sức mạnh tài chính.

Năm 2015, có 15 công ty mới gia nhập thị trường này, trong đó có năm thương hiệu Trung Quốc và năm thương hiệu Ấn Độ, trong năm đó, chỉ có hai thương hiệu bị đào thải. Sang năm 2016, có 13 thương hiệu mới gia nhập nhưng số công ty bị đào thải lên con số năm. Đến năm 2017, có đến 13 công ty bị đào thải nhưng chỉ có chín thương hiệu mới tiến vào thị trường. Bản báo cáo của Counterpoint nhận định năm 2018 sẽ có năm đấu thủ mới gia nhập thị trường và 10 đấu thủ khác sẽ bị đào thải.

Tốp 15 thương hiệu điện thoại thông minh đang chiếm hơn 90% thị phần tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Các chuyên gia dự báo tốc độ đào thải và tính cô đặc của thị trường sẽ tiếp tục trong năm nay.

Dữ liệu của công ty nghiên diễn thị trường Canalys cũng cho thấy Xiaomi, Samsung, Oppo, Vivo và Lenovo đang nắm giữ 77% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ trong quý 1-2018. Micromax, Intex và Lava, ba nhà sản xuất nội địa từng nằm trong tốp năm thương hiệu hàng đầu ở Ấn Độ vào năm 2015, đã bị đánh bật ra khỏi danh sách này. Một số thương hiệu nổi tiếng không có mặt trong tốp năm, bao gồm cả Apple, Nokia và Lenovo. Vào thời điểm thịnh vượng, thị trường này Ấn Độ có hơn 300 hãng điện thoại thông minh lớn nhỏ.

Giới phân tích cho rằng các công ty đang thống lĩnh thị trường Ấn Độ sẽ tăng cường kiểm soát thị trường, trong khi đó, sự cạnh tranh ở phân khúc điện thoại giá rẻ dưới 10.000 rupee (3,4 triệu đồng) ngày càng gay gắt với sự hiện diện của Xiaomi.

Mặc dù cắt giảm nhân sự tại Trung Quốc nhưng Gionee cho biết sẽ dành 6,5 tỉ rupee (gần 100 triệu đô la Mỹ) cho ngân sách tiếp thị tại Ấn Độ trong năm 2018 với mục tiêu đứng vào tốp năm thương hiệu điện thoại thông minh tại nước này. Giám đốc kinh doanh của Gionee Ấn Độ Alok Shrivastava nói: “Chiến lược của chúng tôi là chiếm giữ 20% thị trường của phân khúc điện thoại thông minh có giá báo khoảng 8.000-20.000 ruppee (2,7-6,8 triệu đồng) tại Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tập trung sự hiện diện ở 42.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay”.

(CNN Money, PTI, Economic Times)

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/272433/cuoc-dua-dien-thoai-thong-minh-trung-quoc-nguoi-an-do-nong-.html