Cuộc đảo chính ở Gabon gây sức ép cho các 'triều đại' lâu đời tại châu Phi

Trên một chiếc ghế được trang trí công phu, bao quanh bởi đồ nội thất và trang trí đắt tiền, Tổng thống bị lật đổ của Gabon, Ali Bongo, trong một video vào hôm thứ Tư (30/8) đã cầu xin các đồng minh 'gây ồn ào' để cứu giúp ông.

Trước đó, như đã biết vào đêm Ba rạng sáng thứ Tư vừa rồi, lực lượng quân đội Gabon đã tiến hành đảo chính và có nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên kéo dài gần 60 năm nắm quyền của gia đình ông Bongo ở quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên nhưng nghèo khó này.

Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo trong video phát biểu cầu xin các đồng minh giúp đỡ. Ảnh: Reuters

Hy vọng nào cho ông Bongo?

Nếu thành công, cuộc đảo chính hôm thứ Tư ở Gabon sẽ là cuộc đảo chính thứ 8 ở Tây và Trung Phi trong vòng 3 năm qua. Bảy cuộc đảo chính còn lại có một điểm chung: Không lực lượng nào khuất phục trước những nỗ lực quốc tế nhằm loại bỏ họ, gần nhất là trường hợp ở Niger.

Sự lên án rộng rãi hoặc đe dọa can thiệp quân sự hầu như không có tác dụng gì đối với các nhóm đảo chính quân sự, từ Mali (2 lần), Burkina Faso (2 lần), Guinea, Chad cho đến Niger kể từ năm 2020. Các lệnh trừng phạt đối với một số quốc gia này đã tác động mạnh đến người dân bình thường và chỉ gây ra sự phản kháng mạnh mẽ hơn.

Với việc các cường quốc thế giới thiếu những ý tưởng mới, cộng với việc chính quyền Gabon đã bị giải tán và biên giới bị đóng cửa, các nhà phân tích an ninh nhận thấy rất ít khả năng lời cầu xin của Bongo sẽ thành công. Họ nói rằng điều này thậm chí có thể khích lệ những ý đồ đảo chính quân sự khác trong khu vực.

Maja Bovcon, nhà phân tích cấp cao về châu Phi tại Verisk Maplecroft có trụ sở tại London, cho biết: “Điều nguy hiểm là tất cả các cuộc đảo chính này cho thấy cộng đồng quốc tế không có khả năng khôi phục chế độ cũ. Tôi không có nhiều hy vọng rằng lần này mọi chuyện sẽ khác đi”.

Thứ Tư vừa rồi lẽ ra là ngày ăn mừng của Bongo. Vài phút trước thông báo đảo chính, cơ quan bầu cử Gabon tuyên bố ông là người chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử vào hôm thứ Bảy trước đó. Chiến thắng này sẽ mang lại cho ông nhiệm kỳ thứ ba và mở rộng triều đại gia đình nhà Bongo, bắt đầu khi cha ông là Omar lên nắm quyền vào năm 1967.

Thay vào đó, ông ấy tỏ ra bế tắc, bất lực trong nơi ở xa hoa của mình. "Không có gì xảy ra cả. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi kêu gọi các bạn gây ồn ào, gây ồn ào, gây ồn ào. Tôi cảm ơn các bạn", ông nói trong video cầu xin sự giúp đỡ.

Sự khác biệt giữa Gabon và Niger

Vẫn chưa rõ các cường quốc khu vực và quốc tế sẽ phản ứng thế nào. Liên minh châu Phi và Mỹ cho biết họ đang theo dõi các sự kiện với sự quan ngại. Cũng như ở Niger gần đây, Pháp lên án cuộc đảo chính tại quốc gia mà họ từng thuộc địa trong quá khứ và hiện vẫn đang khai thác nhiều tài nguyên này.

Nhóm đảo chính quân sự ở Gabon. Ảnh: DPA

Nhưng trong số rất nhiều sự lên án quốc tế, không có lời kêu gọi công khai nào cho việc phục hồi chính quyền của Bongo - một sự khác biệt rõ rệt so với vụ đảo chính ngày 26 tháng 7 ở Niger, khi một số nước đã kêu gọi khôi phục quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Lý do là có sự khác biệt lớn giữa tình hình chính trị ở Niger và Gabon. Trong khi chính quyền dân sự của ông Bazoum ở Niger chỉ mới được thành lập và do phương Tây hậu thuẫn, thì như đã nói ông Bongo và gia đình đã tạo ra một triều đại kéo dài hơn nửa thế kỷ ở Gabon.

Ở quê nhà, sự tức giận đối với Bongo, người được lựa chọn để kế vị cha mình vào năm 2009, đã âm ỉ từ rất lâu. Các cuộc bầu cử năm 2016 cũng đã bị cộng đồng quốc tế coi là gian lận và gây ra bạo lực chết người, khác với sự khá minh bạch của chính quyền Tổng thống Bazoum ở Niger.

Các nhà phê bình cho rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ của Gabon chỉ được dành phục vụ trong gia đình Bongo và các đồng minh, trong khi nhiều người dân phải sống trong cảnh nghèo đói và nạn tham nhũng tràn lan. Sau cuộc bầu cử hôm thứ Bảy, chính quyền Gabon thậm chí còn cắt internet, đóng cửa hãng tin quốc tế và ban hành lệnh giới nghiêm.

Những “triều đại” lâu đời ở châu Phi

Nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc đảo chính ở Gabon rõ ràng khác với ở các quốc gia Sahel xa hơn về phía bắc, nơi tình trạng bất ổn phần lớn do các chiến binh Hồi giáo gây ra và tâm lý chống Pháp của người dân. Nhưng tác động có lẽ là giống nhau, ở chỗ nó có thể dẫn đến nhiều sức ép cho những nhà cầm quyền lâu đời trong khu vực.

Các quốc gia được đánh dấu bằng sọc đỏ cùng với Gabon đang do chính quyền quân sự lãnh đạo sau các cuộc đảo chính. Ảnh: AP

Ở nước láng giềng Cameroon, Tổng thống Paul Biya đã nắm giữ quyền lực cao nhất của nước này trong hơn 40 năm. Tổng thống của Uganda Yoweri Museveni cũng đã tại vị từ năm 1986 tới nay.

Tổng thống Denis Sassou Nguesso đã cầm quyền ở Cộng hòa Congo tổng cộng 38 năm. Ông đã thay đổi hiến pháp vào năm 2015 để gia hạn giới hạn nhiệm kỳ và tái đắc cử với 88% phiếu bầu vào năm 2021.

Trong khi đó Tổng thống của Guinea Xích đạo từ năm 1979 đến nay vẫn là Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, khiến ông trở thành tổng thống ở châu Phi tại nhiệm lâu năm nhất.

Tại Eswatini, chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng còn sót lại ở châu Phi, Vua Mswati III đã cai trị nước này trong 36 năm qua. Ông lên ngôi vào tháng 4 năm 1986 khi mới 18 tuổi.

Hải Anh (theo Reuters, Tribune)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-dao-chinh-o-gabon-gay-suc-ep-cho-cac-trieu-dai-lau-doi-tai-chau-phi-post262778.html