Cuộc chiến kinh tế thế kỷ Mỹ-Trung

Sau hơn 1 tháng đưa ra những lời đe dọa hành lang về thuế quan và hạn chế đầu tư, cuối cùng Mỹ và Trung Quốc cũng đã khởi động những cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế gây tranh cãi.

Mặc dù Washington và Bắc Kinh có thể tìm được một vài điểm chung, nhưng cả hai đều coi đây là cuộc chiến tranh giành ưu thế kinh tế trong thế kỷ 21. Theo mạng tin phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 10-5, cuộc chiến kinh tế thế kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu.

Trung Quốc là đối thủ thực sự đáng gờm

Stratfor cho rằng sự xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều tất yếu kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Khi đó, Mỹ - quốc gia có công lớn trong việc kết nạp Trung Quốc vào WTO - cho rằng việc đưa Trung Quốc vào tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh sẽ giúp gia tăng việc làm và xuất khẩu của Mỹ. Việc WTO kết nạp Trung Quốc đã mở cửa một thị trường khổng lồ với dân số lên tới hơn 1,25 tỷ. Mặc dù điều này đã đem lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, nhưng nó cũng trở thành sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ trong 30 năm qua.

Trên thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc thường xuyên là một cường quốc kinh tế nổi trội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và cách đây 200 năm kinh tế Trung Quốc đã chiếm 2/3 kinh tế toàn cầu. Công nghiệp hóa và chủ nghĩa đế quốc tại châu Âu và Mỹ đã làm giảm thị phần kinh tế của Trung Quốc cho tới khi nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa năm 1978. Và thậm chí trước khi nước này khôi phục được vị thế nổi trội, họ đã đóng góp khoảng 5% cho nền kinh tế toàn cầu. Stratfor cho rằng việc trở thành thành viên WTO có thể giúp Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường trở lại với ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới, song Bắc Kinh hoàn toàn có thể làm được điều đó cho dù có nằm trong WTO hay không.

Những năm gần đây, khả năng công nghệ của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều công nghệ thương mại và quân sự, nhưng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách này với tốc độ nhanh đến mức khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lo lắng. Kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025" của Bắc Kinh - một nỗ lực nhằm rót các nguồn lực kinh tế khổng lồ cho công cuộc đổi mới, đang khiến Washington đặc biệt lo ngại vì mục tiêu của kế hoạch này là đưa Trung Quốc vượt Mỹ trong những công nghệ tối tân như người máy và trí tuệ nhân tạo. Với công nghệ theo kịp ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc sẽ thực sự trở thành đối thủ đáng gờm đối với Mỹ.

Cuộc so găng kinh tế Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài. Ảnh tư liệu

Cuộc chiến áp thuế

Chính vì vậy, hoàn toàn không ngạc nhiên khi các chính sách công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc trở thành trung tâm tranh cãi. Tổng thống Trump đã phê chuẩn kế hoạch áp thuế 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá gần 50 tỷ USD từ Trung Quốc. Kế hoạch này nhiều khả năng có hiệu lực vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Để trả đũa, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế 2% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cũng trị giá gần 50 tỷ USD. Lẽ ra, cuộc chiến thương mại này dừng lại ở đây, nhưng Tổng thống Trump lại phản ứng với đòn trả đũa của Bắc Kinh bằng cách chỉ đạo đại diện thương mại Mỹ xem xét áp thuế 25% đối với số hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến cuối tháng này sẽ công bố những biện pháp mới hạn chế Trung Quốc đầu tư và mua lại trong các lĩnh vực chiến lược của Mỹ như công nghệ.

Tóm lại, chiến lược của Mỹ là gây áp lực đối với Trung Quốc càng mạnh càng tốt trước khi bước vào đàm phán, với hy vọng Bắc Kinh sẽ phải có một số nhượng bộ. Theo danh sách những yêu cầu mà Chính quyền Trump đưa ra cho Trung Quốc, Washington đang theo đuổi 2 mục tiêu chính: giảm thâm hụt thương mại với Bắc Kinh và giảm bớt hàng rào thuế quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với Mỹ.

Đối với Trung Quốc, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại và muốn làm dịu căng thẳng với Mỹ, vì leo thang chiến tranh thương mại hầu như không có lợi cho họ. Tuy nhiên, Stratfor cho rằng Trung Quốc không thể gây nguy hiểm cho vị thế của nước này trên thế giới bằng cách nhượng bộ Mỹ. Trang mạng này nhấn mạnh, Bắc Kinh không muốn lặp lại sai lầm của Chính phủ Nhật Bản trong đàm phán với Washington hồi thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, khi Tokyo thay đổi chính sách kinh tế để phù hợp với Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc cho rằng họ có sức nặng kinh tế ngang ngửa với Mỹ nếu như buộc phải "so găng".

Nếu Tổng thống Trump quyết định tiến hành đợt áp thuế thứ hai, Trung Quốc cũng đưa ra những đe dọa tương tự. Làm như vậy là áp thuế lên mọi thứ mà Trung Quốc nhập từ Mỹ, trong bối cảnh mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ chỉ chưa tới 150 tỷ USD.

Giới chuyên gia kinh tế ước tính, đợt áp thuế đầu tiên sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ giảm 1%. Vì vậy, Bắc Kinh không chắc sẽ có nhượng bộ trong những vấn đề kinh tế cốt lõi nếu như trước hết không nhận được sự đảm bảo rằng đổi lại, Washington sẽ làm dịu áp lực đối với họ. Tuy nhiên, với chính quyền Mỹ hiện nay, Chính phủ Trung Quốc sẽ khó lòng nhận được sự đảm bảo như vậy.

Theo Stratfor, điều nguy hiểm ở đây là Washington sẽ áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Do đó, có thể Trung Quốc sẽ tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán để có thêm thời gian, thể hiện thiện chí thảo luận về những quan ngại của của Washington với hy vọng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ đem lại một chính quyền mềm mỏng hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Stratfor nhấn mạnh, cuộc cạnh tranh kinh tế ngấm ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài và hiện nay mới chỉ là vòng một của cuộc chiến kinh tế dự kiến diễn ra trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cuoc-chien-kinh-te-the-ky-my-trung-115180.html