Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS !

PTĐT - Dịch HIV trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn tập trung với các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện lây truyền chủ yếu qua đường máu. Tuy nhiên, số trường hợp lây truyền HIV qua đường tình dục ngày càng tăng ...

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, nguồn thuốc điều trị kháng virus (ARV) luôn đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.

PTĐT - Dịch HIV trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn tập trung với các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện lây truyền chủ yếu qua đường máu. Tuy nhiên, số trường hợp lây truyền HIV qua đường tình dục ngày càng tăng và có xu hướng lan rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng. Nhiều người nhiễm không thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn của AIDS. Vì vậy, cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS không chỉ là khẩu hiệu mà cần phải có các biện pháp truyền thông quyết liệt hơn nữa, xét nghiệm phù hợp nhằm trợ giúp người nhiễm HIV sớm biết tình trạng của mình. Lan tỏa thông điệp K=KBác sĩ Lương Đình Dụng- Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) giải thích: ““Không phát hiện = Không lây truyền” (hay còn gọi là K=K) là thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục là không có”. Theo số liệu rà soát đến ngày 30/9/2019, toàn tỉnh có 133 người nhiễm HIV phát hiện mới giảm 80 người so với cùng kỳ năm 2018; 9 người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm 15 người so với cùng kỳ năm 2018. 100% số huyện, thành, thị đã phát hiện có người nhiễm HIV. 1.761 người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống quản lý được, trong đó có 68 trẻ em. Các con số trên đã phản ánh phần nào nỗ lực của ngành Y tế tỉnh trong đẩy mạnh tuyên truyền, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị toàn diện HIV/AIDS và đẩy mạnh dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đều đặn suốt 4 năm qua, cứ vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Phòng khám và điều trị ngoại trú OPC thị xã Phú Thọ lại đón tiếp bệnh nhân nhiễm HIV đến khám, lấy thuốc ARV. Anh Nguyễn V.T (31 tuổi) ở huyện Cẩm Khê có mặt tại phòng khám từ rất sớm. Cởi mở khi chia sẻ với phóng viên, anh T cho biết: “Do sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân nên tôi đi khám, làm xét nghiệm máu thì phát hiện mình bị nhiễm HIV. Lúc đó tôi rất sốc vì chưa xác định được vì sao lại bị nhiễm. Không chần chừ, tôi đã tìm đến phòng khám OPC để được tư vấn, điều trị. Sau 4 tháng uống ARV, đến nay tôi thấy mình khỏe hơn nhiều, tăng cân trở lại và có thể lao động bình thường”. Cùng với anh T, hiện có gần 440 bệnh nhân đang điều trị ARV tại phòng khám này. Theo các bác sĩ, bệnh nhân chủ yếu là người trong tỉnh, ngoài ra còn có bệnh nhân đến từ Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ kịp thời nên đa số họ tuân thủ phác đồ điều trị. Nhiều người sau thời gian điều trị, tải lượng virút đã giảm nhiều, thậm chí ở ngưỡng không phát hiện.Việc chủ động xét nghiệm sớm HIV để kịp thời điều trị ARV ngay khi có kết quả HIV dương tính sẽ giúp người bệnh hồi phục sức khỏe, sinh hoạt và lao động bình thường. Hiện, công tác tư vấn xét nghiệm tự nguyện đã được thực hiện ở tất cả các đơn vị y tế trong toàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 9/2019 đã có 7.367 người xét nghiệm tự nguyện, qua đó phát hiện 133 người dương tính với HIV. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV (lấy máu đầu ngón tay), góp phần tạo thuận lợi cho người dân có thể chủ động xét nghiệm, phát hiện sớm HIV và điều trị ARV càng sớm càng tốt. Đến nay, trong tổng số 1.724 người nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý điều trị bằng thuốc ARV tại các phòng OPC trong tỉnh, tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT đạt 94,6%. Các phòng khám ngoại trú đã ký hợp đồng với BHXH tỉnh và đã thực hiện thanh toán khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT. Nhờ đó, giúp người bệnh yên tâm điều trị mà không phải lo chi trả. Cộng đồng chung tay
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các tổ chức quốc tế. Dự án Quỹ toàn cầu triển khai có hiệu quả việc “Tăng cường chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và các hoạt động phòng chống AIDS dựa vào cộng đồng ở Việt Nam” tài trợ tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê và Thanh Sơn. Dự án hỗ trợ chủ yếu về vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; test kit, hóa chất phục vụ xét nghiệm HIV, xét nghiệm cơ bản phục vụ khám, theo dõi, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS; hỗ trợ thuốc ARV và Methadone. Về phía tổ chức AHF Hoa Kỳ tài trợ thông qua Dự án “Chẩn đoán nhiễm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS và kết nối giữa phòng khám với trại giam” thực hiện hỗ trợ về trang thiết bị và tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, tiếp cận điều trị thuốc ARV sớm đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đầu năm 2019, Dự án triển khai mở rộng hỗ trợ điều trị thêm 2 phòng OPC tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và dự kiến năm 2020 sẽ mở rộng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thông qua Dự án do Trường Đại học California Hoa kỳ và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tài trợ nhằm đánh giá hoạt động can thiệp cộng đồng trong phòng, chống HIV và ma túy, hỗ trợ điều trị ARV, cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc điều trị HIV/AIDS. Việc triển khai dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế, hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. 9 tháng đầu năm 2019 đã thực hiện trên 7.000 lượt truyền thông về HIV/AIDS dưới nhiều hình thức; phát sóng trực tiếp các chuyên đề sức khỏe liên quan đến HIV/AIDS trên Đài phát thanh, truyền hình tỉnh. Đài truyền thanh các xã, phường thường xuyên phát các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV, truyền thông về kiến thức, thực hành phòng, chống HIV/AIDS, giới thiệu quảng bá, vận động cộng đồng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, dự phòng và điều trị HIV/AIDS sẵn có tại cộng đồng… 100% đơn vị y tế thực hiện tốt công tác truyền thông và có sự phối hợp, lồng ghép trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đã triển khai đồng bộ tại các địa phương, cung cấp đầy đủ vật dụng phòng tránh lây nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao. Các nhóm đồng đẳng viên của 5 huyện thuộc Dự án Quỹ toàn cầu được đào tạo tập huấn hướng dẫn các hoạt động can thiệp giảm tác hại. Chương trình điều trị Methadone đã tiếp nhận 72 bệnh nhân mới, mạng lưới điều trị đã bao phủ 13/13 huyện, thành, thị nâng tổng số bệnh nhân đang được điều trị lên 525 người. Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức cơ bản về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 600 nhân viên y tế thôn bản. Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Tất cả phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm HIV đều được lấy máu xét nghiệm HIV và thực hiện theo đúng quy trình dự phòng lây truyền mẹ con theo quy định của Bộ Y tế. 9 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 16.600 phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV và may mắn không phát hiện người nào nhiễm HIV. Đến nay, 5 phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV sinh con được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm và kết quả không có trẻ nào nhiễm HIV.Có thể thấy, nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS từng bước được cải thiện và nâng cao, tính chủ động tham gia của người dân trong thực hiện các dịch vụ dự phòng, điều trị ngày một gia tăng. Thời gian tới, sẽ mở rộng độ bao phủ, đa dạng hóa các dịch vụ và nâng cao chất lượng chương trình can thiệp giảm tác hại theo hướng cung cấp các gói can thiệp toàn diện cho người có nguy cơ cao, hướng đến mục tiêu xóa bỏ đại dịch AIDS vào năm 2030.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201912/cung-hanh-dong-de-ket-thuc-dai-dich-aids-168117