Cú Panenka huyền thoại nâng tầm Tiệp Khắc và EURO 1976

Cú đá 11m Panenka mang về chiến thắng đầy kịch tính trong trận chung kết EURO 1976 như viên kim cương lớn nhất, đẹp nhất gắn lên trên vương miện vô địch tuyệt vời của Tiệp Khắc. Với nhiều chuyên gia, đây cũng là khoảnh khắc không thể ấn tượng hơn để khép lại một kỳ EURO hấp dẫn nhất trong lịch sử.

Ấn tượng Tiệp Khắc

Tiệp Khắc là đất nước có tiếng về bóng đá nhưng chưa có duyên với chức vô địch khi thất bại trong các trận chung kết World Cup năm 1934 và 1962. Họ cũng từng đứng thứ 3 tại kỳ EURO đầu tiên năm 1960.

Sau này khi Tiệp Khắc tan rã, Cộng hòa Séc có thêm 1 lần lọt vào trận chung kết EURO 96 và bán kết EURO 2004. Điều đó có thể khiến nhiều người nhầm tưởng rằng Cộng hòa Séc đóng vai trò nòng cốt trong chức vô địch EURO 1976 nhưng thực tế phần lớn cầu thủ lại là người Slovakia.

Tiệp Khắc vô địch EURO 1976.

Tiệp Khắc vô địch EURO 1976.

Về chiến thuật, giai đoạn này Tiệp Khắc không thiên về tấn công như các đội bóng huyền thoại khác là Brazil 1970 hay “Cơn lốc màu da cam” Hà Lan 1974. Họ cũng không thiên về kiểm soát lối chơi như Tây Đức 1972 và 1974. Tiệp Khắc thường khống chế bóng trong thời gian tương đối dài ở phần sân nhà. Họ có sự đa dạng trong cách tiếp cận khung thành đối thủ: từ chơi bóng dài với cả ba tiền đạo đều có thể chuyển đổi vị trí đến việc 2 cầu thủ đá biên là Anton Ondrus (trái) và Jan Pivarnik (phải) thường xuyên dâng cao để tấn công từ 2 cánh, sút xa, tận dụng cơ hội từ các tình huống cố định hoặc các pha tấn công, phản công nhanh từ các đường chuyền sáng tạo của tiền vệ tài hoa Antonin Panenka.

Trong lối chơi đó, Ondrus đóng vai trò then chốt. Anh gây ấn tượng đến mức được mệnh danh là “Beckenbauer của phương Đông” với những pha dâng cao tấn công từ tuyến sau. Điều đáng nói là cầu thủ này suýt chút nữa đã phải bỏ lỡ EURO 1976. Phải nhờ đến sự can thiệp của trợ lý HLV Jozef Venglos - người thường được mệnh danh là Tiến sĩ Jozef - cuối cùng HLV Vaclav Jezek mới triệu tập Ondrus.

Không bỏ lỡ cơ hội, “Beckenbauer của phương Đông” đã tỏa sáng rực rỡ với lối chơi hào hoa và hiệu quả. Chính anh ghi bàn mở tỷ số trong trận bán kết với Hà Lan và thực hiện thành công quả penalty trong trận chung kết với Tây Đức. Sau giải đấu, Ondrus trở thành cầu thủ đá cánh hàng đầu thế giới.

Ondrus rất xuất sắc, nhưng ngôi sao lớn nhất của Tiệp Khắc chắc chắn phải là thủ môn Ivo Viktor - người đứng thứ 23 trong danh sách bình chọn Quả bóng vàng 1969 và cũng là thủ môn duy nhất trong danh sách này.

EURO 1976 là giải đấu lớn cuối cùng mà Viktor tham dự và anh đã tỏa sáng ấn tượng với hàng loạt pha cứu thua xuất sắc, đặc biệt là trong trận bán kết gặp Hà Lan cũng như trận chung kết trước Tây Đức. Phong độ ấn tượng giúp Viktor được bầu chọn ở vị trí thứ ba trong danh sách Quả bóng Vàng.

Trận chung kết siêu kịch tính

Cú đá trở thành thương hiệu của Panenka.

Cú đá trở thành thương hiệu của Panenka.

Cuộc đối đầu giữa Tiệp Khắc và Tây Đức được đánh giá là một trong những trận đấu hấp dẫn và kịch tính nhất trong lịch sử EURO.

Trước trận, Tây Đức được đánh giá cao hơn hẳn do họ là Đương kim vô địch EURO và World Cup lại sở hữu một đội hình đồng đều hơn với sự dẫn dắt của “Hoàng đế” Beckenbauer.

Tuy nhiên, Tiệp Khắc cũng tràn đầy tự tin khi vượt qua “Cơn lốc màu da cam” đương kim Á quân World Cup bằng chiến thắng thuyết phục 3-1 nhờ sự tỏa sáng của Ondrus - “Beckenbauer của phương Đông” - với những pha phát động tấn công từ hàng thủ ấn tượng không kém “Hoàng đế” Đức.

Ngay đầu trận chung kết, Tiệp Khắc gây sốc cho đối thủ khi vươn lên dẫn trước 2 bàn với pha lập công của Jan Svehlik ở phút thứ 8 và cú sút xa đẳng cấp của Karol Dobias ở phút 25.

Tuy nhiên, chỉ 3 phút sau, Dieter Muller - người mới vừa ra mắt trong trận bán kết với cú hat-trick vào lưới Nam Tư - lập công rút ngắn cách biệt xuống còn 1-2 với cú volley tuyệt đẹp. Đáng nói là Muller ghi 4 bàn thắng trong trận bán kết và chung kết chỉ sau 1 giờ thi đấu tại giải qua đó đoạt luôn danh hiệu Vua phá lưới.

Có bàn giải tỏa, Tây Đức liên tục gây sức ép và tạo ra hàng loạt cơ hội nhưng thủ thành Viktor liên tục cứu thua làm giúp đội nhà đứng vững đến phút thứ 89 của trận đấu. Những tưởng chức vô địch thuộc về Tiệp Khắc thì Bernd Holzenbein bất ngờ đánh đầu tung lưới Viktor từ một quả phạt góc.

Bàn thắng cứu sống Tây Đức này rất gây tranh cãi bởi theo nhiều chuyên gia, Bernd Holzenbein đã thúc cùi chỏ vào thủ thành Viktor và nếu thời đó có VAR, chắc chắn pha lập công này sẽ không được công nhận.

Trận đấu sau đó phải thi đấu thêm hiệp phụ với nhiều cơ hội cho cả 2 đội. Nhịp độ cao vẫn được cầu thủ 2 bên duy trì bởi luật thay người đã được áp dụng, một điều khá mới mẻ ở giai đoạn này. Dù vậy, không có bàn thắng nào được ghi và sau 120 phút, trận đấu buộc phải đi đến những loạt sút 11m cân não.

Loạt luân lưu định mệnh

Một chi tiết ít người biết là việc giải quyết trận đấu bằng loạt sút luân lưu chỉ được đưa ra và đi đến thống nhất vài giờ trước khi trận chung kết EURO 1976 diễn ra. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Giải vô địch châu Âu hoặc World Cup có áp dụng việc đá luân lưu phân thắng bại.

Ý tưởng ban đầu là nếu hòa, trận đấu sẽ được đá lại hai ngày sau đó như đã từng diễn ra tại EURO 1968. Nhưng cả hai đội bóng, đặc biệt là Tây Đức, đều muốn giải quyết trận đấu ngay trong đêm bởi lo ngại tình trạng kiệt sức của các cầu thủ. Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) chỉ đi đến thống nhất vài giờ trước khi trận đấu bắt đầu và các cầu thủ Tây Đức chỉ được thông báo điều này trong phòng thay đồ.

Tờ Munich Marker đưa tin, đội trưởng Beckenbauer cảm thấy bối rối vì không được hỏi ý kiến trước. Nhiều cầu thủ Tây Đức chưa từng thực hiện những quả phạt đền trong một trận đấu chính thức và chỉ có một cầu thủ thường xuyên đá 11m ở cấp CLB. Bởi vậy, rất ít người tình nguyện thực hiện nhiệm vụ đá penalty trong trận chung kết.

Trong khi đó, theo tờ New York Times, Tiệp Khắc tập khá kỹ những quả phạt đền. Họ thậm chí còn được hỗ trợ bởi hàng chục người dân địa phương vốn được HLV Jezek đưa vào đứng sau khung thành để tạo áp lực cho các cầu thủ. Ông đã dự đoán chính xác việc thiếu sự ủng hộ dành cho các cầu thủ của mình khi Tiệp Khắc chỉ có một số ít người hâm mộ tham dự trận đấu (dù rất nhiều khán giả trung lập đã cổ vũ cho chiến thắng cuối cùng của họ).

Đây có thể là nguyên nhân tất cả 4 quả penalty đầu tiên của Tiệp Khắc đều được thực hiện thành công (Marian Masny, Zdenek Nehoda, Anton Ondrus, Ladislav Jurkemik). Bên phía Tây Đức, dù không có sự chuẩn bị tốt như đối thủ nhưng với bản lĩnh và tinh thần Đức, cả 3 tuyển thủ Rainer Bonhof, Heinz Flohe, Hans Bongartz đều làm tung lưới thủ thành Viktor. Bước ngoặt trận đấu chỉ đến khi huyền thoại người Đức Uli Hoeness sút bóng lên khán đài.

Ngay sau đó, tiền vệ tấn công Antonin Panenka bước lên để thực hiện quả đá phạt mà nếu thành công Tiệp Khắc sẽ soán ngôi Tây Đức để trở thành tân vương của EURO. Ai cũng thấy rõ áp lực dồn lên Panenka là lớn đến mức nào!

Khoảnh khắc Panenka huyền thoại

- Video pha đá luân lưu của Panenka. Nguồn: UEFA EURO 2024.

Ở thời khắc quyết định, Panenka lấy đà khá xa và thực hiện những bước chạy rất quyết đoán. Tuy nhiên, sau đó anh đã thực hiện động tác không tưởng khi nhẹ nhàng bấm bóng vào chính giữa khung thành. Đây là điều thủ môn huyền thoại Sepp Maier không thể ngờ tới bởi anh đã đổ người về bên trái. Quả bóng đi vào lưới trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Thắng lợi với tỷ số 5-3 ở những loạt đấu súng cân não, Tiệp Khắc xuất sắc đoạt chức vô địch EURO 1976. Chức vô địch đó đến một cách không thể ấn tượng hơn với cú Panenka huyền thoại.

Quả phạt đền thành công của Panenka trở thành một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Nó đến vào giây phút quyết định và được thực hiện theo cách khó tin nhất.

Trong bóng đá, rất ít người được đặt tên cho một “tuyệt chiêu” cụ thể như pha ngoặt bóng của Johan Cruyff. Nhưng hiếm hơn nữa là những tuyệt tác mà chỉ được gói gọn trong một, hai từ như tuyệt chiêu đá 11m này: không phải là “quả penalty Panenka” (a Panenka penalty) mà chỉ đơn giản là Panenka (a Panenka).

Vốn đã là một cầu thủ giỏi, một tiền vệ kiến tạo lối chơi cổ điển của thời đại này, Panenka không có tốc độ hay thể lực vượt trội, không tắc bóng nhiều. Nhưng anh là một chân chuyền sáng tạo xuất sắc. Điều này dựa trên khả năng tạo ra những điều bất ngờ của huyền thoại này. Tuy nhiên, ít ai lường được anh sẽ sử dụng khả năng đó trên chấm phạt đền trong thời khắc lớn nhất của sự nghiệp.

Pirlo đá luân lưu kiểu Panenka ở trận tứ kết EURO 2012 giữa Italia với ĐT Anh.

Pirlo đá luân lưu kiểu Panenka ở trận tứ kết EURO 2012 giữa Italia với ĐT Anh.

Chia sẻ trên tờ Sport360 vào năm 2017, Panenka cho biết: “Tôi không gặp vấn đề gì khi sút sang trái hoặc phải. Tôi luôn chờ đợi chuyển động của thủ môn và sau đó tôi sẽ chọn hướng sút của mình”.

Nhưng điều then chốt mà Panenka nhận ra là các thủ môn luôn di chuyển. “Đối với một thủ môn, thật khó để đứng nguyên ở giữa khung thành vì nếu để thủng lưới, họ sẽ luôn bị đổ lỗi. Mọi người sẽ hỏi tại sao anh ấy thậm chí còn không cố gắng cản phá cú sút”.

“Tôi chưa bao giờ muốn thủ thành Maier bị mất mặt. Ngược lại, tôi chọn cách đá đó vì nghĩ rằng đó là công thức ghi bàn dễ nhất. Đó là một cú đá đơn giản” - Panenka kết luận.

Được biết, Panenka đã tập luyện thường xuyên tuyệt chiêu này trong hơn hai năm với các thủ môn tại CLB, thậm chí anh còn cá cược với họ bằng bia và sô cô la. Anh đã hứa với các đồng đội trước trận đấu rằng sẽ thực hiện cú đá này trong loạt luân lưu nếu cần thiết và đã hiện thực hóa cú 11m đáng nhớ nhất trong lịch sử Giải vô địch châu Âu.

Siêu phẩm này như là viên kim cương lớn nhất, đẹp đẽ nhất được đính vào chiếc vương miện của tân vương Tiệp Khắc. Không những thế, với nhiều người đây là pha bóng hoàn hảo để khép lại EURO 1976, Giải vô địch châu Âu hay nhất cho đến nay. Cú Panenka và những hiệu ứng của nó đã góp phần nâng tầm EURO trở thành một trong những ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh.

Thông tin tổng quát EURO 1976

Giống như 2 kỳ EURO trước, vòng loại EURO 1976 cũng có 2 giai đoạn. Vòng loại đầu tiên diễn ra vào năm 1974 và 1975 với sự góp mặt của 32 đội tuyển, chia làm 8 bảng thi đấu vòng tròn 2 lượt sân nhà và sân khách theo thể thức tính điểm để chọn ra 8 đội đầu bảng vào tứ kết. Mỗi trận thắng được 2 điểm, hòa được 1 điểm và thua không có điểm.

4 đội tuyển giành chiến thắng tại vòng tứ kết giành quyền tham dự vòng chung kết diễn ra ở Nam Tư từ ngày 16 đến 20/6/1976 với sự góp mặt của Hà Lan, Tây Đức, Tiệp Khắc và chủ nhà Nam Tư.

Ở vòng bán kết, Tiệp Khắc giành chiến thắng 3-1 trước Hà Lan sau 120 phút thi đấu. Trong khi đó, Tây Đức cũng cần tới 2 hiệp phụ mới có thể vượt qua Nam Tư với tỷ số 4-2.

Bảo Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-panenka-huyen-thoai-nang-tam-tiep-khac-va-euro-1976-post1644000.tpo