CPI năm 2020 có thể ở mức dưới 3,5%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang được kiểm soát tương đối tốt và dự báo cả năm nay có thể đạt mức dưới 3,5%, thấp hơn con số mục tiêu mà Quốc hội giao (dưới 4%).

CPI tháng 10/2020 đã tăng 0,09% so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ 10 tháng tổ chức mới đây, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lý giải, mức tăng này chủ yếu do tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình và ảnh hưởng của bão lũ tại các tỉnh miền Trung.

Ổn định cung cầu hàng hóa dịp cuối năm để kiềm chế đà tăng của CPI

Cụ thể, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 10/2020 là trong tháng, có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 1,52% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,08%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ bão số 6, số 7 và số 8, các tỉnh miền Trung hứng chịu 3 đợt lũ liên tiếp vượt qua đợt lũ lịch sử năm 1979 và năm 1999. Mưa lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng về con người và tài sản, làm hại đến hoa màu khiến cho giá rau tươi chung cả nước tháng 10/2020 tăng 1,86% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%. Ngoài ra, từ ngày 01/10/2020 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg, tăng 1,77% so với tháng 9/2020 tác động đến CPI chung tăng 0,03%, do giá gas thế giới tăng 17,5 USD/tấn lên mức 377,5 USD/tấn.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 10/2020 như: giá thịt lợn giảm 2,84% so với tháng trước (giảm từ 2.000 – 3.200 đồng/kg) do nguồn cung trong nước tăng làm cho giá lợn hơi trong nước giảm. Giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm ngày 26/9/2020; tăng ngày 12/10/2020 khiến bình quân tháng 10/2020, giá xăng dầu giảm 0,18% so với tháng trước làm giảm CPI chung khoảng 0,01%. Cũng trong tháng 10, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới diễn biến thất thường do nhiều luồng thông tin trái chiều trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Tính chung, CPI bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2016.

Trong nửa đầu năm, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, là mức tăng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trước đó. Tuy nhiên, từ đó đến nay, CPI đã được kiểm soát tương đối tốt và đã giữ ổn định với mức tăng 3,71% sau 10 tháng. Theo đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), từ nay đến cuối năm, dịch tả châu Phi có dấu hiệu bùng phát trở lại ở 1 số địa phương, gây lo ngại ảnh hưởng đến giá mặt hàng thịt lợn vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, giá đường cũng có xu hướng tăng trong tháng 11 do thế giới tăng nhu cầu sử dụng vào mùa đông.

Một số yếu tố như thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm hàng thu đông, thiết bị gia đình tăng nhẹ. Giá gas dự báo cũng sẽ tăng vào mùa đông do nhu cầu tăng cao. Nhu cầu điện nước cũng sẽ tăng trong mùa lạnh…

Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, tháng 11 là một trong 2 tháng cuối năm nên công tác theo dõi cung cầu, ổn định giá cả cần tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa khi nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Bên cạnh đó, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại. Với nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm nên cần kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh ảnh hưởng đến giá thịt lợn. Đồng thời, kiểm soát xuất nhập khẩu trái phép lợn hơi qua biên giới. Tăng cường kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng sử dụng ngân sách để mua nhằm tiết kiệm ngân sách.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nếu không có biến động bất thường, CPI cả năm nay có thể đạt mức dưới 3,5%, thấp hơn con số mục tiêu mà Quốc hội giao (dưới 4%).

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cpi-nam-2020-co-the-o-muc-duoi-35-146755.html